Tin nông nghiệp Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 4

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 4

Tác giả 2LUA.VN tổng hợp, ngày đăng 06/01/2018

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 4

IV/ QUẢN LÝ ĐẤT VÀ NƯỚC

Lập trước kế hoạch là yếu tố then chốt để sản xuất rau hữu cơ thành công. Phóng thích dinh dưỡng cho cây trồng sử dụng là kết quả hoạt động của các vi sinh vật chế biến vật chất hữu cơ trong đất. Vì thế, để đạt được kết quả tốt nhất, phân ủ hoặc các vật liệu hữu cơ khác cần phải có một khoảng thời gian giữa bón phân ủ và trồng cây. Nhìn chung, nên có một khoảng thời gian 2 tuần là hữu ích.

Khi nông dân mô tả một đất có các điều kiện tốt nhất, họ thường nói là đất “tơi xốp”. Đất tơi xốp là do đất thoáng khí và có nhiều vật chất hữu cơ trong đất. Ngược lại với đất “tơi xốp” là đất “Chặt”. Sự dí chặt đất là do đi lại dẫm lên đất và do mưa lớn

Thách thức đối với nông dân là làm giảm sự rắn chặt của đất ở giữa các cây trồng. Khi đất rắn sẽ có ít ô xy trong đất dẫn đến các vi sinh vật trong đất ngừng hoạt động và làm giảm chất dinh dưỡng có sẵn cho cây trồng sử dụng. Khi đất có nhiều vật chất hữu cơ thì sẽ ít bị dí chặt hơn.

Cách làm tốt nhất – Giảm tối đa thời gian để mặt đất trơ trụi. Bảo vệ đất khỏi xói mòn và ánh nắng trực xạ. Tạo vật chất hữu cơ trong đất bằng sử dụng phân ủ, trồng cây che phủ và phủ bổi bằng các vật liệu khác. Các biện pháp canh tác thận trọng cũng rất quan trọng như cắt cỏ thì tốt hơn là xới cỏ sâu.

1) KỸ THUẬT CANH TÁC

Nguyên tắc chung cho những đất được canh tác là giảm tối thiểu số lần làm đất trong năm và độ sâu làm đất. Với các điều kiện lý tưởng thì các vi sinh vật và giun sẽ đảo đất một cách tự nhiên.

Khi cần tác động để loại bỏ sự phát triển không cần thiết của cỏ dại, sử dụng biện pháp rẫy cỏ và làm tơi trên bề mặt đất bằng cuốc.

Những kỹ thuật chuẩn bị đất cơ bản gồm có cày đất, sau đó để phơi đất trong một thời gian ngắn, sau đó làm nhỏ đất và lên luống bằng cuốc tay. Đất tốt là đất dễ vỡ vụ Điểm quan trọng để có được đất canh tác tơi xốp là tránh không làm đất khi nó quá ướt. Nhiều nông dân biết rõ điều này và họ đã hoãn làm đất trồng cây mới khi đất bị đọng nước.

Đối với các ruộng thâm canh rau, lên luống là cần thiết vì chúng giúp việc thoát nước dễ dàng và quá trình làm đất chuẩn bị luống sẽ tạo ra một môi trường gieo hạt và trồng cây phù hợp. Độ rộng luống thường do nông dân xác định và bằng khoảng cách họ có thể với ngang qua luống từ rãnh đi lại. Một luống đất lý tưởng là nó không bao giờ bị dẫm lên trên khi chăm sóc cây trồng, vì thế luống phải có độ rộng thích hợp để dễ dàng với tay từ rãnh vào luống khi làm cỏ, trồng cây. Đi lại trên luống không được khuyến khích vì nó sẽ làm cho đất bị dí chặt lại, sẽ ngăn cản dòng dinh dưỡng trong đất luân chuyển tới cây trồng và cản trở sự thoát nước

Có thể sử dụng các biện pháp khác nhau để duy trì độ ẩm cho đất. Chất hữu cơ trong đất cao cấu trúc đất xốp giúp duy trì độ ẩm tốt. Che phủ đất bằng rơm rạ hoặc vật liệu tương tự cũng là một cách. Đây là yếu tố cốt lõi để giải quyết cho vấn đề thiếu nước hóc búa thường xảy ra trong sản xuất

2) CHE PHỦ

Che phủ nghĩa là che phủ đất bằng bất kỳ vật liệu thực vật được cắt. Với tính đa năng của nó, che phủ bằng vật liệu rất hiệu quả để bảo vệ đất chống xói mòn. Thậm chí, chỉ với một số ít lá hoặc thân cây sẽ làm giảm rất nhiều lực xói của mưa. Lớp phủ sẽ tạo tầng đệm tránh cho đất khỏi bị dí chặt, cung cấp chất hữu cơ và giúp duy trì độ ẩm đất rất hữu hiệu.

Trong mọi điều kiện có thể, lớp phủ nên được làm từ các vật liệu hữu cơ được thu gom lại trong trại, nơi sản xuất. Chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ vật liệu lấy từ bên ngoài nông hộ và không được lấy các vật liệu từ rừng.

Thường vật liệu phủ lấy từ rơm rạ hoặc các vật liệu thực vật khác. Loại vật liệu được sử dụng làm lớp phủ sẽ chi phối rât lớn tới hiệu quả của nó. Vật liệu dễ phân hủy sẽ bảo vệ đất trong một thời gian hơi ngắn nhưng sẽ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong lúc nó phân hủy. Vật liệu cứng sẽ phân hủy chậm hơn và vì thể che phủ đất lâu hơn.

Phương pháp che phủ được khuyến cáo là tạo lớp phủ bổi giữa các hàng có độ dày khoảng 10- 15cm. Che phủ được làm sau khi bón phân hữu cơ (phân ủ hoặc phân sinh học). Trên các ruộng rau hữu cơ, che phủ tốt nhất được làm sau khi cây con đã phần nào trở nên cứng cáp hơn vì nếu không nó có thể bị hư hại do các sản phẩm tạo ra từ sự phân hủy các vật liệu phủ còn tươi.

3) ẨM ĐỘ ĐẤT

Điều quan trọng là giữ độ ẩm đất đủ tốt để giúp các vi sinh vật trong đất hoạt động tốt. Khi đất bị bỏ khô, cây trồng không có khả năng lấy đủ chất dinh dưỡng. Độ ẩm được duy trì thông qua mưa, thủy lợi và che phủ đều đặn cũng có thể ngăn chặn việc bốc hơi khi thời tiết nóng

Nếu trong điều kiện khô hạn phải sử dụng nước sạch, nước không nhiễm bẩn hoặc nguồn nước không bị ô nhiễm để tưới.

4) CỎ DẠI

Cỏ dại có thể có tác dụng làm thức ăn cà nơi trú ngụ cho các côn trùng có ích. Nó cũng còn là một nguồn dinh dưỡng cho đất đặc biệt là các loại cỏ có rễ ăn sâu có thể rút các chất khoáng từ dưới lớp đất sâu lên. Tuy nhiên cỏ cũng cạnh tranh độ ẩm và dinh dưỡng trong đất.

Như đã nhiều lần đề cập tới điểm này, một nguyên tắc làm việc cơ bản trong canh tác hữu cơ là cố gắng ngăn cản phát sinh các vấn đề hơn là tìm cách cứu chữa chúng. Nguyên tắc này được áp dụng đúng như vậy cho việc quản lý cỏ dại. Quản lý cỏ dại tốt trong canh tác hữu cơ gồm có việc tạo ra các điều kiện gây cản trở cỏ dại mọc không đúng lúc và đúng chỗ để rồi sau này nó có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng cho chăm sóc cây trồng chính. Trong toàn bộ các giai đoạn phát triển của cây trồng thì tác hại cạnh tranh của cỏ dại là không giống nhau ở từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu phát triển là giai đoạn cây trồng nhạy cảm nhất với sự cạnh tranh của cỏ dại.

Cách làm tốt nhất Một hệ thống quản lý cỏ dại bao gồm:

• Giữ cho các tán cây càng gần nhau càng tốt.

• Nhổ cỏ trong những ngày nắng để tăng khả năng diệt cỏ. .

• Che phủ giữa các hàng cây nếu có sẵn các vật liệu.

• Luôn canh cây trồng: Trồng loại cây có khả năng cạnh tranh tốt với cỏ dại (như bí ngô) trước khi trồng cây nhạy cảm hơn với sự cạnh tranh của cỏ dại (ví dụ như cà rốt hoặc hành hoa)

• Đảm bảo cây trồng sinh trưởng tốt trong giai đoạn đầu phát triển.

• Bón phân gần cây, không rải rắc phân khắp luống trồng. 


Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 5 Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ -… Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 3 Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ -…