Hồ tiêu giá cao cũng lo
Nông dân hưởng lợi
Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Đỗ Hà Nam khi phát biểu tại hội nghị thường niên ngành hồ tiêu được tổ chức cuối tuần qua ở TPHCM. Khi người trồng hồ tiêu ngày càng nắm chặt thông tin giá cả thị trường hàng ngày và sẵn sàng để hàng trong kho nếu giá xuống thấp, không hốt hoảng như nông dân các mặt hàng khác. Điều này lý giải vì sao, đầu năm nay, khi vào vụ thu hoạch giá hồ tiêu thường giảm, nhưng thực tế chỉ thời gian tết giá có hơi sụt, còn từ tháng 3 đến nay ở mức cao: 200.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VPA, nhiều yếu tố cho thấy, nông dân trồng hồ tiêu rút kinh nghiệm diễn biến giá năm 2014 nên khi vào vụ thu hoạch 2015, bà con không vội bán hàng nếu giá xuống thấp, không ít doanh nghiệp lãnh đủ khi chủ quan cho rằng đầu vụ giá giảm nên không tính hết tình huống lúc ký hợp đồng xuất khẩu.
4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu 57.000 tấn, thấp hơn 23% so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng 21%, với kim ngạch đạt 521 triệu USD. Giá hồ tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt trên 8.700USD/tấn, tăng hơn 2.200USD/tấn (34,7%), tiêu trắng đạt 12.500USD/tấn cũng tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức giá kỷ lục từ trước đến nay với hồ tiêu Việt Nam. VPA nhận định, nếu duy trì mức giá này, năm 2015 chỉ cần xuất khẩu 130.000 tấn hồ tiêu các loại (thay vì 156.000 tấn như năm 2014) cũng sẽ duy trì kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD như năm rồi.
Nông dân trồng hồ tiêu ngày càng có kinh nghiệm và tự tin hơn khi bán hàng, chính bà con là người điều tiết giá hồ tiêu trên thị trường và cũng là người hưởng lợi nhiều nhất, còn doanh nghiệp xuất khẩu chỉ làm vai trò dịch vụ nên mức hưởng lợi thấp và gặp nhiều rủi ro nếu không nhạy bén với thị trường, chỉ bán khi có hàng trong kho hay ký hợp đồng giao hàng ngay, thay vì giao giãn xa để tránh rủi ro khi nguồn lực còn hạn chế.
Đầu những năm 2000 đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất, hiện chiếm 57% lượng hồ tiêu giao dịch thị trường thế giới, cùng với việc có thể giữ trong kho 2 năm vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng và nhờ tích lũy của ăn của để thời gian khá dài, giúp bà con có thêm nguồn lực để chủ động khi tính toán lượng hàng bán ra thị trường, xem đó như công cụ để giữ giá. Do vậy, dù theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), năm 2015 sản lượng hồ tiêu nhiều nước gia tăng nhờ được mùa nhưng giá hồ tiêu vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Hai mặt của sự việc
Nhưng việc gì cũng có 2 mặt. Giá cao thời gian dài là động lực làm bùng nổ diện tích trồng mới, tạo áp lực lên các cây trồng công nghiệp khác như cà phê, nhất là cao su khi giá xuống quá thấp. Đã xuất hiện tình trạng trồng hồ tiêu xen trong vườn cà phê, điều hay chặt cao su trồng hồ tiêu.
Theo khảo sát của các chuyên gia, diện tích hồ tiêu trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 lên đến 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt 80.000ha so với quy hoạch là 50.000ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 52.000ha với năng suất bình quân 2,4 tấn/ha/năm. Do giá cao, lợi nhuận lớn không chỉ làm gia tăng diện tích vượt quá quy hoạch mà còn xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên (đất, nước…) quá đà, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt.
Theo điều tra của Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu là bệnh thối rễ, xoăn lá, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông, nhưng nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium, từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên, Đông Nam bộ…
Nấm bệnh nhiều buộc bà con gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Một trong những thị trường xuất khẩu hồ tiêu chính là châu Âu, nhưng từ năm 2014 và nhất là năm 2015, châu Âu đã siết chặt vấn đề VSATTP, kiểm tra gắt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên lượng xuất năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 sang thị trường này bị giảm.
VPA nhận định, quý 2-2015, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế xuất khẩu do nguồn cung từ những nước sản xuất chính chỉ còn lại Việt Nam và Ấn Độ, trong khi tiêu thụ nội địa của Ấn Độ lại cao. Phải sau quý 2, các nhà nhập khẩu mới có thể chuyển sang mua tiêu của Indonesia và Malayia.
Tuy nhiên, lợi thế xuất khẩu hồ tiêu quý 2 chưa thể như mong muốn do nếu bán thô sẽ vướng quy định khắt khe về chất lượng, VSATTP của các nước nhập khẩu, đặc biệt là EU khi một số quy định mới đã có hiệu lực. Thay vì điều tiết, lại xuất hiện tình trạng “găm hàng” hồ tiêu trong dân và đại lý. Giá nội địa cao gây khó và chưa hấp dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hơn nữa, chênh lệch tỷ giá hối đoái đồng USD và EUR trên thị trường so với đồng Việt Nam khiến các nhà nhập khẩu cân nhắc hơn bởi rủi ro thua lỗ. Điều đó sẽ tác động đến giá hồ tiêu trong nước. Với những hạn chế này, dù nhu cầu thế giới về hồ tiêu có thể tăng nhưng việc xuất khẩu hồ tiêu chưa chắc có thể tăng sản lượng xuất khẩu trong quý 2 này.
Vì vậy, VPA kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần có chỉ đạo quyết liệt hơn và làm rõ vấn đề dư lượng hóa chất BVTV trên hồ tiêu với nhiều giải pháp căn cơ từ quản lý giống, thuốc BVTV… tới việc tăng cường hơn nữa hoạt động khuyến nông, phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, nhất là vùng trồng hồ tiêu mới, chưa có kinh nghiệm về canh tác, thu hoạch, bảo quản.
Năm 2015 được dự báo dịch bệnh hồ tiêu có chiều hướng gia tăng, cần tập trung nghiên cứu, quản lý và phòng trừ dịch hại, giảm thiệt hại cho người trồng, nhất là vùng trồng chuyên canh và thâm canh cao như Gia Lai, Đắk Nông…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ