Hỏi đáp thủy sản tháng 11/2017 (Phần 2)
Hỏi: Cá chép có một số dấu hiệu như hậu môn đỏ, mang chảy máu, cá chết rải rác. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
(Nguyễn Đình Nam, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)
Trả lời:
Theo mô tả, cá có thể bị nhiễm khuẩn, do số lượng vi khuẩn trong ao phát triển quá mức, chủ yếu đáy ao bẩn. Để phòng bệnh, thực hiện một số biện pháp như: Định kỳ thay nước bằng cách hút loại bỏ bớt nước đáy ao và bùn ao; đồng thời bổ sung nguồn nước mới. Kết hợp bón vôi 2 lần/tháng, mỗi lần 3 - 4 kg/100 m3 nước. Rải vôi xung quanh bờ và khắp mặt ao với nồng độ 30 - 40 kg/100 m2 ao. Sử dụng máy bơm hoặc quạt nước để xáo trộn nước để tăng ôxy trong nước. Thường xuyên cho ăn bổ sung thuốc Tiên Đắc, Vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá. Cá bị bệnh cần sử dụng một trong các loại thuốc: Thuốc Tiên Đắc trộn với thức ăn và cho ăn với liều lượng 1 kg thuốc/100 kg cá, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày; Oxytetracyline tắm hoặc phun xuống ao cho cá với liều lượng 2 - 5 g/m3 nước ao hoặc KN-04-12 trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 2 - 4 g/kg cá/ngày (3 ngày/đợt) cho ăn liên tục trong 1 tháng.
Hỏi: Lươn có dấu hiệu bị trầy xước, sau đó lở loét ra và có một lớp bông màu trắng bám vào vết thương. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Trần Bá Hải, xã Đồng Lạc , huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)
Trả lời:
Theo mô tả, lươn có thể mắc bệnh do nấm ký sinh trên mình hay trứng lươn gây ra, quan sát thấy có dạng sợi hình bông bám vào lươn và gây nên vết loét. Để phòng trị bệnh, trước khi thả lươn, cần vệ sinh bể nuôi, sát trùng bể bằng việc hòa tan vôi với liều 100 - 150 g/m2 (đối với lươn thương phẩm). Nếu là lươn giống, có thể tắm lươn vào nước muối 2 - 3% trong 2 - 3 phút, ngâm trứng lươn vào dung dịch xanh Metylen 0,02 g/m3 nước trong 10 - 15 phút, liên tục 2 - 3 ngày, mỗi ngày 1 lượt. Trường hợp lươn mới thuần dưỡng thì nên bắt ra những con bị và thải loại.
Hỏi: Xin hỏi phương pháp quản lý độ đục ao nuôi?
(Nguyễn Văn Hiếu, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)
Trả lời:
Độ đục của nước liên quan đến số lượng của vật chất nằm lơ lửng trong nước, để tránh được các tác động xấu của nó lên sức khỏe động vật thủy sản, cũng như môi trường ao nuôi, cần thực hiện:
Quản lý độ đục từ nguồn nước: Cần chứa nước đục trong ao để lắng; Chọn nguồn nước cấp thích hợp; Khoanh nguồn nước đọng để tránh gây xói mòn bờ ao.
Quản lý độ đục bên trong ao: Nếu độ đục nước cao, cần tiến hành thay nước. Tuy nhiên, lưu ý phải lựa chọn thời điểm thay nước thích hợp, nên cấp nước vào lúc nước sông đang lớn, tránh thời điểm lũ đang về. Đồng thời, có thể loại bỏ hạt lơ lửng trong ao bằng muối vô cơ như nhôm sunfat (Al2(SO4)3) để tạo kết tủa và lắng tụ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ