Mô hình kinh tế Hỗ Trợ Nghề Nuôi Trồng, Xuất Khẩu Thủy Sản

Hỗ Trợ Nghề Nuôi Trồng, Xuất Khẩu Thủy Sản

Ngày đăng 10/06/2012

Hỗ Trợ Nghề Nuôi Trồng, Xuất Khẩu Thủy Sản
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm tháng đầu năm cả nước khai thác được 1.051 nghìn tấn thủy sản, tăng 3% và nuôi trồng đạt 1.016 nghìn tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, nhờ sản lượng tăng đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2011.

Mặc dù sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng, nhưng người nuôi, nhà chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn chưa thể mừng, khi mà xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều bất lợi. Bằng chứng là năm tháng qua, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản đã giảm 40% so cùng kỳ năm trước. Từ 800 doanh nghiệp (năm 2011), nay chỉ còn 473 doanh nghiệp. Sản lượng hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra không ổn định, trong đó mối lo nhất là dịch bệnh trên tôm, và diện tích nuôi cá tra giảm. Thời gian gần đây, xuất hiện một số loại bệnh mới trên tôm gây ảnh hưởng hiệu quả của các hộ nuôi. Mặc dù dịch bệnh trên tôm năm nay nhìn chung không lây lan rộng như năm trước và phần diện tích nhiễm bệnh của một số địa phương đã được xử lý kịp thời. Nhưng vẫn có nhiều địa phương diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh do chất lượng con giống chưa tốt và mầm mống dịch từ năm trước chưa được xử lý triệt để, như Sóc Trăng có 17 nghìn ha (chiếm 72% diện tích thả nuôi), Trà Vinh 7.700 ha (chiếm 35%). Thậm chí như Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Ðể ngành thủy sản ổn định sản xuất, giảm khó khăn cho người nuôi và các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương nghiên cứu ban hành Quy chế quản lý hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất trong nuôi trồng thủy sản toàn quốc. Tại các địa phương, nhất là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, cần tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất; phòng, chống hạn, mặn, biến đổi môi trường và dịch bệnh; chỉ đạo kỹ thuật nuôi, chăm sóc, kỹ thuật và thời gian thu hoạch; thường xuyên theo dõi diễn biến của chất lượng môi trường nước ao nuôi, nguồn nước cấp, kịp thời phát hiện mầm bệnh ngay từ trong "trứng nước" để có những biện pháp xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hộ nuôi nhỏ, lẻ thành các tổ đội sản xuất, tạo mối liên kết bảo đảm "ba lợi ích" giữa người sản xuất, nhà chế biến và tiêu thụ. Nhà chế biến có vùng nguyên liệu, người nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đồng thời tuân thủ các quy định 
điều kiện sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là cần thay đổi cách tiếp cận kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu phù hợp Luật An toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế.

Nghiên Cứu Ứng Dụng Các Kỹ Thuật Và Quản Lý, Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể “Cá Ngừ Đại Dương Phú Yên” Nghiên Cứu Ứng Dụng Các Kỹ Thuật Và… Nguồn Nghêu Giống Đang Cạn Kiệt Ở Trà Vinh Nguồn Nghêu Giống Đang Cạn Kiệt Ở Trà…