Huyện NTM đầu tiên của Tây Nguyên
Tại lễ công bố huyện NTM được tổ chức tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Đương mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM - đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Đơn Dương là huyện NTM đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân huyện Đơn Dương.
Huy động hơn 4.300 tỷ đồng
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phát biểu ghi nhận những thành quả mà huyện Đơn Dương và tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong xây dựng NTM những năm qua; đồng thời yêu cầu địa phương tiếp tục chỉ đạo toàn diện để nâng cao chất lượng về NTM của Đơn Dương nói riêng và Lâm Đồng nói chung để không ngừng nâng cao đời sống người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết, tháng 5/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định chọn Đơn Dương làm huyện điểm để xây dựng NTM cấp huyện.
Xuất phát điểm, Đơn Dương là huyện còn nhiều khó khăn (có 3 xã thuộc diện khó khăn), tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm khá cao (30%), nên việc xây dựng NTM chắc chắn sẽ gặp không ít trở ngại.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn quyết định chọn Đơn Dương làm huyện điểm là bởi, đây là địa phương có lợi thế tiềm năng mà không phải huyện nào trong tỉnh cũng có được:
Hội đủ điều kiện để triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao (đặc biệt là đối với hai loại cây trồng rau và hoa) và là huyện có khả năng mở rộng ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp đối với đàn bò sữa.
Trong 5 năm qua, từ một huyện hầu như chưa phát triển được ngành rau hoa, Đơn Dương đã dần chuyển những diện tích đất nông nghiệp trồng các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng rau, hoa; trong đó phần lớn là diện tích trồng rau hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và trở thành vùng rau hoa trọng điểm của tỉn Lâm Đồng (cùng với Đà Lạt).
Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số hơn 8.000ha đất canh tác nông nghiệp của toàn huyện thì diện tích trồng rau hoa chiếm đến hơn 6.000ha và trong hơn 6.000ha này, diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm đến hơn 70%.
Cùng đó, về đàn bò sữa của huyện, với chính sách khuyến khích hộ nông dân vay vốn để phát triển chăn nuôi gia đình quy mô vừa và lớn, đàn bò sữa của Đơn Dương từ hơn 4.400 con năm 2010 đã tăng lên 10.567 con hiện nay - đưa Đơn Dương trở thành huyện đứng đầu tỉnh Lâm Đồng về chăn nuôi bò sữa, trở thành một trong những trung tâm bò sữa lớn của cả nước; đồng thời, 7 trạm thu mua của các hãng sữa lớn cũng đã được lập tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Cũng tại buổi lễ nói trên, 10 Bí thư Huyện ủy của 10 huyện đang xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng đã ký vào văn bản giao ước thi đua xây dựng NTM với quyết tâm cao:
Đưa Lâm Đồng hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2020, góp phần cùng các tỉnh khác thực hiện thắng lợi mục tiêu là đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM.
Theo UBND huyện Đơn Dương, trong 5 năm qua, huyện đã huy động một nguồn vốn rất đáng kể để xây dựng NTM: 4.311 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 358 tỷ đồng, vốn tín dụng 3.851 tỷ đồng, dân đóng góp 73 tỷ đồng...
Giữ vững chất lượng
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, từ những bài học kinh nghiệm về tái cơ cấu gắn với mô hình đổi mới và đẩy mạnh xây dựng NTM, địa phương cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực và các giải pháp để triển khai phát triển KT-XH nói chung và đặc biệt là việc củng cố NTM nói riêng;
Phải làm cho người dân chủ động tham gia vào công cuộc xây dựng NTM và thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng NTM.
Cũng tại buổi lễ, trong phát biểu phát động phong trào thi đua xây dựng NTM ở phạm vi toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cũng đã nêu bật được những con số đáng ghi nhận của Đơn Dương trong xây dựng NTM những năm qua một cách cụ thể: Trong 8 xã của toàn huyện thì tính đến lúc này, Đơn Dương đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí; riêng với xã Pró - xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn 2 tiêu chí chưa đạt được sẽ phấn đấu đạt được vào cuối năm 2016.
Cùng đó, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Đơn Dương trong năm 2014 vừa qua cũng đã được ghi nhận ở mức 48 triệu đồng - tăng 2,8 lần so với năm 2010;
Đồng thời, giá trị SX trên một đơn vị diện tích đã đạt đến 150 triệu đồng/ha/năm (diện tích rau hoa công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm) - cao hơn 10 triệu đồng so với mức bình quân chung của tỉnh Lâm Đồng và hơn gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đơn Dương chỉ còn dưới 1,3%; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn 3%.
“Kết quả trong xây dựng NTM của Đơn Dương đã và sẽ có những tác động nhất định đến việc xây dựng NTM ở phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng.
Bởi vậy, việc củng cố chất lượng NTM của Đơn Dương trong thời gian tới đây là điều hết sức cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng NTM của tỉnh”, ông Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, phấn đấu đến cuối năm 2015 này, Lâm Đồng sẽ có 43 xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM - bằng 37% tổng số xã của tỉnh đang xây dựng NTM; và đến năm 2020, Lâm Đồng đạt tỉnh chuẩn về NTM cấp tỉnh
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ