Hồi sinh cây vú sữa Tiền Giang
Đầu năm 2018, người trồng vú sữa ở Tiền Giang đón nhận tin vui khi lô hàng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đầu tiên chính thức được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho phép nhập khẩu vào nước này.
Đóng gói vú sữa xuất khẩu
Cánh cửa xuất khẩu khó nhất vào Hoa Kỳ đã mở, người trồng vú sữa ở Tiền Giang, nhất là giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim như “bừng sống” trở lại, sau bao năm lận đận vì điệp khúc mất mùa, rớt giá.
Vú sữa lên ngôi
Mọi năm, dù đầu vụ hay cuối vụ, vú sữa ở Tiền Giang, nhất là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim không được “ngọt” lắm, bởi cảnh rớt giá. Chu kỳ “giá bèo” cứ lặp đi lặp lại theo dạng đầu vụ (khoảng tháng 11) giá tăng, cuối vụ (khoảng tháng 4) giá giảm. Thậm chí, có nhà vườn bỏ luôn thu hoạch cuối vụ vì sợ lỗ tiền công hái trái. Thế nhưng năm nay thì khác, đến cuối vụ mà giá vú sữa vẫn cao. Nguyên nhân là nhờ “cánh cửa” xuất khẩu vào Mỹ đã mở, tạo ra cú hích mạnh cho giá vú sữa.
Ông Thành, một nhà vườn ở xã Phú Phong (huyện Châu Thành), phấn khởi: “Giá vú sữa lúc này được lắm, cao hơn mấy năm trước nên nhà vườn rất vui”. Theo ông Thành, dù cuối vụ nhưng giá vú sữa loại tốt vẫn giữ 20.000 - 22.000 đồng/kg; còn loại thường không dưới 12.000 đồng/kg. Tính ra, giá vẫn cao hơn năm trước khoảng 5.000 đồng/kg. Với mức giá này thì vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim của nhà ông (gần 7 công đất) sẽ “bỏ túi” hơn 150 triệu đồng. Số tiền này, mới năm rồi ông nằm mơ cũng nghĩ không ra. Còn ông Thọ, ở ấp Nam, xã Phú Phong cho rằng, mùa vú sữa năm nay nhờ hợp đồng sản xuất và cung ứng vú sữa xuất khẩu cho Công ty TNHH Cát Tường để xuất khẩu sang Mỹ nên 4 công vú sữa của ông thu lời trên 120 triệu đồng. Cũng nhờ hợp đồng xuất khẩu nên giá vú sữa lúc đầu vụ bán được 28.000 đồng/kg, cuối vụ vẫn giữ được giá 18.000 đồng/kg…
Tiền Giang hiện có diện tích trồng vú sữa hơn 1.100ha, trong đó có hơn 500ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang cho trái, với sản lượng hàng năm khoảng 10.000 tấn. Với giá tính trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg thì người trồng vú sữa sống khỏe. Ngoài vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là giống trái cây đặc sản nổi tiếng, đã khẳng định được thương hiệu và được thị trường ưa chuộng, người dân vẫn trồng thêm một số giống vú sữa khác như vú sữa tím, vú sữa bơ hồng...
Cơ hội và thử thách
Quả thật, ngành chức năng Mỹ cho phép nhập khẩu trái vú sữa của Tiền Giang vào tiêu thụ ở thị trường này, ngay lập tức tác động lớn đến giá cả cũng như người trồng vú sữa, nhất là vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Từ cú hích này, người làm vườn ở Tiền Giang bắt đầu quan tâm và nghĩ đến chuyện trồng ồ ạt vú sữa, nhất là giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Họ rất kỳ vọng vào triển vọng thu được lợi nhuận cao từ cây vú sữa, bởi xuất khẩu đã khai thông.
Ông Tuấn, một chủ nhà vườn trồng vú sữa hơn 40 năm, ở ấp Phú Hòa, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, cho biết: “Từ khi hay tin vú sữa của Tiền Giang được xuất khẩu sang Mỹ, dân mừng lắm. Ai cũng hy vọng rồi đây vú sữa sẽ lên hương, đem lại lợi nhuận cao cho nhà vườn”. Cũng theo ông Tuấn, tuy chưa tham gia ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng vú sữa xuất khẩu sang Mỹ, nhưng gần 1ha trồng vú sữa lâu nay của gia đình, ông đã bắt đầu chuyển sang canh tác, chăm sóc theo “tiêu chuẩn Mỹ”. Nhiều người trồng vú sữa ở Tiền Giang cũng “bắt chước” làm theo cái cách “đón đầu” của ông Tuấn. Kỳ vọng trái vú sữa có đầu ra, giá trị được nâng lên nhằm nâng cao thu nhập khiến người dân phải thay đổi phương pháp canh tác theo “tiêu chuẩn Mỹ”, nâng chất lượng sản phẩm trái cây lên cao hơn.
Hiện nay vẫn có một số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ lo số lượng, mà thiếu quan tâm đến chất lượng, mẫu mã của trái vú sữa xuất khẩu… nên một vài lô hàng xuất khẩu bị phản ánh về chất lượng, nhất là tình trạng ruồi đục trái vú sữa. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của trái vú sữa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ. Nhiều nông dân cho biết: “Có lẽ vì lý do này mà gần đây doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vú sữa xuất khẩu đã lựa chọn vú sữa kỹ hơn, như chỉ tuyển chọn khoảng 30% - 60% trái để đem xuất khẩu trong mỗi đợt hái. Trong khi lúc đầu vụ, họ tuyển chọn trái rất thoải mái, hái bao nhiêu họ mua gần hết bấy nhiêu”.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Thời gian qua, một số doanh nghiệp tranh thủ cơ hội xuất khẩu vú sữa vào thị trường Mỹ nên chỉ quan tâm đến số lượng mà ít lưu ý chất lượng, mẫu mã, nhất là ruồi đục trái vú sữa. Sau khi có thông tin về vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu và đã chấn chỉnh”. Cũng theo ông Mẫn, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, tính đến cuối tháng 3-2018, cả nước có 13 doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ, với số lượng hơn 250 tấn. Đây là số lượng tương đối lớn trong khoảng thời gian ngắn sau khi phía Mỹ chính thức cho nhập khẩu vú sữa vào thị trường này. “Hiện nay, những doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng, có vùng nguyên liệu và có bao trái thì tiếp tục xuất khẩu, nhưng phải tăng cường kiểm soát ruồi đục trái trước khi đưa vào kiểm dịch. Còn đối với những doanh nghiệp không đáp ứng được các vấn đề trên thì tạm dừng xuất khẩu; tiếp tục đầu tư đến khi đủ tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu trở lại…”, ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết.
Tiền Giang đẩy mạnh tập huấn cho nông dân phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa, hướng dẫn bao trái và sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp thì hỗ trợ, xác định vùng trồng mới để được cấp mã code… Tỉnh rất kỳ vọng việc xuất khẩu trái vú sữa vào thị trường Mỹ, bởi đây là bước đệm để đưa các loại nông sản khác vào thị trường này cũng như các thị trường khó tính khác. Chính vì vậy, ngành đang triển khai thực hiện mô hình quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa; xây dựng “Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ