Mô hình kinh tế Hội thảo Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam

Hội thảo Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam

Ngày đăng 17/09/2015

Hội thảo Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam

Ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, 8 tháng đầu năm 2015, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam đan xen các gam màu sáng tối.

Trong mảng sáng của bức tranh xuất khẩu nông sản, ngành hàng hạt tiêu tăng cả lượng và giá, tiếp đến là gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 10,4% so với năm trước. Hạt điều xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị, trong đó Mỹ và EU là hai thị trường lực đỡ khi xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu suy giảm.

Xuất khẩu rau quả tăng tới 11,2% tuy nhiên Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm 48%, trong khi Mỹ, EU, Nhật chiếm ít hơn. Sắn xuất khẩu tăng về lượng nhưng giảm giá do giá dầu giảm. 

Đối với bức tranh xám và tối, theo ông Nguyễn Trung Kiên, điển hình là sụt giảm trong xuất khẩu gạo, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Xuất khẩu cà phê giảm tới 14% về lượng và 16% về giá trị. Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm giá trị, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 49% xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Thủy sản xuất khẩu giảm 16% về giá trị. Tôm xuất khẩu bị cạnh tranh mạnh về giá. Mỹ, EU, Nhật vẫn là thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc cũng đang dần trở thành thị trường quan trọng của Việt Nam.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, các vấn đề chính đối với xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, đó là suy giảm năng lực cạnh tranh về giá với các đối thủ cạnh tranh lớn như đối với mặt hàng gạo là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan; cà phê là Brazil, Colombia; tôm là Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia; cao su là Indonesia và Malaysia.

Bên cạnh đó, là sự suy giảm cầu thế giới đối với hàng nông lâm thủy sản do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Trung Quốc và dư cung; cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa với sản phẩm chăn nuôi; cạnh tranh về giá của nông sản Việt Nam bị thu hẹp lại và không còn khả năng cạnh tranh như trước đây.

Để giải bài toán thương mại nông sản này, theo ông Kiên, trong ngắn hạn cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá cao. Khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Nối kết nhanh chóng để có các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể xuất khẩu như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm….

Trong trung và dài hạn: Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ví dụ gạo là thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia, UAE. Cà phê là Hàn Quốc, Ailen, Nga, Úc, Thái Lan… Cao su là Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ. Thủy sản là Úc, Trung Quốc… Gỗ và sản phẩm từ gỗ là Anh, Ba Lan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Rau quả là Anh, Đức, UAE..

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Ipsard, đối với những mặt hàng giá giảm như: gạo, cà phê, tôm cần phải tính đến chuyện khôi phục năng lực cạnh tranh của Việt Nam hoặc tìm kiếm thị trường mới. Đối với những thị trường có tiềm năng như Mỹ với mặt hàng tôm tìm cách khôi phục sản lượng… Việc cân đối được giữa các ngành hàng và các thị trường sẽ giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng và cất cánh.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: Xuất khẩu nông sản đang phải đối diện với nhiều thách thức tuy nhiên, trong “nguy có cơ”, nếu khôn khéo thì sẽ vượt qua được khó khăn và đây chính là cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam phát triển.


Giúp nông sản Việt vào siêu thị nông sản vào siêu thị, trăm điều khó Giúp nông sản Việt vào siêu thị nông… Đừng để trái sầu riêng biến thành sầu chung Đừng để trái sầu riêng biến thành sầu…