Hội thảo phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam
Các đại biểu tham quan sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ trong chế biến tại hội thảo sáng 24-9
Phải nâng chất nông sản Việt để cạnh tranh. Cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nâng giá trị nông sản Việt để đẩy mạnh xuất khẩu thay vì vẫn giữ tư duy sản xuất theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.
Đó là khuyến cáo được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam” do ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 24-9 ở TP.HCM.
Đừng chạy theo số lượng
Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc), cảnh báo nếu vẫn giữ tư duy sản xuất theo số lượng mà không coi trọng chất lượng, nông sản của Việt Nam sẽ không thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết mà còn có nguy cơ mất thị trường sân nhà.
Bởi trong thời gian tới Liên minh Âu - Á (EEU) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam.
“Không cần nói đâu xa, với lợi thế về chất lượng và mẫu mã, nông sản Thái có thể tràn sang Việt Nam và đánh bại nông sản Việt ngay trên sân nhà khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ trong thời gian tới...” - GS Vọng nói.
Theo ông Vọng, xu thế tiêu dùng của thế giới là ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng hầu hết nông sản Việt Nam đều chưa đáp ứng được những yêu cầu này.
Thực tế cũng cho thấy dù giá gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới, nhưng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam ngày càng bị thu hẹp vì mất vào tay các đối thủ như Thái Lan, Campuchia và Myanmar...
Nguyên nhân chủ yếu là gạo Việt Nam vẫn bán dưới dạng hàng xá phân chia theo tỉ lệ tấm, trong khi các nước như Thái Lan có các thương hiệu gạo nổi tiếng thế giới, có nhiều nhãn hiệu gạo vào đến tận những siêu thị trên toàn cầu.
Tương tự, hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su... đều được xuất khẩu ở dạng thô hoặc tỉ lệ chế biến rất thấp nên chỉ bán với giá khoảng 65% giá trung bình của thế giới.
“Đây là một thiệt hại rất lớn cho Việt Nam, không phải chỉ kim ngạch xuất khẩu kém mà còn là sự lãng phí trong việc sử dụng tri thức, không tạo cơ hội để giới trí thức đóng góp công nghệ cao và chất xám vào sản xuất” - GS Vọng nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thay vì tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, Việt Nam vẫn giữ quan điểm sản xuất theo sản lượng chất lượng thấp nên không đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi của khách hàng.
Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), dẫn chứng xu hướng của người tiêu dùng nước ngoài là các loại trái cây chế biến như sầu riêng, xoài có độ ngọt vừa phải, hương vị không quá nồng... nhưng Việt Nam không có sản phẩm đáp ứng yêu cầu này, trong khi hàng Thái Lan xuất khẩu rất tốt.
Chưa kể nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị khách hàng trả về, thương hiệu nông sản Việt bị ảnh hưởng do cách làm ăn gian dối, không đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp.
Khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc (ĐH Cần Thơ) cho rằng muốn nâng cao giá trị nông sản Việt Nam phải bắt đầu từ những ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp, bởi đây chính là động lực phát triển cho nông thôn. “Muốn xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nông sản, nhất thiết phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nông nghiệp.
Phải có doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư mới thay đổi toàn bộ cấu trúc nông nghiệp địa phương. Muốn phát triển chuỗi giá trị nông sản các địa phương phải tìm cách thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Một doanh nghiệp đầu tư thành công sẽ thay đổi cả vùng sản xuất của địa phương đó” - TS Lộc nói.
Ngoài ra, theo TS Lộc, mỗi địa phương cũng cần có một nhóm chuyên nghiên cứu thị trường cho sản phẩm trọng điểm của địa phương. Trên cơ sở đó, tìm kiếm doanh nghiệp nào đang chế biến hay mua sản phẩm này rồi đến mời doanh nghiệp tiêu thụ về địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hoàng Dũng, giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Nghiên cứu và quản lý TP.HCM, cho rằng để nông dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư vào nông nghiệp, cần có những biện pháp mạnh để đưa các chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ nông nghiệp vào thực tế, chẳng hạn như gói 100.000 tỉ đồng hỗ trợ nông dân với lãi suất 0% trong giai đoạn khó khăn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết Việt Nam thiếu công nghệ cao trong sản xuất và sau thu hoạch dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lên đến 20%.
Việt Nam không có chuỗi cung ứng nông sản chuyên nghiệp cũng như những công ty lớn chuyên về phân phối nông sản nên tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa hay ùn ứ hàng hóa nông sản diễn ra hằng năm. Theo ông Phong, chính sách ưu đãi đối với nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp cần phải thật sự hấp dẫn.
“Tôi ước gì doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp cũng được những chính sách ưu đãi và hỗ trợ như các doanh nghiệp nước ngoài” - ông Phong nói.
Theo TS Võ Mai, phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, do đặc thù nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, doanh nghiệp không thể liên kết với từng nông dân nên cần phải tạo cơ chế để các bên tham quan với nhau liên kết theo chuỗi giá trị.
Trong đó, nông dân liên kết với nhau để tạo thành các hợp tác xã, các liên minh sản xuất bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng chứ không phải qua trung gian.
Vẫn còn độc canh cây lúa
Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2014 Việt Nam vẫn còn trồng trên 7,8 triệu hecta lúa, chiếm 80% diện tích canh tác trong năm của cả nước, trong khi rau hoa quả có thị trường trong nước và xuất khẩu lớn lại ít phát triển, chỉ chiếm 18% với 1,8 triệu hecta.
Ngoài ra, cả nước chỉ có 1,2 triệu hecta ngô (bắp) và hơn 2 triệu hecta chia cho cao su, cà phê, hạt điều, dừa, trà, hạt tiêu...
Chi phí vận chuyển quá cao
Dịch vụ xuất khẩu, giá vận chuyển (đặc biệt bằng đường hàng không) của Việt Nam rất cao, là một trong những trở ngại chính làm nông sản của Việt Nam không bay xa vì không cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài.
Chẳng hạn, cước phí vận chuyển trái vải Việt Nam qua Úc chiếm 7,5 USD tức 55% giá thành, trong khi giá vận chuyển các nước rẻ hơn Việt Nam nhiều. Do đó, việc xuất khẩu những mặt hàng mới như rau quả... chỉ mang tính thời vụ, không có nền tảng bền vững.
Bộ NN&PTNT sẽ lập tổ công tác giải quyết vướng mắc trong xuất khẩu
Ngày 24-9, phát biểu tại hội nghị “Bàn về thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi” diễn ra ở TP.HCM, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Rất bức xúc vì Việt Nam không xuất khẩu được heo gà”.
Theo ông Tám, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan xuất khẩu đến 4-5 tỉ USD mỗi năm các sản phẩm chăn nuôi thì Việt Nam hầu như không xuất khẩu được mà mỗi năm vẫn phải nhập đến hàng trăm ngàn tấn thịt heo, gà về tiêu thụ là một nghịch lý khó có thể chấp nhận được.
Sau khi nghe các doanh nghiệp nêu khó khăn trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, ông Tám cho biết Bộ NN&PTNT sẽ thành lập ngay một tổ công tác chuyên giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngay trong tuần tới, đoàn công tác này sẽ đến các địa phương làm việc với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện những yêu cầu về thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước nhập khẩu yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ