Mô hình kinh tế Hướng Đi Mới Trong Phát Triển Gia Trại Ở Quỳnh Phụ (Thái Bình)

Hướng Đi Mới Trong Phát Triển Gia Trại Ở Quỳnh Phụ (Thái Bình)

Ngày đăng 24/09/2014

Hướng Đi Mới Trong Phát Triển Gia Trại Ở Quỳnh Phụ (Thái Bình)

Thỏ là vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công sức, vốn ít, có thể tận dụng thức ăn ngay tại địa phương, nhu cầu thị trường rất lớn, đang là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của nhiều hộ nông dân ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, nhiều địa phương trong huyện Quỳnh Phụ đã phát triển mô hình gia trại chăn nuôi thỏ thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia trại của ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn An Phú, xã Quỳnh Hải).

Ông Ngọc cho biết: Năm 2003, sau khi hết hợp đồng lao động từ Libya về nước, với số vốn 100 triệu đồng, tôi quyết định xây dựng gia trại phát triển kinh tế gia đình. Khởi đầu từ làm máy xay xát thóc gạo, tận dụng cám thừa để nuôi lợn, nuôi vịt đẻ và ấp trứng vịt, mặc dù vất vả nhưng thu nhập không cao.

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm về các con vật nuôi qua sách, báo, truyền hình, tham quan, học hỏi từ những mô hình đi trước, nhận thấy thỏ dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công sức, vốn ít, có thể tận dụng nguồn thức ăn ngay tại quê nhà vốn trồng nhiều rau, củ quanh năm, tôi sang Trại giống thỏ New Zealand Việt Nhật Ninh Bình mua 40 con thỏ đẻ về nuôi.

Những ngày đầu mới nuôi, do chưa nắm chắc kỹ thuật nên gặp không ít khó khăn, nhất là bệnh đường ruột đối với thỏ con. Sau một thời gian không ngừng học hỏi kinh nghiệm, đến nay ông Ngọc đã nắm chắc kỹ thuật nuôi thỏ, làm giàu bền vững từ vật nuôi thân thiện này. Thỏ New Zealand có đặc điểm lông dày màu trắng tuyền, mắt hồng, khối lượng trưởng thành từ 5 - 5,5 kg/con.

Mỗi năm thỏ đẻ từ 5 - 6 lứa, mỗi lứa từ 5 - 6 con. Thỏ thịt thương phẩm nuôi từ lúc tách mẹ đến khi xuất chuồng 3 tháng đạt từ 2,5 - 3kg, mỗi ngày thỏ ăn hết 800 đồng tiền cám, còn lại là rau, bèo, cỏ sẵn có tại gia trại nên chi phí nuôi rất thấp. Giống thỏ này đã thích ứng tốt với điều kiện chăn nuôi gia đình ở trong nước nói chung và Thái Bình nói riêng.

Việc phát triển chăn nuôi thỏ càng thuận lợi khi Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây tổ chức đoàn cán bộ về tận gia trại của ông để tập huấn, phổ biến kỹ thuật, theo dõi thỏ nuôi trong vòng 30 tháng, hỗ trợ tiền mua thỏ giống ban đầu và ký hợp đồng lâu dài tiêu thụ thỏ thương phẩm.

Gia trại của ông có diện tích 10.800m2, ngoài 3 khu chuồng diện tích 350m2 nuôi 140 con thỏ đẻ, 800 con thỏ thịt còn có 2 ao thả cá, khu chuồng nuôi gà và hơn 5.000m2 diện tích vườn trồng cây ăn quả và trồng rau, cỏ làm thức ăn cho thỏ.

Mỗi tháng ông Ngọc xuất chuồng từ 6 - 7 tạ thỏ thương phẩm, tổng thu nhập hơn 45 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trung bình 23 triệu đồng/tháng. Gia trại của ông là địa chỉ quen thuộc của nhiều người muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ. Ông đã giúp đỡ nhiều hộ chăn nuôi xây dựng mô hình chuồng trại, cung cấp thỏ giống, thỏ con.

Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Ngọc, tôi tìm đến thăm gia trại của anh Nguyễn Viết Huy (thôn Tiên Bá, xã Quỳnh Thọ). Với 2 dãy chuồng nuôi có diện tích hơn 250m2, anh Huy nuôi 120 con thỏ đẻ và 600 con thỏ thịt. Anh cho biết: Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, nghề thợ xây ăn lương công nhật không đủ trang trải cho cuộc sống.

Ðược sự giúp đỡ của ông Ngọc về kỹ thuật nuôi thỏ, anh mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua thỏ giống, phát triển đàn thỏ thịt làm thực phẩm. Nhờ thực hiện đúng quy trình nuôi, hàng ngày cung cấp đủ thức ăn cho thỏ và làm tốt các khâu vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh nên thỏ sinh trưởng, phát triển rất nhanh.

Ngoài việc thu mua thỏ từ các hộ chăn nuôi nhỏ, trung bình mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường 3 tạ thỏ thịt hơi, với giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí anh thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng.

Nuôi thỏ theo mô hình gia trại không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn khá an toàn về dịch bệnh. Do vậy, các cấp, các ngành ở Quỳnh Phụ cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nhằm khuyến khích ngày càng có nhiều người dân nuôi thỏ, bảo đảm đầu ra lâu dài để những mô hình này phát triển bền vững.


Ngân Hàng Hỗ Trợ Nông Dân Ngân Hàng Hỗ Trợ Nông Dân Người Góp Công Khôi Phục Giống Gà Tiên Yên Ở Quảng Ninh Người Góp Công Khôi Phục Giống Gà Tiên…