Hướng đến làm chủ thị trường cá tra
Vượt qua một số tồn tại, khó khăn ban đầu về quá trình chuẩn bị, NĐ36 (Nghị định 36/2004/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/4/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2014) đã tạo chuyển biến, đặc biệt chấn chỉnh từ vùng nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra.
Nắm bắt xu thế thị trường
Ngày 7/7, tại cuộc họp do Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA) tổ chức tại TP Cần Thơ, thông tin về tình hình cá tra từ đầu năm đến 30/6/2015, tính lũy kế diện tích nuôi cá tra thả mới 1.959 ha, tăng 0,21% so với cùng kỳ 2014; diện tích thu hoạch 1.857 ha, giảm 0,51% nhưng sản lượng đạt 516.140 tấn, tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2014, do năng suất trung bình đạt 278 tấn/ha, tăng 4 tấn/ha so với năm 2014.
Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, chiếm khoảng 88% tổng diện tích và sản lượng của vùng ĐBSCL.
Trong 6 tháng qua giá cá tra nguyên liệu dao động từ 19.000-24.500 đ/kg. Chỉ trong 3 tháng đầu năm cá có giá 23.500-24.500 đ/kg, bắt đầu từ tháng 4 đến nay giảm còn khoảng 20.000 đ/kg. Giá cá tra giống (30 con/kg) cũng dao động mức cao trong 3 tháng đầu năm, từ 16.500-33.000 đ/kg. Sau đó giảm dần đến nay là do ảnh hưởng từ giá cá nguyên liệu giảm, thị trường XK giảm.
Theo số liệu của hải quan, tổng kim ngạch XK cá tra đến 31/5/2015 đạt trên 616 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó thị trường Mỹ chiếm 21,8% tương đương 134,66 triệu USD, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2014.
Thị trường EU chiếm 19,3% tương đương với 118,956 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường khác như ASEAN, Trung Quốc, Canada duy trì mức tăng ổn định trong khi thị trường Mexico, Colombia, Australia lại suy giảm.
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VNPA nhận định: Quan sát chu kỳ giá cá nguyên liệu giảm sau một thời gian thì giá cá XK sẽ tăng lên. Dự đoán trong quí 3/2015 thị trường XK sẽ chuyển biến khá hơn.
Tuy thị trường XK sang các nước EU có phần giảm nhẹ do biến động tỉ giá đồng euro bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính ngân hàng tại Hy Lạp hay XK sang Nga thấp, không tốt so như dự báo trước đây, nhưng thị trường Mỹ tương đối ổn định, thị trường Trung Quốc, ASEAN tăng đáng kể và các nước khối Ả rập, Brazil và Mexico đang cải thiện tăng trở lại.
Theo lộ trình NĐ36
Theo Thông tư số 23/2014/TT-BNNPNT ngày 29/7/2014 của Bộ NN-PTNT (về việc hướng dẫn thực hiện NĐ36), Chính phủ giao cho VNPA thực hiện đăng ký hợp đồng XK đối với sản phẩm cá tra. Bắt đầu từ 12/9/2014 đến 22/5/2015, dù Thông tư tính phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra của Bộ Tài chính chưa ban hành, VNPA vẫn tiến hành tư vấn thực hiện tốt các thủ tục cần thiết và xác nhận đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra cho DN.
VNPA cho biết, từ 1/1 đến ngày 27/6/2015 đã xác nhận hợp đồng XK cá tra cho 184 DN XK với 14.523 bộ hồ sơ và tổng khối lượng của các lô hàng này là 475.294 tấn. Khác với đăng ký hợp đồng XK gạo, việc đăng ký hợp đồng XK cá tra theo NĐ36 không đòi hỏi DN phải xuất trình hợp đồng, chỉ cần cung cấp một số thông tin liên quan để cập nhật vào bộ cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Hiện nay, sau khi có Thông tư tính phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra của Bộ Tài chính, VNPA thu phí theo quy định là 100.000 đ/bộ hồ sơ đăng ký. Phí thu được sẽ cân đối và sử dụng đúng theo quy định.
Từ ngày 1/6/2015, khi DN đăng ký hợp đồng XK cá tra với VNPA cần bổ sung thêm thông tin về vùng nuôi (theo quy định tại khoản 4, điều 9 Thông tư 23/2014/TT-BNNPNT).
Hiện nay, VNPA rút ngắn thời gian làm thủ tục. DN gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng XK cá tra qua đường bưu điện, thời gian làm thủ tục xong trong ngày. Nếu DN nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp VNPA trả kết quả ngay trong buổi làm việc. NGỌC BÍCH |
TS Dũng khẳng định: Việc đăng ký hợp đồng XK cá tra mục đích chính nhằm giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các DN chế biến, XK và hộ dân nuôi cá.
Kết quả sau một tháng thực hiện NĐ36, VNPA đã có được bộ dữ liệu ban đầu bao gồm danh sách DN XK, thị trường, giá bán, thông tin về vùng nuôi, hộ nuôi…
Từ đó, tất cả thông tin về thị trường trở nên rõ ràng, cụ thể, có lợi cho DN, vì thống kê và dự báo trước được số liệu để cân đối cung cầu, hỗ trợ phát triển bền vững ngành cá tra đồng thời thực hiện được truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, giải quyết tình trạng bán phá giá.
Thực hiện NĐ36, Chính phủ chỉ gia hạn thời gian áp dụng quy định (tại khoản 4, điều 14 của NĐ 36) về nội dung hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng đến 31/12/2015, còn lại tất cả các điều khác đều thực hiện theo quy định.
Đến nay quá trình thực hiện tại các địa phương, tại cuộc họp đa số lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh đã có ý kiến phản hồi: NĐ36 là những bước đi cần thiết đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong dài hạn của cả chuỗi ngành hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng ngành cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA): “Qua cơ sở dữ liệu thống kê từ VNPA sẽ là nguồn thông tin quý giúp địa phương ứng phó phù hợp với diễn biến thị trường. Trước đây, khi chưa có cơ sở dữ liệu, nông dân thả nuôi tự phát, mạnh ai nấy làm…
Việc thực hiện NĐ36 trong mục tiêu dài hạn, yêu cầu từ vùng nuôi phải đạt chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương để nâng cao chất lượng cá tra, bảo đảm môi trường vùng nuôi sạch”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ