Hơn 700 Ha Mía Ở Thanh Hóa Bị Bọ Hung Gây Hại
Thanh Hóa hiện có 716,3 ha mía bị bọ hung đen gây hại, trong đó có 115,7 ha bị thiệt hại nặng, bốn ha có khả năng mất trắng.
Hiện, sâu non bọ hung đang ở tuổi 3, mật độ phổ biến 5 đến 7 con/hố, cao 15 con/hố, phát sinh chủ yếu trên diện tích mía ở các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy.
Chủ động phòng trừ bọ hung hại mía, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo các huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, UBND các xã phối hợp các nhà máy đường tuyên truyền, vận động nhân dân đào bắt bọ hung tuổi 3, thu gom sâu non trên diện tích nhiễm nặng và trên diện tích phá lưu gốc trồng mới; chuẩn bị vật tư cần thiết để thực hiện chiến dịch bẫy đèn diệt bọ hung đen trưởng thành.
Những vùng mía bị bọ hung gây hại nặng, Sở chỉ đạo nông dân không để lưu gốc vụ ba nhằm giảm thiếu hụt số cây trên đơn vị diện tích, giảm lượng sâu non trong quá trình phá lưu gốc; dùng một trong các loại thuốc hóa học Diazan 10GR, Basudin 10H, BAM 10G, Regen 3G, Padan 5G…, với lượng 30 đến 40 kg/ha, rắc một lớp mỏng trên mặt đất sau đó lấp dày 2 đến 3 cm, đặt hom mía lên hoặc bón vào gốc cách gốc 5 cm đối với mía lưu gốc; rắc hai bên hàng mía đẻ nhánh sau vun đợt I. Những nơi chủ động nước tưới, đối với mía đã thu hoạch xong có thể ngâm nước 5 đến 6 ngày để diệt sâu non.
Giải pháp lâu dài là trồng mía đúng thời vụ, thực hiện luân canh với một số cây trồng khác như đay, rau, đậu đỗ; đặc biệt luân canh với cây lúa nước sẽ giảm bọ hung gây hại mía.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ