Hội Nông Dân Với Việc Phát Triển Nông Nghiệp
Đã có 40.000ha đất sản xuất ứng dụng CNC, giá trị sản xuất NNCNC gấp 2 lần so với bình quân chung toàn tỉnh
Ngày 3/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61-KL/TW về thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”. Tháng 9/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Kết luận 76 để chỉ đạo thực hiện… Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Lâm Đồng trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, các ngành và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động và tổ chức liên tục các hoạt động hội thảo, tập huấn, xây dựng mô hình, điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến và chuyển giao, nhân rộng cho nông dân.
Tỉnh huy động các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Trung ương đóng tại địa phương cùng các cơ sở của Lâm Đồng đầu tư nghiên cứu hoàn thành 39 đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao KH-KT liên quan đến sản xuất giống, quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh, quản lý sau thu hoạch.
Đồng thời huy động các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp, thiết bị công nghệ tưới, nhà kính, nhà lưới… thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn. Đầu tư ngân sách (có đối ứng của người thụ hưởng) xây dựng 349 điểm trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Theo đánh giá của Thành ủy Đà Lạt: Trình độ sản xuất của một bộ phận nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã tương đương với các nước trong khu vực. Nhiều ngành của tỉnh và một số tỉnh trong nước đến tham quan cũng có nhận định: Trình độ sản xuất của nông dân Lâm Đồng ở lĩnh vực trồng rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, chăn nuôi bò sữa, cá nước lạnh… đã đạt trình độ cao so với cả nước.
Để phát huy lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng trong phát triển nông nghiệp, Tỉnh ủy Lâm Đồng có Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Các cấp Hội Nông dân tích cực phối hợp với các ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi nhận thức, xác định ứng dụng CNC là giải pháp đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập.
Đến nay có gần 40.000ha trên tổng số hơn 300.000ha đất sản xuất đã ứng dụng CNC về sản xuất cây giống, công nghệ nhà lưới, nhà kính, công nghệ tưới phun… Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nông sản, năng suất ứng dụng CNC tăng gấp 2 đến 10 lần, giá trị sản xuất bình quân gấp 2 lần so với giá trị bình quân chung trên 1ha của toàn tỉnh (đạt 250 - 300 triệu đồng/ha so với 122,2 triệu đồng/ha bình quân chung). Trong đó, rau cao cấp bình quân 450-500 triệu đồng/ha; hoa cao cấp từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện Lâm Đồng mới có 15% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, vẫn còn gần 100.000ha chỉ mới đạt giá trị sản xuất khoảng 50 triệu đồng/ha và đang cần được tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện để chuyển đổi mô hình, phương thức canh tác đạt hiệu quả cao hơn.
5 năm qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, thiết bị, tổ chức lại sản xuất…, nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đều chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các cấp Hội Nông dân thực hiện ủy thác cho vay từ Ngân hàng CSXH cho 47.014 hộ với số dư hơn 755 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,50%, từ hoạt động này đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 2 - 3% mỗi năm. Đồng thời, từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội Nông dân trực tiếp tổ chức thực hiện 108 dự án với 108 nhóm hộ, trên 1.300 hộ nông dân.
Các cấp hội chủ động ký kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, hàng năm cung ứng cho nông dân từ 6 đến 8 ngàn tấn với trị giá hàng trăm tỷ đồng, cung ứng trên 600 máy nông nghiệp các loại theo phương thức trả 50% giá trị khi mua và 50% giá trị còn lại thanh toán khi thu hoạch sản phẩm. Các hoạt động trên quy mô chưa lớn, giá trị chưa nhiều nhưng đã thực sự đáp ứng lợi ích thiết thực cho một bộ phận nông dân; nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của Hội Nông dân đối với nông dân, doanh nghiệp.
Đối với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, các cấp Hội Nông dân tích cực phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động và hỗ trợ 15.300 hộ nông dân liên kết, hợp tác với 36 doanh nghiệp, tổ chức và 83 cơ sở, hộ nông dân độc lập sản xuất được cấp giấy chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với diện tích 40.607ha trên đối tượng cây rau, chè, cà phê, cây đặc sản…
Xây dựng và phát huy thương hiệu của 8 sản phẩm được cấp chứng nhận về: rau, hoa Đà Lạt, dứa Cayen, cà phê Di Linh, trà B’Lao, chuối La Ba, lúa gạo Cát Tiên…
Hàng năm, các ngành và Hội Nông dân tổ chức cho nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị bình chọn danh hiệu quốc gia. Năm 2014, Hội Nông dân cùng các ngành lựa chọn 3 sản phẩm nông nghiệp qua chế biến (rượu vang, trà Actiso túi lọc, trà Ôlong) và cả 3 sản phẩm đều được bình chọn trên tổng số 57 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc.
Thực hiện NQ 26 của BCH TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, việc củng cố và nâng cao chất lượng, phát triển số lượng các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý ở địa phương có sự chuyển biến tích cực.
Toàn tỉnh hiện có 2 liên hiệp HTX, 81 HTX nông nghiệp với 6.800 xã viên, 240 tổ hợp tác với 5.816 tổ viên, 533 trang trại với tổng số lao động thường xuyên gần 10.000 người, hình thành 12 mô hình liên minh sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp với HTX, doanh nghiệp với nông dân (năm 2010 chỉ có 51 HTX, 161 tổ hợp tác, các liên minh sản xuất chưa đáng kể).
Các hình thức tổ sản xuất trên đã phát huy tác dụng trong việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đến nay, ước có từ 15 - 20% sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng.
Lâm Đồng có gần 67% lực lượng lao động là nông dân, 70% dân số sống ở nông thôn và tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên dưới 40% trong cơ cấu kinh tế. Tiếp tục thực hiện Đề án theo Kết luận 61 của Ban Bí thư và Kết luận 76 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội Nông dân Lâm Đồng đang chú trọng đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ phát triển nông nghiệp.
Theo đó, các cấp hội tích cực, chủ động hơn trong phối hợp các ngành tổ chức thường xuyên các hoạt động nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, vật tư, máy móc thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân phát triển các hình thức tổ chức hợp lý, các liên minh sản xuất theo chuỗi giá trị để ổn định và nâng cao thu nhập.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201412/hoi-nong-dan-voi-viec-phat-trien-nong-nghiep-2380094/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ