Nuôi gà Hội chứng còi cọc ở gà

Hội chứng còi cọc ở gà

Tác giả Phạm Hải, ngày đăng 07/08/2018

Hội chứng còi cọc ở gà

Nuôi gà chậm lớn là vấn đề đáng lo ngại, bởi nó không chỉ làm tốn thức ăn, tăng thời gian nuôi, giảm hiệu quả, mà còn làm tăng chi phí và tỷ lệ gà nhiễm bệnh.

Nguyên nhân

Hội chứng gà còi cọc do nhiều nguyên nhân gây ra như gà bị giun sán, gà mắc bệnh mãn tính, gà bị bệnh E.Coli, hoặc gà bị còi cọc ngay từ khi mới nở… Tuy nhiên, các chuyên gia thú y đã thành công phân lập được Reovirus - một loại virus gây còi cọc truyền nhiễm ở gà và đây được xem là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy hội chứng còi cọc được xem là một bệnh truyền nhiễm. Bệnh đã và đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho ngành chăn nuôi với các biểu hiện đặc trưng chậm lớn, xấu xí, lùn và còi cọc, gây thiệt hại đáng kể đến kết quả chăn nuôi.

Tiêm phòng vaccine phòng hội chứng còi cọc ở gà. Ảnh: Reuter

Hội chứng còi cọc còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Hội chứng gà lùn, hội chứng gà xanh xám, bệnh trực thăng, bệnh hoại tử cơ đầu đùi, bệnh dễ gãy xương…

Bệnh còi cọc chỉ xảy ra ở gà 1 - 6 tuần tuổi. Bệnh có thể truyền dọc qua phôi trứng và truyền ngang lây từ đàn này sang đàn khác. Bệnh không có tính thời vụ, nhưng lại chịu tác động lớn bởi kỹ thuật chăn nuôi.

Triệu chứng

Hội chứng còi cọc ở gà có những triệu chứng sau: Nhìn chung cả đàn gà vẫn ăn uống khỏe mạnh bình thường, nhưng gà ỉa chảy liên tục, phân sống có bọt khí, khi dùng các loại thuốc kháng sinh điều trị bệnh sẽ thuyên giảm trong 2 - 3 ngày, nhưng ngay sau đó tiêu chảy lại tiếp diễn (kháng sinh không có tác dụng); Hình thể gà xấu xí, chân lùn, đi không vững, lông kém mượt lại bẩn do phân bám dính, có lẽ từ các bệnh chứng này nên người ta đặt tên “gà lùn”; Gà bệnh chậm lớn hẳn so với những con khác cùng lứa tuổi, gây cảm giác như trong đàn gà gồm nhiều lứa tuổi khác nhau và cách nhau 2 - 3 tuần tuổi; Ðến khi gà được 5 - 6 tuần tuổi thì gà bệnh có biểu hiện thần kinh rõ như đi không vững, run rẩy, hay ngã khi xua đuổi, tuy nhiên tỷ lệ chết không cao.

Bệnh tích

Mổ khám gà bị bệnh thấy có các đặc điểm: Ruột chướng hơi; Thức ăn không tiêu, dịch nhầy ruột có màu nâu; Niêm mạc ruột vị viêm cata có màu nâu sẫm; Lách không sưng, nhưng có biểu hiện hoại tử; Gan, thận hầu như bình thường; Ðầu cơ đùi bị viêm hoại tử, khi mới mắc bệnh bị viêm đỏ tấy, sau hoại tử trở nên trắng bệch như thịt luộc; Tụy bị viêm thoái hóa xơ cứng; Tủy xương nhợt nhạt có màu vàng xám giống như bệnh viêm gan virus.

Chẩn đoán phân biệt

Hội chứng còi cọc dễ nhận biết qua dịch tễ, triệu chứng và mổ khám bệnh tích. Tuy nhiên, cần phân biệt với một số bệnh gà thường hay mắc phải dưới đây:

Bệnh Gumboro: Diễn biến viêm đầu cơ đùi trong thời gian đầu giống như xuất huyết cơ của bệnh Gumboro, nhưng về giai đoạn cuối thì khác. Ðầu cơ thoái hóa, viêm hoại tử nên có màu sắc nhợt nhạt. Hội chứng còi cọc không có các biểu hiện xuất huyết ở túi Fabricius, dạ dày tuyến và gà không bị sốt.

Bệnh viêm khớp do Reovirus: Bệnh chỉ xảy ra ở gà trên ngày 30 tuổi. Viêm khớp là triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp do virus, gà không những run rẩy khi đi lại hoặc đi lại không vững mà còn bị què. Bao khớp chứa đầy dịch. Viêm khớp do Reovirus không bị ỉa chảy hàng loạt, niêm mạc và dịch ruột không phải màu nâu. Không có các bệnh tích ở cơ đùi, cơ ngực.

Bệnh viêm khớp do Staphylococus: Bệnh nặng nhất ở gà 2 - 20 ngày tuổi và ít khi xảy ra ở gà trên 5 tuần tuổi. Không có các biển đổi ở ruột và cơ, gà không bị ỉa chảy, không bị lùn.

Bệnh viêm não - màng não truyền nhiễm: Run rẩy đi không vững là biểu hiện dễ nhầm với hội chứng còi cọc. Tuy nhiên, ở viêm não còn có sự co thắt cơ đầu, cơ cổ làm gà co rúm một cách dễ nhìn thấy, gà khỏi bệnh bị đục mắt và trở thành dị tật.

Ðiều trị

Bệnh do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị, nhưng người nuôi cần phải chú trọng đến thành phần dinh dưỡng để nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể gà nuôi. Nhằm hạn chế sự gia tăng tỷ lệ còi cọc, cần phải thường xuyên bổ sung các loại vitamin kết hợp bổ gan, thận, sorbitol và men tiêu hóa…

Phòng bệnh

Do có một số chủng Reovirus gây sụt trứng ở gà đẻ nên để phòng bệnh còi cọc ở gà con các nhà nghiên cứu chế tạo các vaccine chứa nhiều chủng Reovirus nhằm phòng hội chứng còi cọc và giảm đẻ cùng một lúc với cùng một loại vaccine

Một số vaccine như:

Avian Reovirus - vaccine vô hoạt của Pháp tiêm dưới da 0,5 ml/con; Inacti/ Vac Reo - vaccine vô hoạt của Pháp chứa 2 chủng S1133 chống viêm khớp và 1733 chống còi cọc. (Lần 1: Tiêm dưới da cho gà lúc 4 tuần tuổi; Lần 2: Trước khi vào đẻ (16 - 20 tuần tuổi). TAD.Reo Vac.I - chủng U con 1133 tiêm dưới da hoặc tiêm bắp cho gà 7 - 10 ngày tuổi lần 1 và nhắc lại lúc 4 tuần tuổi.

Ðối với gà đẻ người ta thường dùng vaccine đa giá chống 3 - 4 bệnh, gồm hội chứng giảm đẻ, còi cọc, viêm khớp. Chẳng hạn vaccine ND/IB/EDS/REO (TAD 401) chống 4 bệnh: Gà rù, viêm phế quản, Gumboro, giảm đẻ và còi cọc viêm khớp.NB/IB/IBD/REO (TAD401) chống gà rù, viêm phế quản, Gumboro và còi cọc, viêm khớp; Inacti/vac.BD3+ REO; Inacti/vac.BD3+ND+REO…


Nuôi gà đẻ trứng VietGAP: Bền vững và tăng thu nhập Nuôi gà đẻ trứng VietGAP: Bền vững và… Bệnh E.coli trên gà Bệnh E.coli trên gà