Hồi sinh vùng cam sành Lục Yên
Còn nhớ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, vào những ngày giáp Tết từ cổng chợ tới sân ga tàu hỏa Yên Bái, đoạn đường gần một cây số tràn ngập cam và lá dong.
Lá dong từ khắp các huyện chuyển về, còn cam chủ yếu là cam sành Lục Yên.
Các Cty thương mại ở các tỉnh, TP.Hà Nội, Hải Phòng lên Yên Bái mua cam sành Lục Yên và lá dong chở về các tỉnh miền xuôi cung cấp cho các cửa hàng bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Cả sân ga Yên Bái cơ man là cam và lá dong.
Có chuyến tàu cam và lá dong xếp đầy 4 - 5 toa.
Cam sành Lục Yên ngon nổi tiếng vùng núi phía Bắc, quả màu vàng nâu không vàng khé như cam Cao Phong hay vàng rực như cam Hà Giang, vỏ sần và dày như mảnh sành nên gọi là cam sành.
Múi cam róc vỏ, không dính bết vào nhau, tôm vàng rộm và rất mọng nước.
Vị ngọt của cam Lục Yên đậm, không có vị chua, nhạt như một số cam ở các nơi.
Đó là do nguồn nước và thổ nhưỡng của Lục Yên đã tạo nên chất lượng cam thơm ngon không giống nơi nào.
Cam Lục Yên được dùng tiếp khách nước ngoài và trong các kỳ họp Quốc hội.
Với lối canh tác truyền thống, ít đầu tư nên những vườn cam của người dân sau vài năm thu hoạch đất đai cạn kiệt, cây cam còi cọc trở nên tàn lụi.
Nhất là trong cơn lốc đá đỏ, khắp các ruộng, vườn, đồi núi bị đào xới tung lên tìm đá đỏ cây cam không được mấy người chú ý tới, nên diện tích thu hẹp.
Nhưng gần chục năm trở lại đây, cây cam bắt đầu được người dân chú ý tới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng cùng với đầu tư thâm canh đã mang lại nguồn thu lớn, nên vùng cam sành Lục Yên đang bắt đầu hồi sinh trở lại.
Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Văn Vui, người dân tộc Tày, quê xã Mường Lai không ngần ngại rủ tôi về quê ông xem những vườn cam mới trồng dăm năm nay.
Ông cho hay, đất Lục Yên không xã nào là không trồng được cam.
Mấy chục năm trước các hộ ở đây trồng cam chủ yếu để dùng chứ có mấy nhà trồng làm hàng hóa.
Cam trồng quanh nhà, không chăm bón gì mà cây nào cũng sai trĩu quả, phải dùng cây chống mới không bị gãy cành, khách đến nhà hái bao nhiêu cũng được.
Ngày ấy cam trồng để ăn và cho nhau thôi.
Nay huyện đã quy hoạch thành vùng cây ăn quả có múi, hỗ trợ người dân phát triển cây cam sành để trở thành hàng hóa.
Phát huy lợi thế của vùng đất để làm giàu…
Nói rồi ông dẫn chúng tôi vào thăm gia đình anh Nông Văn Tuấn, thôn Nà Khoang nằm sâu trong hẻm đồi.
Cách nay 4 năm anh Tuấn đã chuyển 1.000m2 đất ruộng cạnh con suối nhỏ để trồng cam sành.
Sau 3 năm thì cây bói, năm nay gia đình anh chính thức được thu hoạch.
Anh Tuấn dự kiến thu chừng 2 tấn quả, với giá 18.000 - 20.000đ/kg.
Hiện đã bán được 4 - 5 tạ rồi, khách vào tận vườn hái chứ không phải mang ra chợ bán.
Tính vội vườn cam năm nay của gia đình anh thu chừng 35 - 40 triệu đồng, trừ 5 triệu chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu thì còn thu được trên 30 triệu.
So với trồng lúa, với 1.000m2 mỗi năm cấy hai vụ cũng chỉ thu chừng 1,2 tấn, giá 7.000đ/kg thì cũng chỉ được 8,4 triệu, trừ chi phí chỉ còn trên 5 triệu.
Rõ ràng trồng cam lãi hơn trồng lúa rất nhiều.
Chính vì thế mà nhiều hộ của xã Mường Lai đã chuyển các bãi màu để trồng cam và các loại cây có múi như quýt, phật thủ, chanh cho thu nhập cao.
Anh Tuấn dẫn tôi về nhà, anh chỉ bãi đất trước nhà rộng chừng 2.000m2, trước đây anh đã đắp đập đào ao thả cá và nuôi ba ba với công thức VAC, nhưng thu nhập chẳng được là bao nên anh quyết định lấp ao để trồng cam.
Rồi mảnh vườn cạnh nhà vốn là vườn tạp trồng đủ thứ cây, chẳng cây gì cho ra tiền, nên anh phá đi để trồng cam.
Vườn cam mới trồng năm ngoái cây đã cao ngang đầu, lá xanh rì, bóng mượt.
Còn độ chục cây trồng quanh nhà quả sai trĩu cành, anh phải làm giàn đỡ.
Ông Hoàng Văn Vui cứ xuýt xoa: "Quả sai quá, sai quá".
Anh Tuấn chỉ quả đồi bên phải: "Sau Tết gia đình tôi sẽ phá toàn bộ đồi cây kia trồng cam.
Để đồi cây ấy vườn cam dưới này sẽ cớm nắng, cam không ngọt…".
Chủ tịch xã Hoàng Văn Mới cho hay, Mường Lai có 102 hộ trồng cam sành, trong đó có 30% trồng từ 1 ha trở lên.
Người có diện tích cam lớn nhất là gia đình ông Nông Văn Ba, trồng 10 ha, ông Nguyễn Văn Tỉnh trồng 2 ha, còn gia đình các ông Lý Văn Đẹp, Lý Ngọc Sơn, Mai Văn Quý trồng từ 400 - 500 gốc.
Người dân bắt đầu áp dụng các tiến bộ KHKT vào trồng cam.
Xã tôi có anh Nghiêm Văn Khương tự đi xe máy về vùng cam Cao Phong để học cách trồng, chăm sóc.
Diện tích cam của xã Mường Lai hiện có 50 ha, với năng suất bình quân 15 tấn/ha thì năm nay Mường Lai xuất bán ra thị trường gần 800 tấn, thu từ cam ngót 12 tỷ chứ không ít đâu…
Xã Khánh Hòa là vùng cam trọng điểm của huyện Lục Yên, theo Chủ tịch xã Nguyễn Kim Ba, Khánh Hòa hiện có 111 ha cam, quýt.
Trong đó có 62,5 ha đang cho thu hoạch.
Năng suất bình quân mỗi ha 10 tấn, thì vụ cam năm nay Khánh Hòa có 625 tấn cam bán.
Mọi năm chưa thông tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì giá cam bán tại đây được 16.000 - 18.000 đ/kg, nay xe chạy chủ yếu trên đường cao tốc nên giá chỉ được 13.000đ.
Nhiều năm trước tại ngã ba Khánh Hòa người ta mang cam của Hà Giang trộn lẫn với cam Lục Yên để bán với giá cao hơn…
Theo ông Ba, xã Khánh Hòa có một số hộ trồng cam mỗi năm thu từ 500 triệu đến 1,6 tỷ như gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh, Trịnh Văn Hưng.
Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Yên Bái đã xây dựng 2 ha mô hình cam sành và cam Valencia.
Tại đây có HTX Cam sành Lục Yên đang thực hiện trồng theo quy trình VietGAP..
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ