Mô hình kinh tế Hướng Hóa chú trọng phát triển cây bời lời đỏ

Hướng Hóa chú trọng phát triển cây bời lời đỏ

Ngày đăng 22/11/2015

Hướng Hóa chú trọng phát triển cây bời lời đỏ

Nhưng từ khi có thương lái hỏi mua vỏ cây bời lời trắng, người dân đã đổ xô vào rừng lột vỏ cây khiến những cây bời lời chỉ còn trơ thân trắng hếu.

Thấy được giá trị của cây bời lời, nhiều người dân bắt đầu nhặt hạt, ươm cây để trồng.

Sau một thời gian trồng tự phát, diện tích cây bời lời trắng trên địa bàn đã tăng lên khá nhanh nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi.

“Cây bời lời trắng có vỏ rất dày lại bám chặt vào thân nên khó lột, đã thế quá trình tái sinh vỏ diễn ra chậm và chất lượng keo thấp nên càng ngày càng không được thị trường ưa chuộng.

Từ khi cây bời lời đỏ xuất hiện đã mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với bời lời trắng vì thế người dân đã chuyển sang nhân rộng mô hình này”, ông Hồ Quốc Trung, Phó phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hướng Hóa cho biết.

Khi cây bời lời đỏ được trồng nhiều ở huyện Hướng Hóa và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao thì các cấp, ngành đã chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích để phát triển kinh tế.

Cây bời lời đỏ tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng và phát triển nhanh.

Theo tính toán, thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây bời lời đỏ mất từ 7 - 8 năm nhưng nhiều vùng chỉ mất 5 - 6 năm đã đạt kích thước như cây trưởng thành ở vùng khác.

Cây bời lời hiếm khi gặp sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, đầu tư chi phí ở mức trung bình so với nhiều loại cây trồng khác nhưng hiệu quả mang lại rất cao.

Trung bình 1 ha bời lời đang độ tuổi thu hoạch có thể đem lại thu nhập cho người dân từ 60 - 80 triệu đồng/năm.

Chu kỳ khai thác của cây bời lời đỏ khoảng 25 - 35 năm nếu khai thác hợp lý.

Cây bời lời cho thu hoạch hầu như toàn diện bởi thương lái sẽ sẵn sàng thu mua từ vỏ cây, lá, hạt và đến khi không thể khai thác được nữa thì được đốn để bán gỗ với giá từ 400.000 - 450.000 đồng/1m3 gỗ.

So với cây bời lời trắng thì cây bời lời đỏ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt hơn, chất lượng vỏ cao gấp từ 2 - 3 lần lại dễ thu hoạch và tái sinh vỏ nhanh chóng.

“Đến nay, diện tích cây bời lời đỏ trên địa bàn toàn huyện đạt gần 2.000 ha, loại cây này đã và đang cho thấy hiệu quả hơn so với các giống cây trồng khác.

Người dân nay đã biết kỹ thuật ươm giống cây nên đã chủ động được nguồn giống có chất lượng.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh, huyện đã giúp người dân an tâm hơn trong quá trình sản xuất và mang lại hiệu quả rõ nét.

Việc phát triển trồng cây bời lời đỏ trong thời gian tới hứa hẹn là một loại cây giúp cho huyện Hướng Hóa thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững”, ông Hồ Quốc Trung cho biết thêm.

Trong năm qua, từ nguồn vốn giảm nghèo của chương trình 135, huyện Hướng Hóa đã tiến hành cung cấp giống cho người dân trồng mới 250 ha; chương trình BCC trồng 50 ha; nguồn vốn sự nghiệp của Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hướng Hóa trồng 20 ha và 30 ha do người dân tự mua giống về trồng.

Số diện tích cây bời lời đỏ được trồng mới chủ yếu tập trung tại các xã khó khăn như: Hướng Tân, Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, A Dơi, Pa Tầng, A Xing, Xi…

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hướng Hóa kết hợp với Trung tâm dạy nghề, Trạm khuyến nông-khuyến ngư huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và khai thác, ươm và chọn giống cây bời lời đỏ cho đông đảo người dân trên địa bàn.

Từ đó, người dân nắm vững hơn kỹ thuật ươm giống để mở vườn ươm, chủ động nguồn giống tránh đưa vào trồng các giống ngoại lai kém chất lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cải thiện đời sống kinh tế.

Hiện nay, việc phát triển cây bời lời còn được nhiều địa phương trong huyện kết hợp trồng xen canh các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả cao như: dứa, sắn, ngô, chuối...

đã tận dụng được quỹ đất và làm tăng hiệu quả sản xuất.

Việc khai thác bền vững từ nhiều loại cây trên cùng một diện tích đất không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần không nhỏ trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn cũng như cải tạo đất đai.

Tại xã Hướng Tân, tổng diện tích cây bời lời đỏ khoảng 50 ha, trong đó có 25 ha đã đưa vào khai thác.

Năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất giảm nghèo bền vững của các cấp, nhiều hộ dân đưa vào trồng mới thêm khoảng 10 ha ở các thôn Ruộng, Trằm.

Qua 2 năm, cây bời lời đã phát triển xanh tốt, tỷ lệ sống bình quân đạt 95%, chiều cao cây đã gần 1m, đường kính gốc trung bình 3,5cm, đường kính tán lá trung bình gần 1m.

Với tình hình phát triển như thế này thì khoảng 3 - 4 năm nữa, cây sẽ cho thu hoạch.

Bà Lê Thị Hội, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân cho biết: “Người dân ở đây rất phấn khởi khi được các cấp quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng miễn phí 25.000 cây giống bời lời đỏ.

Mặc dù mới phát triển mô hình nhưng bước đầu đã hứa hẹn cho hiệu quả cao.

Rồi đây, nhiều người dân trong xã sẽ thoát nghèo bền vững nhờ cây chủ lực này”.

Bây giờ, ở các xã như A Xing, A Dơi, Hướng Việt, Hướng Lập, số hộ sở hữu diện tích bời lời đang độ tuổi thu hoạch từ 5 - 7 ha rất nhiều.

Các hộ dân này đã sớm thoát nghèo để vươn lên làm giàu với thu nhập từ 300 - 400 triệu/năm.

Điển hình có nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ việc trồng và ươm cây bời lời.

Trồng cây bời lời đỏ đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp, công ty nào đứng ra thu mua các sản phẩm từ bời lời.

Người dân bán các sản phẩm từ bời lời thông qua thương lái nhỏ lẻ để cung ứng cho các cơ sở làm nhang, sản xuất keo nên giá cả không ổn định.

Thiết nghĩ, để tiếp tục duy trì, phát triển cây bời lời đỏ trên địa bàn huyện Hướng Hóa nói riêng, toàn tỉnh nói chung một cách bền vững, hiệu quả thì các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần chú trọng hơn nữa những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, giải quyết đầu ra để người dân yên tâm sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.


Cà phê mất mùa, mất giá Cà phê mất mùa, mất giá Năng suất, chất lượng là yếu tố quyết định Năng suất, chất lượng là yếu tố quyết…