Tin nông nghiệp Hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu

Hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu

Tác giả Đức Toàn, ngày đăng 25/05/2019

Hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vừa tiếp tục có Công văn số 86/TTBVTV ngày 6-5-2019 gửi UBND, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và thành phố hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu.

Ðây là loài sâu hại có khả năng di trú xa, phát tán mạnh, phổ ký chủ rộng, có thể gây hại trên 300 loài thực vật như ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, rau… đặc biệt là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau. Tại tỉnh ta, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại cục bộ trên ngô xuân tại xã Liên Bảo (Vụ Bản) và xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Ðặc điểm gây hại của sâu keo mùa thu là sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng; sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như hình “cửa sổ”.

Ðể tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu hại này, các địa phương cần phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng, chống bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Theo đó, người dân chủ động làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất kỹ, rồi phơi đất khô để diệt ấu trùng, nhộng trong đất; luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện, ngắt ổ trứng tiêu huỷ; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Hạn chế sử dụng thuốc hoá học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu; sử dụng chế phẩm nấm xanh, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kim để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.

Bên cạnh đó, người dân chủ động phòng trừ sâu bằng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành. Trên cánh đồng trồng ngô, trồng xen một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so với thời vụ chung để dẫn dụ sâu bướm trưởng thành đến đẻ trứng; sử dụng bẫy diệt sâu trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

Chủ động phun thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu cao, đa số sâu tuổi nhỏ (tuổi 1-3) giai đoạn ngô 3-6 lá, phun sáng sớm hoặc lúc chiều mát theo nguyên tắc “4 đúng”. Sử dụng thuốc có hoạt chất Bacillus thuringiensis (VK 16WP) phun 2 lần, cách nhau 7 ngày, phun thuốc khi sâu mới xuất hiện tuổi 1-2; hoạt chất Spinetoram (Radiant 60SC), hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, Clever 300WG, DuPontTM Ammate® 150EC, Obaone 95WG, Sunset 300WG) phun giai đoạn cây có 4-6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1-2; phun 2 lần cách nhau 10-12 ngày…

Chú ý phun theo hàng, ướt đều hai mặt lá và nách lá đảm bảo đủ lượng nước từ 16-24 lít/sào. Về phương pháp thống kê diện tích nhiễm, tạm thời áp dụng ngưỡng thống kê diện tích nhiễm đối với sâu keo mùa thu là 4 con/m2; nhiễm nhẹ từ 2-4 con/m2; nhiễm trung bình từ 4-8 con/m2 trở lên; nhiễm nặng từ 8 con/m2 trở lên.


Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ khép kín Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ khép… Chủ động phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi Chủ động phòng chống rét cho cây trồng,…