Hợp tác xã vỏ mới, ruột vẫn cũ!
Hôm nay (2.3), Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 (lĩnh vực nông nghiệp).
Cả HTX làm chỉ bằng một hộ
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến hết năm 2015 trong lĩnh vực nông nghiệp có 19 liên hiệp HTX nông nghiệp (3 liên hiệp HTX trồng trọt, 1 liên hiệp HTX chăn nuôi…). Ngoài ra, có 10.902 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp chiếm 55,5% tổng số HTX trong cả nước.
Đa số các HTX nông nghiệp là các HTX kinh doanh tổng hợp, số lượng các HTX chuyên ngành không nhiều. Các HTX nông nghiệp tập trung nhiều nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 33,8%), Bắc Trung Bộ (19,5%), Đông Bắc Bộ (16,9%), đồng bằng sông Cửu Long (11,1%).
Theo Bộ NNPTNT, hiện mới chỉ có khoảng trên 10% HTX nông nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao; khoảng 80% hoạt động trung bình và yếu; 9,75% HTX hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động (đến nay còn 1.062 HTX).
Dù mỗi năm có khoảng 800 HTX được thành lập, song do số lượng HTX nông nghiệp giải thể vì hoạt động kém hiệu quả cũng lên đến 550 HTX/năm, nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 250 HTX/năm, không tăng nhiều hơn so với trước khi Luật HTX năm 2012 ra đời.
Cũng theo báo cáo, hiện nay cả nước có hơn 7,3 triệu thành viên HTX, trong đó có khoảng gần 6,7 triệu hộ gia đình, cá nhân là thành viên HTX nông nghiệp, đạt tỷ lệ khoảng 45% trên tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn; trung bình là 615 thành viên/HTX. Giá trị sản xuất, kinh doanh khoảng 1 tỷ đồng/HTX, tức chỉ bằng một hộ sản xuất giỏi. Lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động ước đạt trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, khó khăn lớn nhất trong thực hiện triển khai Luật HTX 2012 là chuyển đổi HTX. Đã gần 2 năm trôi qua, nhưng theo đánh giá việc chuyển đổi mô hình các HTX trên địa bàn tỉnh theo Luật HTX năm 2012 đang diễn ra khá chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do các văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành.
Cụ thể, kể từ khi luật sửa đổi chính thức được thực thi, cuối năm 2013 mới có Nghị định 193 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều thi hành Luật HTX. Tới cuối tháng 5.2014, Thông tư số 03 của Bộ KHĐT về hướng dẫn việc đăng ký HTX mới được ban hành. Quảng Ninh cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc chuyển đổi các mô hình HTX theo luật mới.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Kỳ Ân- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, một bất cập nữa của HTX đó là công tác quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp. “Hầu hết các phòng, huyện được giao quản lý HTX chưa có cán bộ chuyên môn, chuyên trách về HTX mà chủ yếu là kiêm nhiệm, nên việc nắm bắt các chủ trương đường lối, cơ chế chính sách về HTX không cập nhật đầy đủ, kịp thời, dẫn đến chậm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX...”- ông Ân đánh giá.
Hạn chế tình trạng “bình mới, rượu cũ”
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, đến hết năm 2015 mới có khoảng 29,38% HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX (trong đó HTX cũ đã đăng ký lại hoạt động theo luật chiếm 18,87%). Do đó phần lớn các HTX nông nghiệp hiện nay về phương thức hoạt động vẫn chưa có sự thay đổi, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ.
Theo kiến nghị của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, để giải quyết các bất cập của HTX nông nghiệp hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp chính, đó là: Cần có một cuộc rà soát đánh giá trình độ quản lý HTX trên cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng đang đạt tới mức độ nào. Mặt khác, cũng không nên đưa ra quá nhiều danh mục hỗ trợ dàn trải, manh mún, chỉ nên tập trung cho công tác đào tạo con người quản lý HTX, đáp ứng nhu cầu hiện tại và lâu dài; có chính sách hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ cấp huyện và cấp xã làm công tác quản lý nước về HTX.
Từ những khó khăn, hạn chế trên, Bộ NNPTNT đã đề ra mục tiêu, phấn đấu cơ bản tiến hành xong việc đăng ký lại hoạt động của HTX nông nghiệp theo Luật HTX mới, trong đó trên 50% các HTX nông nghiệp được tổ chức hoạt động hiệu quả, hạn chế tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Từng bước thực hiện việc giải thể những HTX hoạt động yếu kém hoặc ngừng hoạt động để làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Theo TS Lê Đức Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), một nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, đó là cần phát hiện những HTX điển hình theo từng lĩnh vực chuyên ngành làm mô hình điểm để xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, xây dựng những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong các ngành hàng nông sản chủ lực có thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế như: Lúa gạo, chè, cà phê, điều, hồ tiêu, sữa, thủy sản… từ đó mới nâng cao được vị thế của HTX nông nghiệp hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ