Mô hình kinh tế Hồi Sinh Những Cánh Đồng Hoang
Mô hình kinh tế Hồi Sinh Những Cánh Đồng Hoang

Hồi Sinh Những Cánh Đồng Hoang

Ngày đăng 07/03/2015

Hồi Sinh Những Cánh Đồng Hoang

Khi thị trường của cây cói Nga Sơn xuất đi Trung Quốc dần bị thu hẹp, cùng với việc nhiều người dân chuyển hướng sang dùng chiếu nhựa, chiếu trúc, chiếu tre nhiều diện tích trồng cói bị bỏ hoang hóa.

Trước thực trạng trên,  huyện Nga Sơn đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế 6 xã ven biển, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”. Thời gian thực hiện chưa nhiều, song hiệu quả của đề án bước đầu đã được khẳng định.

hớ lại giai đoạn 2011 – 2013, nông dân ở nhiều vùng đất chỉ độc canh và chuyên canh cây cói ngàn đời của Nga Sơn phải ly hương đi làm ăn xa, hoặc từ bỏ “bờ xôi ruộng mật”.

Cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiều thửa ruộng ngày càng bị xâm mặn, rất nhiều diện tích trồng cói vùng ven biển của huyện theo đó cũng bị bỏ hoang. Người nông dân đành bất lực để diện tích cây cỏ năn, sài hồ, dàng dàng, cây dại... lan rộng.

Khi thu nhập từ đồng ruộng của nhiều gia đình gần như bằng “không”, nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện Nga Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Nga Sơn đã ban hành  đề án nhằm tạo bước ngoặt căn bản để khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa vùng cói nhiễm mặn ven biển.

Theo đó, diện tích đất bỏ hoang và kém hiệu quả của 6 xã: Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thanh, Nga Thủy, Nga Điền, Nga Phú được nghiên cứu chuyển sang làm trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản và thau chua rửa mặn để trồng lúa. Đề án đã vạch rõ nhiệm vụ giảm diện tích cói của huyện từ 2.100 ha xuống còn 700 ha vào năm 2020. Thay thế vào đó là 800 ha lúa và 700 ha trang trại, gia trại.

Đề án  được triển khai với sự đồng thuận cao của người dân 6 xã vùng quy hoạch. Huyện hỗ trợ nông dân tiền cải tạo đất hoang hóa, làm đường giao thông nội đồng kiên cố kênh mương dẫn nước...

Nhiều hộ dân được tạo điều kiện vay vốn, làm trang trại, gia trại. Đến nay, hơn 650 ha đất hoang hóa và trồng cói kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng lúa. Hơn 100 ha khác cũng được chuyển sang làm trang trại tổng hợp, vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Thật bất ngờ, trên diện tích đất nhiễm mặn bỏ hoang lâu năm, cây lúa vẫn phát triển tốt nhờ liên tục có nước ngọt ngâm chân.

Ông Bùi Đình Cam, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Sau 2 vụ lúa đầu tiên của năm 2014, năng suất lúa vùng cải tạo đã đạt trung bình 6,5 tấn/ha/vụ, tương đương lúa của nhiều vùng đồng bằng trong tỉnh. Vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp trang trại tổng hợp trên đất hoang hóa trước kia cũng cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi việc trồng cói hiện tại của huyện.

Tìm về các xã vùng biển của huyện, chúng tôi thấy, sự hồ hởi của người dân và không khí lao động nhộn nhịp nơi đây như nói lên hy vọng và những tín hiệu vui. Tại xã Nga Tân, rất nhiều trang trại tổng hợp đã, đang được xây dựng và phát huy hiệu quả. Thấy có khách lạ đến thăm, chủ trang trại  Mã Văn Ninh đon đả mời và dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi đang gây dựng. Theo anh Ninh, nhờ cơ chế, chính sách  khuyến khích của huyện cũng như địa phương anh đã mạnh dạn đấu thầu đất, xây dựng làm trang trại tổng hợp từ năm 2014, nay đã mang lại nhiều hy vọng.

Với diện tích 1 ha, gia đình anh dành 14 sào để đào 2 ao nuôi cá, tôm. Thử nghiệm lứa đầu nuôi tôm sú, anh đã thu hoạch hơn 60 triệu đồng, lợi nhuận 40 triệu đồng. Cùng với hàng trăm cây chuối ngự, chuối tiêu đang mơn mởn trên diện tích đất mới quanh bờ ao và toàn trang trại; dưới tán cây, anh chăn nuôi thêm gà.

Không chỉ anh Ninh, người được cho là đầu tư bài bản và khoa học tại cánh đồng hoang xã Nga Tân cách đây hơn 1 năm trước là anh Bùi Thanh Bình, sinh năm 1978. Ngoài diện tích đấu thầu, anh Bình đã chủ động đổi ruộng của hàng xóm để có khu đất rộng 3 ha làm kinh tế.

Chỉ lứa cá đầu tiên của năm 2014, anh đã thu lãi 70 triệu đồng, hiện anh tiếp tục đầu tư hệ thống dẫn nước biển về để nuôi tôm và các loại cá nước lợ đặc sản. Ngoài các ao thả cá, anh đang đầu tư trồng 300 cây dừa xiêm lấy giống từ miền Tây. Lý giải về việc trồng cây dừa xiêm, anh Bình chia sẻ: “Tôi đã vào tận các tỉnh miền Tây và Bến Tre nghiên cứu. Đất ở trong ấy cũng thuộc đất nhiễm nhặm như ở đây mà cây dừa xiêm phát triển rất tốt.

Đây lại là thứ quả ở miền Bắc ít nơi trồng nên chắc chắn thị trường đầu ra sẽ bền vững và có giá cao hơn dừa truyền thống địa phương”. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, anh Bình đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, mua 8 con bò sinh sản để nuôi. Hiện, trang trại tổng hợp của gia đình anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương.

Với những bàn tay cần mẫn và khối óc quyết tâm, vùng đồng hoang xã Nga Tân nói riêng và 6 xã vùng biển của quê cói đã và đang hồi sinh. Từ chỗ nghèo khó, chật vật chạy từng bữa ăn, nay nhiều hộ đang hướng đến việc làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.


Bắt Đầu Thu Mua Tạm Trữ 1 Triệu Tấn Gạo Vụ Đông Xuân 2014-2015 Bắt Đầu Thu Mua Tạm Trữ 1 Triệu… Xuất Tôm Sang Hàn Quốc Tận Dụng Lực Đẩy Từ FTA Xuất Tôm Sang Hàn Quốc Tận Dụng Lực…