Mô hình kinh tế Hoà Bình Phát Triển Vùng Sản Xuất Cam An Toàn, Bền Vững

Hoà Bình Phát Triển Vùng Sản Xuất Cam An Toàn, Bền Vững

Ngày đăng 28/03/2014

Hoà Bình Phát Triển Vùng Sản Xuất Cam An Toàn, Bền Vững

Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Kim Bôi sẽ có 677 ha cam, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 xã Tú Sơn, Nam Thượng, Sào Báy và Mỵ Hòa. Ảnh: chăm sóc diện tích cam được quy hoạch trồng mới trên địa bàn xã Nam Thượng (Kim Bôi).

Hình thành các vùng sản xuất cam an toàn với quy mô ngày càng lớn, từng bước đưa nghề sản xuất cam tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hoà Bình, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động...

Đó là những kết quả quan trọng mà ngành NN&PTNT dự kiến sẽ đạt được khi thực hiện thành công việc phát triển sản xuất cam an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT, với tổng diện tích cam và cây có múi đạt khoảng 1.500 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm, tỉnh đang đứng đầu khu vực trung du và miền núi Tây Bắc về diện tích cây có múi. Trong đó, Cao Phong là huyện có diện tích cam lớn nhất tỉnh với trên 900 ha, giá trị kinh tế bình quân đạt khoảng 600 triệu đồng/ha. Cam là cây có múi chủ lực, hiện chiếm trên 72,5% cơ cấu cây có múi của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất cam hàng hóa tập trung quy mô lớn, nổi bật nhất là huyện Cao Phong và một số xã của huyện Kim Bôi, Lạc Thủy. Những năm gần đây, các giống cam có năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào trồng thay thế dần những giống cũ.

Tỉnh cơ bản đã hoàn thiện việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây cam Hòa Bình và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm. Những kết quả này cho thấy, cây cam đang được đánh giá là loại cây trồng mũi nhọn để tỉnh ta đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có giá trị kinh tế cao, SXHH quy mô lớn.

Trao đổi về định hướng phát triển sản xuất cam trên địa bàn tỉnh những năm tới, đồng chí Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: tỉnh có 5 thuận lợi lớn để đẩy mạnh phát triển sản xuất cam. Thứ nhất, cây cam đã khẳng định được giá trị kinh tế cao vượt trội so với các cây trồng khác, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất cam hàng hóa, do vậy, đây sẽ là động lực rất lớn thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cam.

Thứ hai, tiềm năng về đất đai và lao động của tỉnh tương đối dồi dào, phù hợp cho việc phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn. Thứ ba, tỉnh có hệ thống giao thông với hai trục quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh chạy qua các vùng sản xuất cam, rất thuận lợi cho việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, thêm vào đó lại có vị trí tiếp giáp với thành phố Hà Nội, vốn là thị trường tiêu thụ lớn cho nông sản các địa phương.

Thứ tư, điều kiện nguồn nước tưới khá thuận tiện và dồi dào với hệ thống các hồ chứa, sông, suối trên địa bàn tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của SXHH quy mô lớn. Thứ năm, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân có sự đồng thuận cao đối với quy hoạch phát triển sản xuất cam và cây có múi trên địa bàn tỉnh.

Quan điểm quy hoạch phát triển cam an toàn tập trung của tỉnh là: quy hoạch phát triển theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, KT-XH và thị trường.

Nhằm khai thác tiềm năng phát triển của cây cam, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong sản xuất cam theo hướng bền vững, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch vùng sản xuất cam an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2002”.

Mục tiêu chung của quy hoạch là hình thành được các vùng sản xuất cam an toàn với quy mô ngày càng lớn, từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng để mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng SXHH, từng bước đưa nghề sản xuất cam tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong SXNN của tỉnh; từng bước xây dựng được vùng cam phát triển ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có khoảng 3.094 ha cam an toàn tập trung, sản lượng đạt khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm, từng bước tăng hiệu quả kinh tế của sản xuất cam theo hướng chuyển dịch cơ cấu diện tích với 20% diện tích cam chín sớm, 45% diện tích cam chín chính vụ và 35% diện tích cam chín muộn.

Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích cam quy hoạch đạt 5.084 ha, sản lượng đạt khoảng 90.000 - 100.000 tấn/năm, phấn đấu 40% sản lượng cam được quản lý theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo dựng thương hiệu cam an toàn và tiến tới xuất khẩu.

Đặc biệt, dự kiến 100% diện tích sản xuất cam của vùng quy hoạch sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và có thương hiệu bền vững.


Toàn Tỉnh Sản Xuất, Cung Ứng 200 Triệu Con Cá Giống Toàn Tỉnh Sản Xuất, Cung Ứng 200 Triệu… Nông Dân Lãi Khá Khi Tham Gia Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Nông Dân Lãi Khá Khi Tham Gia Mô…