Hướng đến sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao
Diện tích trồng hoa khoảng 11 ha, doanh thu trồng hoa đạt gần 5 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoa trồng chậu đạt khoảng 3,6 tỷ đồng. Diện tích trồng rau, hoa trên địa bàn tập trung chủ yếu ở các phường Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lương, Đông Lễ.
Kết quả sản xuất trong những năm qua cho thấy, phát triển rau, hoa là một hướng đi đúng, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp ven đô, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất rau, hoa ở thành phố Đông Hà vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, phương thức và công cụ sản xuất chậm được cải tiến, khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất còn hạn chế, thiếu đồng bộ; việc ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, do đó chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường nông sản.
Hiện nay, sản lượng rau sản xuất trên địa bàn đáp ứng khoảng 25% nhu cầu rau xanh của người dân đô thị; hoa các loại trồng khoảng 9,4 ha, trong đó hoa trồng chậu khoảng 20.000 - 22.000 chậu đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người tiêu dùng. Các loại hoa cao cấp phần lớn đều phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Mặt khác, dân số ngày càng tăng, nhu cầu về nông sản ngày càng lớn, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng rau quả và hoa, trong khi đó quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá.
Đây chính là thách thức lớn đối với người trồng rau, hoa trên địa bàn, do đó việc ứng dụng tiến bộ KHCN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, hướng tới phát triển nền nông nghiệp đô thị bền vững và có hiệu quả cao.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, thành phố Đông Hà đề ra mục tiêu có khoảng 25 ha canh tác rau, hoa ứng dụng các tiến bộ KHCN và công nghệ cao vào sản xuất. Xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để tổ chức sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu có trên 50% diện tích sản xuất rau an toàn tại các hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP.
Từng bước xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn được kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đảm bảo tất cả sản phẩm rau VietGAP có thị trường tiêu thụ ổn định. Tập trung phát triển và nhân rộng mô hình trồng hoa cao cấp như hoa lan mokara cắt cành, hoa lyly, hoa cúc, hoa hồng, cẩm chướng... trong nhà lưới. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất rau đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, hoa đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của đội ngũ quản lý, kỹ thuật và người dân nhằm từng bước đẩy mạnh sản xuất rau, hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Rà soát lại quy hoạch các vùng sản xuất rau, hoa trên địa bàn, chọn địa điểm phù hợp và xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất rau, hoa theo hướng ứng dụng các tiến bộ KHCN và công nghệ cao.
Nghiên cứu, lựa chọn đối tượng cây trồng, công nghệ áp dụng, quy mô và khả năng đầu tư, đầu ra của sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng của thành phố. Tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân và nâng cao năng lực của người dân trong việc ứng dụng các chế phẩm của công nghệ vi sinh vật vào sản xuất. Xây dựng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh, trồng rau trên giá thể, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch...
Phát triển sản xuất hoa chất lượng cao trên địa bàn thành phố; nhân rộng các mô hình, giống hoa mới, hoa chậu trong nhà vườn có giá trị kinh tế cao với điều kiện thành phố như hoa lan, hồng, cẩm chướng... Hỗ trợ để phát triển kỹ thuật sơ chế, bảo quản hoa, hỗ trợ thông tin và kỹ thuật cho các diện tích sản xuất hoa giá trị kinh tế cao thông qua các hoạt động tham quan, học tập tại các vùng sản xuất hoa tiên tiến trong nước. Hỗ trợ công tác tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu liên kết tiêu thụ.
Bên cạnh đó sẽ thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qua việc tiến hành chọn hộ và thành lập các tổ hợp tác trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các hợp tác hiện có. Xây dựng chính sách ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất rau, hoa công nghệ cao.
Tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường rau, hoa, xác định nhu cầu về chủng loại, giống của người sản xuất và tiêu thụ; xây dựng hệ thống sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, các chợ kinh doanh rau, hoa trong và ngoài thành phố để cung cấp và nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường cũng như nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Huy động các nguồn vốn để tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các công trình hạ tầng cơ sở về thủy lợi, giao thông, điện cho các vùng quy hoạch sản xuất rau, hoa...
Hướng đến sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đông Hà là yêu cầu tất yếu, cơ sở quan trọng để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái, bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp đô thị.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ