Tin thủy sản Hồng Ngự (Đồng Tháp) nuôi cá lóc tự phát nhiều vấn đề cần quan tâm

Hồng Ngự (Đồng Tháp) nuôi cá lóc tự phát nhiều vấn đề cần quan tâm

Tác giả DƯƠNG ÚT, ngày đăng 27/02/2016

Hồng Ngự (Đồng Tháp) nuôi cá lóc tự phát nhiều vấn đề cần quan tâm

Ông Võ Văn H. ngụ ấp Thượng 2, xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) sở hữu khoảng 1.500m2 đất vườn trồng cây ăn trái nhưng thu nhập không đáng kể. Năm 2013, ông H. quyết định phá vườn đào ao nuôi cá lóc. Sau vài vụ thả nuôi, ông H. thấy hiệu quả nên đào thêm hầm để mở rộng diện tích nuôi. Sau hơn 5 tháng thả nuôi cá lóc thương phẩm, ông H. xuất bán với sản lượng trên 20 tấn, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Ông H. cho biết, làm vườn thu hoạch không được lợi nhuận. Cuộc sống bây giờ nếu người nông dân không uyển chuyển làm ăn thì không thể phát triển được.

Theo thống kê của Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự, toàn huyện có 11ha ao nuôi cá lóc và trên 8.000m2 diện tích nuôi cá trong vèo, mùng. Hàng năm, sản lượng xuất trên 4.000 tấn/2 vụ nuôi. Số diện tích tăng trên 20% so với thời điểm năm 2014 tập trung ở các xã Phú Thuận B, Thường Thới Tiền, Thường Phước 1. Việc phát triển diện tích nuôi cá lóc tự phát trên địa bàn huyện đang gây khó khăn trong công tác quản lý vùng nuôi của ngành chức năng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự cho biết, với góc độ ngành chuyên môn, chúng tôi không khuyến cáo người dân phát triển diện tích nuôi cá lóc, do huyện chưa quy hoạch vùng nuôi. Người dân hạn chế nuôi tràn lan vì dễ gây ô nhiễm môi trường và tình trạng cung vượt cầu. Trên cùng một diện tích, người dân có thể nuôi chuyển đổi cá điêu hồng, cá rô phi, cá lóc bông giống... cho phù hợp.

Việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông sang đào ao, hầm để nuôi cá lóc không theo quy hoạch của địa phương đã gây khó khăn trong công tác quản lý mục đích sử dụng đất. Trước tình trạng diện tích nuôi cá lóc trên địa bàn huyện Hồng Ngự tăng nhanh, trong khi đa số hộ nuôi không đăng ký chuyển đổi mục đích đất sử dụng, do đó ngày 19/11/2015, UBND huyện Hồng Ngự có văn bản chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hộ tự ý đào ao nuôi cá khi chưa được cho phép.

Ngoài ra để hạn chế ô nhiễm môi trường, UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan hướng dẫn các hộ dân biện pháp chăn nuôi hạn chế ô nhiễm, các hộ nuôi với số lượng lớn phải đầu tư ao lắng lọc, khu vực chứa bùn thải..., tránh thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của các hộ lân cận.

Những ngày cận Tết Bính Thân vừa qua, do nguồn cung dồi dào nên giá cá lóc có chiều hướng giảm, chỉ còn 30.000 đồng/kg. Đến nay, giá cá lóc đang nhích lên do nguồn cung giảm dần. Tuy nhiên, các hộ nuôi cá lóc xuất bán vào thời điểm này có khi phá huề, thậm chí lỗ vốn. Hiện nay, theo tính toán của người nuôi, giá thành chăn nuôi 1kg cá lóc thương phẩm (thời gian nuôi khoảng 5 tháng) khoảng 33.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí, người nuôi cá thương phẩm phá huề, hộ nào thuê ao nuôi xem như lỗ vốn.


Nuôi cá kèo lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/ha Nuôi cá kèo lợi nhuận bình quân đạt… Thất thu tôm hùm nhí, thợ lặn đành bó gối ngồi nhà Thất thu tôm hùm nhí, thợ lặn đành…