Hướng dẫn chăm sóc cây điều giai đoạn ra hoa, đậu trái
Hiện nay, cây điều đang trong thời kỳ rụng lá, ra hoa và chuẩn bị đậu trái, đây là giai đoạn cây rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết cũng như các đối tượng dịch hại, để có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo một mùa vụ thắng lợi, ngày 17/10/2014 Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1587/SNN-TTBVTV hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cụ thể như sau:
1. Giai đoạn chồi non:
- Về dinh dưỡng: ở giai đoạn này cần bổ sung đủ hàm lượng lân (P2O5) và boro (B) để giúp quá trình hình thành và phân hóa mầm hoa được tốt hơn, có thể sử dụng một số sản phẩm như Siêu lân MC08, Atonik,…
- Về sâu bệnh: Sâu, bệnh gây hại phổ biến ở giai đoạn này là bọ đục nõn (bọ đầu dài, bọ vòi voi), bọ xít muỗi, bệnh thán thư, làm cho các chồi non bị héo khô, giảm khả năng ra hoa đậu trái.
* Biện pháp phòng trừ:
+ Bọ đục nõn: Đối với con trưởng thành, có thể sử dụng các thuốc có hoạt chất như Cypermethrin (Cyperan 5EC, 10EC); đối với sâu non có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Dimethoate (Bian 40EC, 50EC); Abamectin (Reasgant 5EC), xử lý thuốc khi sâu mới xuất hiện.
+ Bọ xít muỗi: Làm cỏ vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm, hun khói vào sáng sớm hoặc chiều mát để xua đuổi bọ xít muỗi. Có thể dùng các loại thuốc hóa học có hoạt chất sau để phun khi bọ xít muỗi mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ như: Alpha Cypermethrin ( FM-Tox 50EC, Fotox 50EC); Cypermethrin (Cyperan 5EC, 10EC), Thiamethoxam (Actara 25WG).
+ Bọ trĩ: Để phòng trừ hiệu quả có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Thiamethoxam (Actara 25WG); Abamectin (Reasgant 5EC); Dimethoate (Bi-58 40EC, Bian 40EC), …
+ Bệnh thán thư: Đối với bệnh thán thư có thể sử dụng những thuốc có hoạt chất như Carbendazim (Carban 5SC, Carbenvil 50SC); Propineb (Antracol 70WP); các hoạt chất hỗn hợp như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil gold 68WP, Rorigold 680WG),...
+ Điều tra nắm bắt diễn biến sâu, bệnh hại trên vườn để kết hợp phun thuốc sâu, bệnh và phân bón lá xử lý 01 lần khi đọt non có từ 4 – 5 lá.
2. Giai đoạn ra bông:
- Về dinh dưỡng: ở giai đoạn này cần bổ sung những nguyên tố vi lượng như Boro (B), kẽm, Mn, GA3,… để cây điều ra hoa được tập trung và tăng khả năng đậu quả, có thể sử dụng các sản phẩm như Siêu vọt hoa điều, Botrac,…
- Về sâu bệnh: Sâu bệnh phổ biến giai đoạn này chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, bệnh thán thư làm cho bông bị héo khô không còn khả năng đậu trái.
* Biện pháp phòng trừ:
- Điều tra nắm bắt diễn biến sâu, bệnh hại trên vườn để kết hợp phun thuốc sâu, bệnh và phân bón lá xử lý 01 lần khi chồi hoa dài khoảng 5 – 8cm.
3. Giai đoạn đậu trái và nuôi dưỡng trái:
- Về dinh dưỡng: Cần bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết như Boro, kẽm, canxi,… tăng khả năng đậu trái cũng như chất lượng trái, có thể sử dụng kết hợp các sản phẩm như dưỡng trái chắc hạt nhân to MC003 + Canxi Bo, Antonik + kali sữa MC,…
- Về sâu bệnh: Sâu bệnh chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, sâu đục trái, bệnh thán thư.
* Biện pháp phòng trừ:
- Điều tra nắm bắt diễn biến sâu, bệnh hại trên vườn để kết hợp phun thuốc sâu, bệnh và phân bón lá xử lý 01 lần khi trái bằng đầu đũa.
Ngoài những đối tượng sâu bệnh hại chính nêu trên, căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, các đơn vị chuyên môn cần tăng cường công tác điều tra phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn bà con nông dân biện pháp phòng trừ kịp thời đạt hiệu quả, không để dịch bệnh phát triển lây lan.
* Chú ý:
- Liều lượng và nồng độ thuốc thực hiện đúng theo khuyến cáo trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ