Mô hình kinh tế Hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm dịch giống thủy sản

Hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm dịch giống thủy sản

Ngày đăng 16/07/2015

Hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm dịch giống thủy sản

Năm 2015 là năm đầu tiên công tác kiểm dịch được thực hiện với tỷ lệ cao nhất, với sự tham gia tích cực từ các ngành theo chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh.

Theo số liệu của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, trong 06 tháng đầu năm 2015, tại 04 huyện vùng ven biển đã thả nuôi trên 03 tỷ con giống (tôm sú 1,67 tỷ con giống và thẻ chân trắng 1,42 tỷ con giống). Qua đó, số tôm giống được kiểm dịch gần 1,3 tỷ con (chiếm 43,3% so với tổng số con giống thả nuôi). Trong 02 tháng sau khi triển khai thực hiện Công văn số 959/UBND-NN ngày 06/4/2015 của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương phối hợp giữa Sở NN-PTNT với Công an tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra về giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, số tôm giống thông qua kiểm dịch trên 800 triệu con (qua trạm kiểm dịch, hộ nuôi tự đi kiểm dịch dịch vụ…).

Qua trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hoàn Mỹ, Quyền Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT cho biết: Trước đây, công tác kiểm dịch cũng như công tác thanh tra, kiểm tra về giống thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, các cơ sở kinh doanh, vận chuyển và hộ nuôi chưa chấp hành tốt các quy định về kiểm tra chất lượng con giống. Qua thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở NN-PTNT và Công an tỉnh, trong này Sở NN-PTNT giao cho Thanh tra Sở NN-PTNT; Công an tỉnh giao Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ làm đầu mối phối hợp để thực hiện. Kết quả là, 100% các phương tiện vận chuyển kinh doanh giống thủy sản khi xuất-nhập vào địa bàn tỉnh đều bắt buộc phải thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện 02 đợt về lĩnh vực giống thủy sản với 18 phương tiện vận chuyển giống thủy sản, đã phát hiện và xử lý 05 trường hợp vi phạm về vận chuyển giống thủy sản ra khỏi cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản. Đồng thời, buộc thực hiện kiểm dịch lại theo quy định 05 trường hợp trên với 08 mẫu (03 mẫu tôm sú giống và 05 mẫu tôm thẻ chân trắng).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong công tác kiểm dịch giống thủy sản, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng, tránh các rủi ro về dịch bệnh từ con giống, đòi hỏi vai trò của từng địa phương nơi có các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phối hợp tuyên truyền, thực hiện tốt công tác kiểm tra và vận động người nuôi chọn con giống qua kiểm dịch, các cơ sở cung cấp giống uy tín, chất lượng và có nguồn gốc. Theo ông Trần Văn Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản: Đối với nuôi thủy sản, vấn đề chất lượng con giống có yếu tố quyết định rất lớn về sự thành công. Khi xảy ra dịch bệnh trên thủy sản (giống kém chất lượng, mang mầm bệnh…) sẽ dễ gây ra bệnh trên diện rộng và mầm bệnh lưu tồn trong môi trường nước.

Hiện nay, nhiều người nuôi tôm thường tổ chức đến tận các cơ sở để xem và đưa mẻ con giống đi kiểm dịch tại nhiều cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, khi về tỉnh, ngành chuyên môn vẫn bắt buộc phải kiểm dịch lại các mẻ tôm này. Nguyên nhân là các hộ nuôi tôm tự đi kiểm dịch giống (đốm trắng, đầu vàng, taura, gan tụy…) nhưng không thực hiện ở các cơ quan kiểm dịch bắt buộc tại nơi đặt các cơ sở sản xuất là Chi cục NTTS hoặc trạm kiểm dịch trực thuộc các cơ quan của Chi cục NTTS nơi địa phương đó (theo quy định của Bộ NN-PTNT), nên các phiếu kiểm dịch khi đó không có giá trị.

Một vấn đề mà Thanh tra Sở NN-PTNT muốn chia sẻ với người nuôi thủy sản ở các huyện vùng ven biển là, để đảm bảo chất lượng giống thủy sản khi mua thông qua các đại lý, cơ sở chào hàng (con giống) đến người nuôi, cần thực hiện các yêu cầu bắt buộc là: Có phiếu kiểm dịch giống, phiếu xét nghiệm các loại bệnh, phiếu xuất hàng và thời gian vận chuyển con giống có giá trị theo quy định (từ cơ sở đến nơi nhận). Khi các thủ tục trên không đáp ứng đầy đủ cho người mua giống, cần báo ngay với địa phương hoặc cơ quan quản lý về giống thủy sản.


Cá ruội Cô Tô Cá ruội Cô Tô Một số khó khăn trong nhân rộng mô hình VietGAP thủy sản Một số khó khăn trong nhân rộng mô…