Hướng Đến Nền Sản Xuất Xanh
Kinh tế xanh được xem là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống lâu dài. Đây là mục tiêu hướng tới trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của đất nước, kể cả vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia như ĐBSCL.
Xúc tiến ngay kế hoạch hành động
Theo các chuyên gia, vấn đề tăng trưởng xanh là phải tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người với điều kiện thụ hưởng hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển.
Muốn vậy, tăng trưởng phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường.
Đặc biệt là hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng nặng nề đối với nhiều khu vực của đất nước, kể cả ĐBSCL.
Theo TS Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ KH&ĐT, phân tích: Không có sự lựa chọn nào khác ngoài tăng trưởng xanh, song cũng đầy thách thức. Thực tế là các nước, trong đó có Việt Nam vốn đã quen kiểu kinh doanh như thông lệ là “tăng trưởng trước, dọn sạch sau” nên rất tốn kém và có thể là quá muộn để sửa sai.
Khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đất, nước, khoáng sản ngày càng nghiêm trọng. Do đó, chúng ta phải có kế hoạch hành động ngay bây giờ, trong đó, cần xem vấn đề môi trường là một loại vốn, nguyên liệu đầu vào đóng góp cho tăng trưởng lâu dài.
Tận dụng nguồn lực sẵn có
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất: Có hai cách để hướng đến tiêu dùng xanh và định hướng sản xuất xanh cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thứ nhất, đầu tư cho đổi mới công nghệ; thứ hai, tái sử dụng và tái chế chất thải. Riêng giải pháp tái sử dụng và tái chế chất thải để tăng nguồn tài nguyên cho nền kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nước ta hoàn toàn có thể làm được. Trước mắt là thay đổi ý thức của người dân, rồi mới tính đến cơ chế chính sách và phải bắt đầu từ nông nghiệp.
Các chuyên gia về kinh tế chỉ ra rằng, phát triển xanh còn phải dựa trên cơ sở nội lực đất canh tác, những sản phẩm có thế mạnh, truyền thống có lợi thế về tự nhiên. Nhất là ĐBSCL có sản phẩm chủ lực là lúa gạo. PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ, đề nghị: Việc phát triển xanh ĐBSCL cần tiếp cận liên kết vùng và tham gia “4 nhà” nhằm tạo thương hiệu, nâng cao giá trị lúa - gạo.
Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phân khúc thị trường cho sản phẩm lúa gạo theo lợi thế tiểu vùng sinh thái và địa phương gắn với việc ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp giảm khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho đồng ruộng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thực hiện kế hoạch hành động đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên các chương trình, dự án phát triển giống cây, con năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi khí hậu.
Đồng thời, hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kể cả việc phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh trong tương lai, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu theo hướng đổi mới các khâu giống, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới nên các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đang gấp rút xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho nền kinh tế xanh và bền vững trong tương lai là hết sức cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ