Mô hình kinh tế Hướng Đi Mới Về Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Ở Ninh Phước

Hướng Đi Mới Về Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Ở Ninh Phước

Ngày đăng 29/07/2013

Hướng Đi Mới Về Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Ở Ninh Phước

Với tổng diện tích tự nhiên 34.234 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có 28.183 ha, chiếm 82,3%, huyện Ninh Phước đã xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế. Ngoài các mô hình trồng trọt, chăn nuôi triển khai thực hiện hiệu quả, những năm gần đây, Ninh Phước còn phát triển mô hình kinh tế trang trại với hình thức sản xuất đa dạng.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ninh Phước, toàn huyện hiện có 156 trang trại đang hoạt động, trong đó có 15 trang trại trồng cây hàng năm, 2 trang trại trồng cây lâu năm, 73 trang trại lâm nghiệp, 63 trang trại chăn nuôi và 3 trang trại thuỷ sản. Nhiều trang trại đã mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đạt hiệu quả cao, đặc biệt có 1 trang trại nông-lâm kết hợp chăn nuôi cừu ở xã Phước Thái và 2 trang trại chăn nuôi heo tại xã Phước Vinh đã được Chi cục PTNT tỉnh công nhận đạt tiêu chí mới theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT.

Nhìn tổng quan mô hình kinh tế trang trại, hiệu quả đáng chú ý nhất vẫn là các trang trại hoạt động lĩnh vực chăn nuôi. Theo thống kê, đến nay tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Ninh Phước có gần 60.000 con, bao gồm trên 17.200 con bò, trên 1.200 con trâu, gần 12.000 con dê, trên 16.400 con cừu và khoảng 12.500 con heo.

Gia súc được nuôi hầu hết trên địa bàn các xã, thị trấn, nhưng căn cứ số lượng tập trung đàn của từng loại con, có thể thấy xã Phước Vinh và Phước Thuận nuôi nhiều dê, cừu nhất; các xã Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hải, nuôi nhiều bò, trâu hơn cả và các xã Phước Vinh, Phước Hữu dẫn đầu về nuôi heo, đặc biệt xã Phước Vinh có 2 trại nuôi heo quy mô từ 600-2.000 con/trại. Anh Thiên Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Phước cho biết: “Do đồng cỏ tự nhiên không còn nên chủ yếu các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Thái”.

Thực ra, trừ các trang trại đạt tiêu chí theo quy định, Ninh Phước còn có hàng trăm trang trại gia đình (gia trại) nuôi vỗ béo dê, cừu quy mô 20-40 con/ hộ tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hậu và thị trấn Phước Dân đạt hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy khi nói sự chuyển biến mới về kinh tế trang trại, nhất là lĩnh vực chăn nuôi, mô hình kinh tế gia trại luôn được coi là khâu đột phá sáng tạo của nông dân.

Điều này càng có ý nghĩa hơn nếu biết rằng tiềm năng đất đai của Ninh Phước hầu hết đã được khai thác và sử dụng (87% diện tích đất), riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không còn khả năng mở rộng và có xu thế thu hẹp do phải chuyển đổi đất cho các mục đích phi nông nghiệp. Để khắc phục thực trạng ấy, ngay từ năm 2010, Ninh Phước đã định hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Đây cũng là giai đoạn mà ngành chăn nuôi Ninh Phước gặp nhiều khó khăn, tổng đàn có xu hướng giảm do dịch bệnh, nhưng nhờ chất lượng giống được cải tạo, hình thức chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung đã giúp giá trị sản phẩm vẫn tăng trung bình 19,75%/năm và tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng từ 21,6% lên 24,95%. Kết quả này càng khẳng định vị thế của kinh tế gia trại nói riêng và kinh tế trang trại nói chung của Ninh Phước.

Hiện nay mô hình kinh tế trang trại ở Ninh Phước đã cho thấy mặt tích cực khi khai thác được lợi thế của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên bên cạnh việc thiếu đồng cỏ tự nhiên chăn thả, diện tích trồng cỏ chăn nuôi ở Ninh Phước cũng giảm dần, đơn cử năm 2012 với kế hoạch trồng 500 ha nhưng cả huyện chỉ trồng được 462 ha cỏ, còn trong quý 1 năm nay chỉ trồng mới 13 ha cỏ so với kế hoạch 22 ha. Đây là hạn chế rất lớn không những cho phát triển kinh tế trang trại mà còn cho chăn nuôi đại gia súc. Thấy rõ điều đó, trong Quy hoạch phát triển đến năm 2015, Ninh Phước đã đề ra chỉ tiêu đạt diện tích trồng cỏ 594 ha (cỏ trồng mới 80 ha) và năm 2020 đạt 700 ha (cỏ trồng mới 200 ha). Có đồng cỏ, lĩnh vực chăn nuôi sẽ chuyển dần sang hình thức kinh tế trang trại, chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp để quản lý dịch bệnh và bảo đảm môi trường; đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 24,89% trong năm 2015 và 34,15% vào năm 2020 trong cơ cấu ngành nông nghiệp huyện.

Để tạo ra sự đột phá trong phát triển nông nghiệp nói chung, chăn nuôi trang trại nói riêng, Ninh Phước xác định cần phải đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó dự kiến xây dựng 7 vùng sản xuất cây trồng hàng hoá tập trung và chăn nuôi theo hướng công nghiệp (kinh tế trang trại). Đối với chăn nuôi trang trại, sẽ quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 200 ha, tập trung ở Phước Vinh, Phước Thái, Phước Hữu và Phước Hải. Theo hướng đó, Ninh Phước tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài để sản xuất kinh doanh và miễn giảm thuế trong thời gian xây dựng cơ bản cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại.


Hiệu Quả Mô Hình Trồng Dưa Trên Đất Lúa Hiệu Quả Mô Hình Trồng Dưa Trên Đất… Thực Hiện Hiệu Quả Công Tác Giảm Nghèo Thực Hiện Hiệu Quả Công Tác Giảm Nghèo