Mô hình kinh tế Kế Hoạch Trồng Rừng - Có Thành Hiện Thực?

Kế Hoạch Trồng Rừng - Có Thành Hiện Thực?

Ngày đăng 04/12/2014

Kế Hoạch Trồng Rừng - Có Thành Hiện Thực?

Giai đoạn từ 2016-2020, tỉnh ta phấn đấu nâng giá trị gia tăng lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp lên 700 tỷ đồng, chiếm 10% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Diện tích trồng rừng tập trung phấn đấu đạt 16 nghìn ha, trong đó có 14 nghìn ha rừng sản xuất, 2 nghìn ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mới có thể thành hiện thực, bởi từ năm 2011 đến nay kế hoạch trồng rừng luôn đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong số các chỉ tiêu, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, chỉ tiêu trồng rừng kinh tế và rừng phòng hộ kết quả đạt được rất thấp.

Nhìn lại việc trồng rừng từ năm 2011 đến nay cho thấy, toàn tỉnh mới chỉ trồng được hơn 18,2 nghìn ha rừng kinh tế/55 nghìn ha kế hoạch, đạt 33% Nghị quyết. Đối với chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, cũng chỉ trồng được trên 3,6 nghìn ha/10 nghìn ha kế hoạch, đạt 36,5% Nghị quyết. Kết quả này kéo theo chỉ tiêu độ che phủ rừng đến năm 2015 chỉ được 55%, không đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đưa ra 60%.

Đánh giá việc trồng, bảo vệ rừng, ngành chức năng cho rằng, công tác trồng rừng kinh tế, bảo vệ rừng đầu nguồn thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, từng bước xã hội hóa nghề rừng, đem lại giá trị kinh tế và môi trường sinh thái. Giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm đạt hơn 400 tỷ đồng, chiếm trên 8% giá trị ngành Nông nghiệp.

Hoạt động quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được các cấp, ngành, lực lượng chức năng quan tâm, có nhiều giải pháp hữu hiệu, qua đó phát hiện, xử lý 1.465 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước trên 9,7 tỷ đồng, tịch thu hơn 1.150m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Các diện tích rừng tự nhiên được giao khoán, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ tăng từ 131,6 nghìn ha năm 2011 lên gần 270 nghìn ha năm 2014.

Một số địa phương đã thành lập được tổ bảo vệ rừng do người dân bầu ra, lực lượng này thường xuyên tuần tra, canh gác, ngăn chặn hiệu quả các hành vi phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Hiện tại, việc trồng rừng đã từng bước tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân, rừng kinh tế chiếm trên 80% diện tích rừng trồng mới, chất lượng được cải thiện, năng suất bình quân 55 m3/ha/chu kỳ 7 năm.

Việc trồng rừng kinh tế đã huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều hình thức, ngoài nguồn vốn của T.Ư, một số huyện còn trích ngân sách, vận động người dân trồng được trên 6,2 nghìn ha, có 16 doanh nghiệp trồng được gần 2 nghìn ha.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, cũng phải thừa nhận một khó khăn hiện hữu - kết quả trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ đầu nguồn đạt rất thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên được các địa phương lý giải do khó khăn về nguồn vốn.

Cụ thể, đối với chương trình trồng rừng kinh tế, đến nay nguồn vốn cấp mới đạt trên 104 tỷ đồng/1.281 tỷ đồng, bằng 8,2% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư phát triển của T.Ư trên 96 tỷ đồng, vốn địa phương trên 6 tỷ đồng, các nguồn vốn khác đạt hơn 2 tỷ đồng.

Còn chương trình trồng rừng phòng hộ, cũng không khả quan hơn khi nguồn vốn cấp mới được trên 39,3 tỷ đồng/166,5 tỷ đồng, đạt gần 24% tổng nhu cầu. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư trên 38,7 tỷ đồng, nguồn vốn khác trên 661 triệu đồng. Từ thực tế trên, đến hết năm 2015 diện tích rừng kinh tế cũng chỉ trồng được 19,6 nghìn ha, đạt 36%, còn rừng phòng hộ trồng được 5,8 nghìn ha, đạt trên 58,5% Nghị quyết.

Tại hội nghị sơ kết chương trình trồng rừng kinh tế, bảo vệ phát triển rừng đầu nguồn mới đây, đại diện ngành nông nghiệp khẳng định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xã hội hóa bảo vệ rừng thời gian qua chưa đem lại hiệu quả rõ nét, thiếu tính đồng bộ, còn để xảy ra điểm nóng về chặt phá rừng; chưa gắn kết việc phát triển vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ lâm sản, mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả, nhiều doanh nghiệp xây dựng dự án trồng rừng nhưng không thực hiện; công tác tạo nguồn giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng còn yếu, giống cây trồng chủ yếu được sản xuất từ các hộ dân với quy mô nhỏ, lẻ, chưa được đầu tư công nghệ mới. Mặt khác, hiệu quả kinh tế từ rừng đạt thấp do chu kỳ kinh doanh dài, địa điểm trồng cách xa trung tâm, đường giao thông khó khăn, chịu nhiều rủi ro.

Nguồn vốn hỗ trợ cho việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng chủ yếu từ ngân sách T.Ư, do khó khăn về cân đối ngân sách nên trong 2 năm 2012-2013 không bố trí được kinh phí. Trong khi đó, việc huy động các nguồn vốn khác gặp nhiều khó khăn, thực tế cho thấy ngân sách địa phương chỉ đáp ứng được 2%, doanh nghiệp đạt 1% tổng vốn trồng rừng. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ trồng rừng kinh tế hiện rất thấp, bình quân 3 triệu đồng/ha, chỉ đáp ứng được 10% chi phí, người dân không có vốn đầu tư bổ sung.

Mặc dù kết quả đạt được rất khiêm tốn, nhưng giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta xây dựng mục tiêu nâng giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp đạt 700 tỷ đồng, chiếm 10% giá trị ngành Nông nghiệp. Diện tích trồng rừng tập trung phấn đấu đạt 16 nghìn ha, trong đó có 14 nghìn ha rừng sản xuất, 2 nghìn ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Từ định hướng đó, tỉnh chủ trương tập trung mở rộng diện tích rừng tại các huyện vùng thấp, tận dụng các diện tích đất trống, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, cải tạo vườn đồi tạp, khuyến khích doanh nghiệp thuê đất, liên kết với người dân trồng rừng. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu xác định chủng loại giống cây lâm nghiệp cho năng suất cao, phù hợp điều kiện địa phương; nâng cấp các cơ sở sản xuất giống cây trồng theo hướng tập trung bằng công nghệ mới; xây dựng một số chính sách đặc thù như hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ ngân sách địa phương, ngoài mức hỗ trợ trồng rừng của T.Ư, bổ sung nguồn ngân sách địa phương để người dân có kinh phí đầu tư trồng, chăm sóc rừng.

Đồng thời, huy động và lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình, kế hoạch, dự án theo hướng giảm dần đầu tư Nhà nước, tăng cường các nguồn vốn xã hội hóa lâm nghiệp như dịch vụ môi trường rừng, vốn ODA, sự đóng góp của doanh nghiệp...

Những kết quả trồng rừng giai đoạn qua là bài học quan trọng, giúp ngành chức năng nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan. Trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp thực tế địa phương trong từng thời điểm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, như vậy kế hoạch trồng rừng giai đoạn tới mới có thể thành hiện thực.

Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32684&CatID=150&MN=26


Bắc Giang Có Thêm Xã Cảnh Thụy, Đoan Bái Đạt Nông Thôn Mới Bắc Giang Có Thêm Xã Cảnh Thụy, Đoan… Mưa Lớn, Lúa Bị Đổ Ngã Mưa Lớn, Lúa Bị Đổ Ngã