Mô hình kinh tế Huy động sức dân đúng mức để xây dựng nông thôn mới bền vững

Huy động sức dân đúng mức để xây dựng nông thôn mới bền vững

Ngày đăng 15/11/2015

Huy động sức dân đúng mức để xây dựng nông thôn mới bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số địa phương do “áp lực” hoàn thành các tiêu chí đã huy động đóng góp của người dân trên mức thu nhập (nhất là đối với hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách); nhiều xã đạt chuẩn NTM đang nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).

Nợ xây dựng cơ bản

“Bình quân 1 xã phải có ít nhất 200 tỷ đồng mới “xong” được phần hạ tầng điện - đường - trường - trạm - kênh mương thủy lợi.

Không nợ, không về đích NTM được, hay nói cách khác, muốn về đích NTM thì phải nợ” - đó là lời “nói thẳng” của hầu hết những vị lãnh đạo trong nhóm các xã đã về đích trong 3 năm.

Điều đáng nói, để giải quyết “gánh nợ” này, hầu hết các địa phương chỉ trông chờ vào tiền cấp, đấu giá đất.

Thạch Bằng là xã nằm trong nhóm trung bình khá của huyện Lộc Hà nhưng điểm xuất phát vẫn còn thấp, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng.

Tại thời điểm năm 2012, địa phương mới hoàn thành 5 tiêu chí, trong đó, chưa có tiêu chí nào về hạ tầng được hoàn thành.

Để về đích NTM theo kế hoạch, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Thạch Bằng đã dốc sức, toàn tâm, toàn lực và hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2014.

Tuy nhiên, niềm vui về đích chưa trọn vẹn khi đến nay, địa phương đang phải “gánh” khoản nợ XDCB trên 20 tỷ đồng.

Để hoàn thành tiêu chí hạ tầng, đạt chuẩn nông thôn mới, xã Thạch Tân (Thạch Hà) vẫn đang nợ hơn 9 tỷ đồng xây dựng hạ tầng.

“Thu từ hoạt động TM-DV của địa phương rất thấp, chưa đủ bù chi.

Mọi khoản trả nợ chỉ chờ vào bán đất” - Chủ tịch UBND xã Phan Đình Cương bộc bạch.

Theo ông Cương, việc bán đất đối với địa phương là rất khó khăn và nếu bán được thì sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng, trả phần trăm cho tỉnh, phần còn lại của xã cũng không được bao nhiêu.

Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) là địa phương có nhiều thuận lợi nhất so với các xã đã về đích NTM trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, đến nay, sau 2 năm về đích NTM, địa phương vẫn đang “treo” 22 tỷ đồng nợ XDCB.

“Trong xây dựng NTM, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, mặc dù địa phương đã được thành phố hỗ trợ, đầu tư đến 50% nhưng vẫn phải nợ” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sông Hàn cho biết.

Theo ông Hàn, xã đã có phương án trả nợ đó là tiền thu ngân sách và chủ yếu là tiền đất, nhưng thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng, việc bán đất gặp nhiều khó khăn.

Hiện đang trông chờ vào cấp, đấu giá 90 suất đất, nếu thành công thì cũng chỉ trả được một nửa.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, nợ đọng XDCB đối với các công trình, dự án thuộc chương trình NTM tại các xã đã đạt chuẩn là trên 150 tỷ đồng.

Trong số này, có đến 6 xã nợ trên 10 tỷ đồng.

Gia Phố (Hương Khê) - xã điểm của T.Ư nhận được nguồn đầu tư của T.Ư, tỉnh, huyện khá lớn nhưng vẫn còn nợ hơn 500 triệu đồng.

Huy động nguồn lực trên mức thu nhập

Việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình hạ tầng trong NTM đã được các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở thực hiện cơ bản dân chủ, công khai, đúng quy trình và quyết toán theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số thôn xóm, xã chưa căn cứ vào thu nhập, khả năng đóng góp của người dân, thậm chí, trở thành “gánh nặng” đối với người dân.

Huy động ngày công còn ít, chủ yếu thuê bên ngoài.

Có nơi huy động ngày công nhưng nếu không tham gia được thì phải nộp tiền mặt cao làm người dân bức xúc.

Phần lớn nguồn huy động đóng góp của người dân được đầu tư vào các công trình hạ tầng như: nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi.

Ông Bùi Nhân Sâm – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: Trong xây dựng NTM, cần thiết phải huy động đóng góp của người dân và xây dựng NTM là do người dân làm chủ thể.

Đối tượng huy động phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, qua giám sát của MTTQ cho thấy, vẫn còn một số địa phương xẩy ra tình trạng thu sai đối với những đối tượng được miễn giảm theo quy định (gia đình chính sách, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn) như ở thôn Đông Nam, Văn Minh - Thường Nga, khu dân cư Thanh Đồng - Thanh Lộc; khu dân cư Đình Hồ, Quang Trung 2 - Cẩm Lạc...

Ngoài các khoản thu để xây dựng NTM, một số địa phương còn thu thêm ngoài quy định như: quỹ điều hành hoạt động thôn xóm, thu làm đường giao thông đối với các phương tiện sản xuất...

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân tại một số địa phương chưa được thực hiện đúng quy trình tổ chức họp dân, lấy ý kiến biểu quyết của nhân dân về các công trình, phần việc cần làm, mức huy động.

Có những thôn xóm, khu dân cư, chỉ 30% dân đi họp bàn và quyết định, nhưng thôn xóm vẫn tổ chức triển khai.

Những tồn tại, vướng mắc trên không chỉ riêng Hà Tĩnh mà phổ biến tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng BCĐ Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã chỉ đạo các các tỉnh, thành phố trong huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đóng góp thực hiện chương trình phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, địa phương và khả năng nguồn lực;

Không thực hiện xây dựng khi không có nguồn kinh phí đảm bảo, không để nợ đọng XDCB.

Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ; được sự đồng tình và nhất trí của người dân.

Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động những hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Để hạn chế những sai sót, tồn tại, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có Quyết định số 71 về việc thành lập đoàn công tác dân vận - mặt trận và các tổ chức đoàn thể tham gia xây dựng NTM.

Đoàn công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tham gia xây dựng NTM của khối dân vận, MTTQ và các tổ chức đoàn thể; đặc biệt, tổ chức chuyên đề tập huấn, hướng dẫn cụ thể các nội dung, phương pháp huy động nguồn lực cho cán bộ cấp huyện, xã đến tận thôn, xóm, khu dân cư.

Phó chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh: Người dân là chủ thể trong xây dựng NTM và đây cũng chính là sự bền vững của NTM.

Muốn thành công phải có nguồn lực.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước phải có nguồn lực của toàn xã hội (doanh nghiệp, vốn tín dụng và nhân dân đóng góp tự nguyện).

Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia NTM chỉ đạo các địa phương:

Trong quá trình vận động nhân dân đóng góp, cần tuân thủ nguyên tắc: tự nguyện, dân chủ, công khai, minh bạch và đặc biệt không huy động đối với hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Bà Trần Thị Lài (thôn Tiến Bộ, xã Thạch Tân, Thạch Hà): Về cơ bản, nhân dân chúng tôi đồng thuận cao trong việc đóng góp xây dựng NTM.

Vì suy cho cùng, những công trình hạ tầng này chúng tôi là người hưởng lợi trực tiếp đầu tiên và nhiều nhất.

Tuy nhiên, trong đóng góp, cần phải chia thành nhiều đợt, nhiều năm, không huy động dồn dập.

Ngoài ra, việc đóng nộp xây dựng các công trình phải thực sự để cho “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.


10 thành tựu nổi bật của nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm qua 10 thành tựu nổi bật của nông nghiệp,… Hiệu quả Hợp tác xã dịch vụ - xây dựng chợ Long Mỹ Hiệu quả Hợp tác xã dịch vụ -…