Mô hình kinh tế Hồi sinh những vườn tiêu

Hồi sinh những vườn tiêu

Ngày đăng 29/05/2015

Hồi sinh những vườn tiêu

Tuy nhiên, sau khi bàn giao cho địa phương quản lý, do nhiều diện tích hồ tiêu hết chu kỳ khai thác đã già cỗi, xuống cấp; giá cả biến động gây bất lợi cho người trồng tiêu; tình hình sâu bệnh xuất hiện ngày càng tăng, hiện tượng tiêu chết hàng loạt ở nhiều vùng trồng tiêu và việc thiếu đầu tư thâm canh đã làm cho năng suất hồ tiêu đạt thấp, người dân không còn mặn mà với cây hồ tiêu. Thậm chí, có nơi do dịch bệnh làm cây tiêu chết hàng loạt, bà con chặt cả choái mít trồng tiêu để bán lấy gỗ, nên diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện lúc thấp nhất chỉ còn khoảng 250 ha.

Nhằm phục hồi, mở rộng vùng chuyên canh cây hồ tiêu, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, huyện Cam Lộ đã đầu tư thực hiện đề án “Thí điểm phục hồi và trồng mới vườn tiêu giai đoạn 2011-2015” để nhân ra diện rộng, huy động nhiều nguồn lực đầu tư trên nguyên tắc nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, đề án đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhân dân phục hồi và phát triển vườn tiêu một cách bền vững. Đồng hành với huyện Cam Lộ xây dựng thương hiệu tiêu Cùa, Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (gọi tắt là Công ty Thương mại Quảng Trị) đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, vốn vay, xây dựng mô hình, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Mô hình trồng tiêu trên trụ gạch của bà Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ có diện tích 4 sào, xây dựng 200 trụ gạch và bể chứa nước, đường ống, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tự động…với tổng kinh phí đầu tư 300 triệu đồng. Để giúp đỡ gia đình bà Cúc xây dựng mô hình, Công ty Thương mại Quảng Trị đã hỗ trợ vốn vay 150 triệu đồng, ngoài ra còn hỗ trợ phân bón, tư vấn kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu. Đến nay, vườn tiêu của gia đình bà phát triển khá tốt, không xảy ra sâu bệnh. Mặc dù tiêu chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng từ 200 trụ tiêu của gia đình, bà Cúc đã bán được 150 triệu đồng tiền tiêu giống.

Bà Cúc cho biết: “Trồng tiêu bằng trụ gạch đòi hỏi việc chăm sóc trong thời gian đầu có phần kỳ công hơn, việc tưới cho cây hồ tiêu cũng kỹ lưỡng hơn, nhưng bù lại cây tiêu phát triển rất tốt, đặc biệt là không lo lắng dịch bệnh phá hoại cây như trước nữa. Việc trồng tiêu trên trụ gạch đang là mô hình mới hiệu quả, được nhân dân vùng Cùa nhân rộng”.

Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đến nay, huyện Cam Lộ đã kêu gọi, phối hợp với Công ty Thương mại Quảng Trị, tổ chức Roots of peace (ROP) triển khai xây dựng 335 mô hình (quy mô 500 m2 /hộ), trong đó có 204 mô hình trồng mới, 59 mô hình phục hồi theo quy trình kỹ thuật mới lấy gói kỹ thuật của tổ chức ROP làm vùng lõi kỹ thuật để nhân rộng áp dụng trên địa bàn. Kết quả của các mô hình trồng mới đều cho sinh trưởng, phát triển tốt, là cơ sở tạo nguồn giống chất lượng cung cấp giống cho những năm sau. Đối với mô hình phục hồi theo quy trình kỹ thuật mới cho năng suất cao hơn tập quán canh tác cũ của bà con nông dân từ 4-6 tạ/ha.

Bên cạnh đó, thông qua việc lồng ghép các chương trình, toàn huyện đã triển khai tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được 29 lớp cho hơn 1.200 lượt hộ tham gia; huấn luyện và đào tạo IPM cho 30 hộ tham gia, đào tạo kỹ thuật cho tổ kỹ thuật tiêu của huyện, cán bộ khuyến nông của xã và 8 chủ nhiệm câu lạc bộ trồng tiêu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến tiêu và quản lý hoạt động của câu lạc bộ, được nhân dân tích cực hưởng ứng.

Để thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình phục hồi và trồng mới hồ tiêu, huyện Cam Lộ có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng thoát nước cho các vùng trồng tiêu tập trung, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, theo dõi chỉ đạo các mô hình; hỗ trợ một phần vật tư thiết yếu như: 50% thuốc BVTV; khuyến khích các hộ sản xuất giống tại chỗ 1.000 đồng/bầu và người trồng 1.000 đồng/bầu với tổng kinh phí thực hiện đến nay là 600 triệu đồng.

Đồng thời, huyện kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức ROP đầu tư xây dựng các mô hình với kinh phí 1 tỷ đồng; Công ty Thương mại Quảng Trị đầu tư xây dựng các mô hình với kinh phí 500 triệu đồng, với quan điểm hợp tác 50%, dân đóng góp 50%. Cơ chế các nguồn lực đã được nhân dân đồng tình và phát huy hiệu quả sản xuất, nhân rộng diện tích trên địa bàn.

Bên cạnh đầu tư xây dựng các mô hình phát triển, Công ty Thương mại Quảng Trị đã xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ, quảng bá tiêu Cùa với thương hiệu “Sepon”. Tổ chức ROP đã đưa những sản phẩm từ mô hình đi chào hàng tại Mỹ, hướng đến xuất khẩu giá Ship, để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, phần lợi nhuận sẽ tái đầu tư trở lại cho nông dân.

Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã trồng mới được 84 ha tiêu, nâng diện tích hồ tiêu toàn huyện lên 336 ha; xây dựng thí điểm phục hồi vườn tiêu gần 110 ha. Các mô hình thí điểm phục hồi và trồng mới hồ tiêu đáp ứng được nguyện vọng của người dân và là điểm để nhân rộng, góp phần đưa năng suất bình quân hàng năm trên toàn huyện từ 8 tạ/ha lên 12,5 tạ/ha, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Tin vui đến với người trồng tiêu Cam Lộ là tổ chức Business Initiative Directions (BID- Tây Ban Nha) vừa trao tặng giải thưởng “Chất lượng Quốc tế thế kỷ” (Century Quality Era- CQE Award) hạng Vàng cho Công ty Thương mại Quảng Trị với sản phẩm tiêu Cùa.

Từ đặc sản của một vùng quê, với sự vào cuộc của 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông), đặc biệt là cách làm năng động của doanh nghiệp đã đưa thương hiệu hạt tiêu Cùa phát triển tốt ở thị trường trong nước và thế giới. Đây là cơ sở vững chắc cho cây hồ tiêu Cam Lộ hồi sinh phát triển mạnh trong tương lai, cùng người trồng tiêu làm giàu.


Triển vọng giống lúa SV 181 Triển vọng giống lúa SV 181 Đẩy mạnh nuôi bò theo hướng thâm canh Đẩy mạnh nuôi bò theo hướng thâm canh