Tin thủy sản Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép thủy sản nước lợ trong ao

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép thủy sản nước lợ trong ao

Tác giả TTKHQN, ngày đăng 16/11/2019

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép thủy sản nước lợ trong ao

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi thủy sản vùng triều ổn định và bền vững, trong các năm qua Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện mô hình Nuôi ghép tôm - cá đối mục đạt được những kết quả khả quan. Đồng thời, hiện nay tại số địa phương cũng đã phát triển các mô hình nuôi xen ghép có hiệu quả và được nhân rộng.

Nuôi ghép đúng cách giúp tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích

Để giúp bà con nông dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi và áp dụng vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông xin giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi ghép một số đối tượng thủy sản trong ao nước lợ đến với bà con nông dân tham khảo.  

1. Chuẩn bị ao nuôi

Nuôi ghép các đối tượng này chủ yếu là hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, kết hợp nuôi tôm tôm sú hay tôm thẻ chân trắng với một số đối tượng thuỷ sản nước lợ như cá, cua, trồng rong câu nhằm cải thiện môi trường ao nuôi.

Ao đầm nuôi hiện nay là sử dụng từ các ao đầm đã nuôi tôm sú, tôm thẻ trước đây hiệu quả thấp chuyển sang, vì vậy cần cải tạo kỹ trước khi thả nuôi. Các yếu tố môi trường thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi, pH nước từ 7,5 - 8,5; độ mặn từ 5 - 250/00 và nhiệt độ từ 28 - 33oC.

Ao nên có diện tích tốt nhất từ 2.000 - 5.000m2, độ sâu 1,2 - 1,5 m trở lên và cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5m.

Ao có cống cấp và thoát để đảm bảo cấp thoát nước cho ao, ở trước cống cấp và thoát nước phải có 2 lớp lưới chắn cẩn thận. Cũng có thể thả chà bằng cành cây khô, lá dừa nước để che mát cho cá, cua.

Trước khi thả giống nuôi cần vệ sinh, cải tạo ao nuôi: Tháo cạn nước, vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, cống, bón vôi, phơi đáy, lấy nước vào ao nuôi, diệt tạp, gây màu nước... tương tự như cải tạo ao nuôi tôm. Việc sử dụng hóa chất tẩy dọn ao, đầm, gây màu nước phải tuân thủ theo đúng quy định.

2. Thả giống 

Tuỳ theo điều kiện ao nuôi ở từng vùng mà chọn đối tượng thả nuôi ghép cho phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài thả nuôi ghép tôm thẻ, tôm sú – cá đối mục, các đối tượng thủy sản nước lợ ở vùng triều còn có thể thả nuôi ghép với các hình thức sau:

- Nuôi ghép Tôm (tôm sú, tôm thẻ) – Cá măng, cá dìa;

- Nuôi ghép Tôm (tôm sú, tôm thẻ) – Cua – Cá (cá đối, cá măng, cá dìa);

- Nuôi ghép Tôm sú – Rong câu – Cá dìa.

Thông thường thả giống tôm nuôi trước 20 - 30 ngày thì thả ghép các đối tượng khác vào nuôi chung.

Con giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch và phải được mua từ các cơ sở có kiểm soát chất lượng thủy sản bố mẹ, giống và quá trình sản xuất.

Trước khi thả giống 5 - 7 ngày, cần theo dõi điều kiện thời tiết. Không thả tôm, cá giống trong thời điểm có mưa, không khí lạnh hay những ngày thời tiết bất thường sẽ không có lợi cho sức khỏe cho đàn giống thả nuôi.

Mật độ giống thả:

- Đối với tôm thẻ chân trắng:

Nuôi ao đất, cấp nước trực tiếp từ sông: Mật độ 40 con/m2 (cỡ giống ≥ P12).

- Đối với tôm sú:

Nuôi ghép tôm sú-cua, tôm sú-cá thì mật độ tôm sú 6-8 con/m2 (cỡ giống ≥P15), cua, cá 5 con/10m2.

Nuôi ghép tôm sú - cá - cua thì tôm 5 con/m2, cá, cua mỗi loại 5 con/10m2.

- Đối với một số đối tượng nuôi khác:

Đối tượng nuôi Cỡ giống (cm) Mật độ (con/m2) Độ mặn khi thả giống (%o) Thời gian nuôi TB (tháng)
Cá đối mục >=6 2-3 >=8 5-7
Cá dìa >=4 3-4 >=5 5-7
Cua xanh >=1,2 1-2 >=5 4-6

 

Đối với việc nuôi ghép thì đối tượng nuôi chính có tỷ lệ giống từ 60 - 70%, các đối tượng còn lại chiếm tỷ lệ từ 30 - 40% trên cơ sở tính mật độ của đối tượng nuôi chính.

Nếu nuôi ghép nhiều đối tượng (từ 3 đối tượng trở lên) thì nên thả nuôi mật độ thưa hơn. Chẳng hạn, nuôi ghép tôm sú với cá măng, cua. Mật độ thích hợp cho nuôi thịt là 5 - 10 vạn tôm/ha và 2.000 - 3.000 cá măng/ha hay 1000 - 2.000 con cua biển và 2.000 cá măng/ha. Đặc biệt, cá dìa còn là đối tượng nuôi chính trong ao nuôi tôm bị dịch bệnh; vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi. Với mật độ thả 2 - 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế biến hoặc bột công nghiệp, cá dìa ăn tạp nên tính cạnh tranh của cá thấp, tỷ lệ sống cao, sau 10 - 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 - 1,0kg/con.

Giống cá đối, cá măng, cá dìa có kích cỡ nhỏ thì cần được ương riêng trong ao ương sau thời gian đạt cỡ giống lớn mới thả vào ao tôm nuôi chung.

Thời vụ thả giống

- Đối với nuôi tôm sú, tôm thẻ và các đối tượng khác trên vùng triều ven sông: Thời gian thả tôm nuôi bắt đầu từ ngày 01/02 và thu hoạch trước ngày 30/9 trong năm.

- Đối với nuôi cá nước lợ, mặn trong ao: Thời gian thả cá giống nên từ cuối tháng 12 đến tháng 3 và thu hoạch vào cuối tháng 9. Chọn các loài cá nuôi trong chu kỳ 6- 8 tháng có thể thu hoạch thương phẩm như: Cá đối mục, cá măng, cá dìa,…

3. Thức ăn cho tôm, cá

- Thức ăn của tôm:

Cho tôm ăn hàng ngày dựa trên các yếu tố: Kích cỡ, tỷ lệ sống, tình trạng sức khoẻ của tôm, chất lượng nước, thời tiết, chất lượng thức ăn để tôm ăn cho phù hợp.

Trong 15 ngày đầu sau khi thả tôm có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột chất lượng cao, hoà vào nước tạt đều khắp ao. Từ sau ngày 15 trở đi cho ăn thức ăn công nghiệp dạng vảy, tôm lớn chuyển qua thức ăn dạng viên.

Đối với tôm mới thả, chưa thể tính toán chính xác được tỉ lệ sống, trọng lượng trung bình và tổng trọng lượng tôm trong ao, do đó có thể tham khảo khẩu phần cho ăn như sau: Khi mới thả cho ăn 1,5- 2kg thức ăn/100.000 Post 15; sau cứ 5 ngày 1 lần thì tăng lượng thức ăn lên từ 0,3- 0,5 kg cho mỗi ngày; áp dụng cho tôm nuôi ở tháng thứ 1.

Khi tôm lớn từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, đặt sàng kiểm tra thức ăn (80 x 80 cm). Mỗi ao từ 2- 4 sàng tuỳ diện tích ao nuôi (thường 1.500 - 2.000 m2 đặt 1 sàng). Lượng thức ăn cho vào sàng 2-  3% so với tổng lượng thức ăn, chia đều cho các sàng. Thời gian kéo sàng kiểm tra thường 3 giờ đối với tôm nhỏ và giảm dần xuống 1,5 giờ đối với tôm lớn. Kiểm tra thức ăn trên sàng thiếu hay thừa để điều chỉnh lại một cách hợp lý cho ngày hôm sau. Sàng cho ăn phải được đặt ở những khu vực sạch sẽ và được bố trí rải rác khắp ao để kết quả kiểm tra một cách trung thực, chính xác nhất.  

Giai đoạn tôm còn nhỏ cần rải đều thức ăn khắp ao, khi tôm lớn rải xung quanh cách bờ 3 - 5m. Nên rải thức ăn trong vùng đáy sạch, tránh rải ở những khu vực bị ô nhiễm.

Giai đoạn tôm còn nhỏ ở tháng nuôi đầu cho 4 - 6 lần/ngày, lượng thức ăn sử dụng 6 - 10% trọng lượng thân, sau tháng nuôi thứ 2 trở đi cho ăn 2 - 3 lần/ngày, lượng thức ăn sử dụng  từ 2 - 5% trọng lượng thân.

Trong chu kỳ nuôi, cần bổ sung thêm thành phần các chất dinh dưỡng, Vitamin, khoáng chất các loại vào trong thành phần thức ăn cho tôm.

Vì tôm thẻ, tôm sú nuôi với mật độ thưa và nuôi ghép với một số đối tượng khác nên có thể sử dụng thức ăn tự chế biến bằng cá tạp + các loại bột, nấu chín, xay đùn dạng viên cho ăn để giảm chi phí. Đồng thời, thức ăn thừa và phân tôm thải ra làm thức ăn cho các đối tượng khác.

Thức ăn của cá đối mục, cá dìa, cá măng:

Đối với cá đối cho ăn thức ăn: cám, bột bánh dầu, hoặc thức ăn tự chế biến từ cá tạp, bột các loại, cho ăn 5 - 10% trọng lượng cá/ngày tùy từng giai đoạn cá nuôi. Cho cá ăn 2 lần trong ngày sáng và chiều.

Đồng thời cho ăn thêm thức ăn công nghiệp để cá mau lớn và để vỗ béo cá trước khi thu hoạch.

Nuôi ghép tôm với cá đối, cá dìa, cá măng, khi cho cá ăn thức ăn bổ sung hoặc thức ăn công nghiệp thì thường cho ăn trước 30 phút - 1,0 giờ để cá ăn no rồi tản ra và sẽ không cạnh tranh thức ăn với tôm.

* Lưu ý thức ăn phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng đối tượng nuôi và giai đoạn nuôi. Thức ăn phải đảm bảo không bị mốc, ôi, thiu, thối rữa, nhiễm độc tố, hóa chất độc hại. Đối với thức ăn công nghiệp phải còn hạn sử dụng, nhãn, mác, bao bì rõ ràng và thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

4. Chăm sóc, quản lý và thu hoạch

- Nguồn nước và chất lượng nước: Nguồn nước phải đảm bảo các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh phù hợp với từng đối tượng thủy sản nuôi.

- Chất lượng nước cấp vào ao nuôi tôm đảm bảo như sau:

Oxy hoà tan (DO) ≥ 3,5 mg/l

pH: 7 ÷ 9, dao động trong ngày không quá 0,5

Độ mặn: 5 ÷ 35 ‰

Độ kiềm: 60 ÷ 180 mg/l

Độ trong: 20 ÷ 50 cm.

Thường xuyên giữ môi trường trong sạch, nếu có điều kiện thì thay nước 15 - 20 ngày/1 lần. Mỗi lần thay từ 20 - 30% lượng nước trong ao hoặc thay nước theo con nước thuỷ triều.

Luôn giữ mức nước từ 1 - 1,2m trở lên. Khi nuôi hỗn hợp với cua cần rào chắn cẩn thận để tránh thất thoát.

Kiểm tra bờ, đăng chắn, cống lấy thoát nước, không để có lỗ mội, những chỗ hư hỏng phải được sửa lại, không để cua thoát ra ngoài.

Phải cho tôm, cua, cá ăn đầy đủ vì nếu thiếu thức ăn chúng dễ cạnh tranh hoặc tấn công lẫn nhau. Cua rất háo ăn không nên để cho cua bị đói như : cho ít thức ăn, hoặc bỏ bữa không cho ăn. Trong trường hợp như vậy cua có thể ăn thịt lẫn nhau và ăn cả tôm nuôi.

Định kỳ 15 ngày tiến hành kiểm tra sinh học để biết tỷ lệ sống, tốc độ phát triển, sản lượng tôm, cua, cá hiện có trong ao nuôi, từ đó mới có cơ sở để quản lý thức ăn được tốt.

Hàng ngày cần theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khoẻ của các đối tượng nuôi, môi trường ao nuôi. Định kỳ bón các loại vôi CaCO3, Dolomite để ổn định các yếu tố môi trường, phòng bệnh cho đối tượng nuôi.

- Phòng trị bệnh, sử dụng thuốc và hóa chất: Thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của nhà sản xuất; phải ghi chép và lưu giữ toàn bộ hồ sơ các lần sử dụng thuốc hoặc hóa chất cho các ao nuôi của mình.

- Thu hoạch thủy sản nuôi :

Sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng đối với tôm thẻ chân trắng, 4,5- 5 tháng đối với tôm sú, kiểm tra tôm nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì có thể tiến hành thu hoạch tôm trước. Còn cá, cua để lại nuôi thêm một thời gian nữa.

Cá đối, cá dìa nuôi tốt sau 6 tháng có trọng 400 - 500g/con. Có thể thu hoạch tỉa cá lớn trước, sau đó cá nhỏ còn lại tiếp tục nuôi cho đạt cỡ thương phẩm mới thu hoạch.

Cá măng sau thời gian nuôi 4 - 5 tháng đạt trọng lượng 300 - 400g thì có thể tiến hành thu hoạch, đạt 500g trở lên sau 6 - 8 tháng nuôi.

Hiện nay, trên thị trường giá trị thương phẩm của các đối tượng như cá đối, cá măng, cá dìa, cua xanh khá cao, đây chính là những đối tượng nuôi mang lại nguồn thu nhập cho bà con; góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi và là yếu tố hết sức cần thiết cho nuôi trồng thủy sản nước lợ vùng triều ở Quảng Nam ổn định, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường.


Giảm tác hại của hóa chất khi xử lý môi trường Giảm tác hại của hóa chất khi xử… Nuôi ghép tôm với các đối tượng khác Nuôi ghép tôm với các đối tượng khác