Tin thủy sản Indonesia muốn trở thành nước sản xuất tôm dẫn đầu thế giới

Indonesia muốn trở thành nước sản xuất tôm dẫn đầu thế giới

Tác giả Hữu Chiến (P/V TTXVN Tại Jakarta), ngày đăng 23/06/2021

Indonesia muốn trở thành nước sản xuất tôm dẫn đầu thế giới

Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) Sakti Wahyu Trenggono tuyên bố Indonesia có thể trở thành nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới với sự hỗ trợ của chính phủ.

Trong một tuyên bố ngày 14/6, Bộ trưởng Trenggono cho biết trong giai đoạn 2015-2019, tôm chiếm vị trí thứ hai về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu, sau cá hồi. Riêng sản lượng tôm của Indonesia đã đóng góp tới 6,9% vào nguồn cung toàn cầu trong giai đoạn 2015-2020.

Năm 2019, “quốc gia vạn đảo” này chiếm tới 7,1% thị phần và là nước xuất khẩu tôm lớn thứ năm thế giới sau Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ trưởng Trenggono nhấn mạnh: “Chúng ta phải khai thác tiềm năng thị trường toàn cầu do mang lại giá trị cao cho sản phẩm tôm của Indonesia", đồng thời khẳng định rằng KKP hoàn toàn ủng hộ các chương trình quốc gia nhằm tăng cường nuôi tròng và xuất khẩu tôm.

Ông Trenggono cho biết KKP đã chuẩn bị một số chương trình nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tôm, trong đó có việc hồi sinh các ao nuôi thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, KKP cũng phát triển các mô hình nuôi tôm tích hợp bằng cách áp dụng các quy trình sản xuất dựa trên công nghệ và cách tiếp cận thân thiện với môi trường nhằm duy trì canh tác bền vững.

Trước đó hồi tháng Một, Bộ trưởng KKP cũng đặt mục tiêu đưa Indonesia trở thành nhà sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới bằng cách tăng sản lượng từ mức dưới một triệu tấn/năm hiện nay lên mức 1,6 triệu tấn/năm.

Để đạt được mục tiêu tham vọng này, Indonesia sẽ bắt đầu phát triển các ao nuôi tôm mới với tổng diện tích 200.000 ha từ nay đến năm 2024.

Hiện sản lượng tôm thẻ chân trắng của Indonesia chưa tới một triệu tấn/năm, thấp hơn Trung Quốc, Ecuador, Việt Nam và Ấn Độ.

Theo ông Trenggono, mục tiêu phát triển 200.000 ha ao nuôi tôm không chỉ nhằm đưa Indonesia trở thành nhà sản xuất tôm hàng đầu trên toàn thế giới mà còn nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc để bảo vệ tài nguyên biển quốc gia.

Tiếp đó vào ngày 7/3, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và Nguồn nhân lực thuộc KKP Sjarief Widjaja cho biết Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu kiểm soát 50% thị trường tôm hùm toàn cầu vào năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ sẽ khuyến khích phát triển sản xuất tôm hùm trong nước.

Theo ông Sjarief Widjaja, việc phát triển sản xuất tôm hùm bắt đầu với lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm giống.

Nỗ lực này có thể thúc đẩy sản lượng tôm hùm trong nước lên 22.000 tấn vào năm 2024, qua đó có thể kiểm soát 40-50% thị trường tôm hùm toàn cầu.


EU giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong quý 1/2021 EU giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp… Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản mùa nắng nóng Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản…