Mô hình kinh tế Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) phát triển chăn nuôi gà, dê hàng hóa

Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) phát triển chăn nuôi gà, dê hàng hóa

Ngày đăng 05/05/2015

Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) phát triển chăn nuôi gà, dê hàng hóa

Theo thống kê hết năm 2014, tổng đàn trâu, bò có số đầu con ổn định, đàn lợn, dê, gia cầm của huyện tăng cao so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể có gần 48.000 con lợn (tăng 10%), 485.000 con gia cầm (tăng 13%), khoảng 7.000 con dê (tăng 22,3%).

Như nhiều hộ chăn nuôi ở các xã Phú Thành, Phú Lão, Đồng Tâm, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Đồng Nhất, xã Đồng Tâm tận dụng tiềm năng đất đồi rừng xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại. Cách đây ít năm, ông mua gần 7 ha đồi rừng của các hộ xung quanh để đầu tư nuôi gà với quy mô lớn. Tập trung vốn cùng nhiều công sức bỏ ra, ông hiện duy trì phương thức nuôi gà đồi với tổng đàn trên, dưới 4.000 con /lứa. Nhờ chú trọng các khâu lựa chọn con giống, nguồn thức ăn tự nhiên là chủ yếu nên chất lượng gà, trứng gà sản xuất được thị trường đánh giá cao, đầu ra ổn định cung cấp cho khách hàng trong khu vực và các vùng lân cận. Trừ chi phí, mỗi năm, hộ ông Minh cho thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình gà thả đồi.

Mặt khác, với diện tích núi đá toàn huyện trên 10.000 ha tại các xã Đồng Tâm, An Bình, nuôi dê là một trong những nghề bỏ vốn ít, hiệu quả cao đối với bà con, nhất là ở vùng nghèo, xã nghèo. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, các hộ cho dê ăn thêm một số thức ăn tinh tại chuồng nuôi như ngô, sắn. Theo ông Ngọ Đình Tâm, Phó phòng NN & PTNT huyện, dê là một trong những con thế mạnh của địa phương được khuyến khích phát triển và nhân rộng trong những năm gần đây. Với chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao, dê Lạc Thủy đã được trong, ngoài vùng biết đến, sức mua cao nên không lo dư thừa đầu ra sản phẩm.

Đến nay, Lạc Thủy vẫn là địa phương dẫn đầu về sản lượng chăn nuôi gà, dê của tỉnh. Đây cũng là vùng chăn nuôi có số trang trại, gia trại chăn nuôi nhiều nhất với 8 trang trại được chứng nhận đạt tiêu chí theo Thông tư mới của Bộ NN & PTNT; 180 gia trại trong dân, chủ yếu là trang trại, gia trại dê, gà và lợn. Để sản phẩm dê, gà Lạc Thủy tiếp cận nhiều hơn với các thị trường lớn, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, huyện đã và đang triển khai, áp dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển chăn nuôi. Bình quân mỗi năm có 5 - 6 mô hình kinh tế trang trại được xây dựng và thực hiện, các hình thức tập huấn, chuyển giao KH -KT, thăm quan, học tập kinh nghiệm được quan tâm. Lĩnh vực chăn nuôi được ưu tiên về chính sách hỗ trợ. Cụ thể thông qua tổ chức Hội Nông dân đã cho hàng trăm hộ nghèo vay vốn lựa chọn nuôi dê phát triển kinh tế. Các ngân hàng cũng có nhiều ưu đãi về vốn cho các hộ có nhu cầu đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, dự án của Bộ Khoa học - Công nghệ nhằm duy trì, tạo nguồn gen gà quý đã được thực hiện ở địa phương. Bên cạnh đó có nhiều cuộc hội thảo khoa học diễn ra như hội thảo giới thiệu “Gà Lạc Thủy và nhu cầu phát triển” mới được tổ chức với mục đích phục tráng, phát triển giống gà bản địa; các chương trình khuyến nông mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi dê, gà. Trong các năm 2013 - 2014, huyện đã phối hợp nhân rộng mô hình nuôi gà đồi nhằm xúc tiến xây dựng thương hiệu gà đồi Hòa Bình với sự hỗ trợ của Viện Chăn nuôi, Chi cục Thú y và các doanh nghiệp sản xuất con giống trên địa bàn.


Bản Xen khởi động Dự án nuôi cá trắm thâm canh Bản Xen khởi động Dự án nuôi cá… Giá heo trong dịp lễ giảm 2 ngàn đồng/kg Giá heo trong dịp lễ giảm 2 ngàn…