Tin thủy sản Khắc phục hiện tượng mất màu nước

Khắc phục hiện tượng mất màu nước

Tác giả Nguyễn An, ngày đăng 05/07/2021

Khắc phục hiện tượng mất màu nước

Hiện tượng mất màu nước trong ao nuôi hay còn gọi là mất tảo trong tháng nuôi đầu tiên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm. Vì vậy, cần xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý thích hợp để giảm thiểu thiệt hại.

Đặc điểm

Khi tảo phát triển ổn định, nước ao nuôi sẽ có màu xanh nhạt hoặc vàng nâu. Đây là 2 màu nước thích hợp cho tôm. Nước màu xanh nhạt (đọt chuối non): là do sự phát triển của tảo lục (Chlorophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ nhạt (độ mặn dưới 10‰). Đây cũng là màu nước thích hợp nhất để nuôi tôm. Tảo lục ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, còn có tác dụng ổn định các yếu tố thủy, lý hóa trong ao, hấp thu các chất hữu cơ, thông qua đó làm giảm lượng khí độc trong ao. Nước màu vàng nâu (màu nước trà): là do sự phát triển của tảo silic (Bacillariophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh ở môi trường nước lợ, mặn vào đầu vụ nuôi.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm nước ao tôm bị mất màu, như: do người nuôi sử dụng một số hóa chất làm chết tảo; ao nuôi thiếu muối dinh dưỡng (N, P, K…); gây màu nước vào lúc trời âm u, thời tiết xấu; hàm lượng ôxy trong ao vào buổi tối không đảm bảo, ban ngày thiếu CO2; thay nước làm mật độ tảo giảm…

Cách khắc phục

Ao thiếu tảo thường diễn ra khi nước đục, ao nghèo dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong ao nhiều…Cần sử dụng các biện pháp tổng hợp để trợ lắng và bổ sung dinh dưỡng nhằm gây màu nước cho ao tôm.

Trong trường hợp ao nuôi bị mất màu trong tháng nuôi đầu tiên vì tảo bị thiếu thức ăn, hiện tượng này rất thường gặp ở những ao mới xây dựng, ao nuôi trên nền đáy cát, ao có lót bạt đáy hoặc ao bị nhiễm phèn. Nếu những ao gặp phải trường hợp này, cần bổ sung phân và muối dinh dưỡng cho tảo với liều lượng cao hơn, tùy vào điều kiện dinh dưỡng của từng vùng và từng ao nuôi.

Trường hợp tảo bị chết, hầu hết do người nuôi sử dụng thuốc, hóa chất sát trùng có độ an toàn thấp (Formol, Chlorine, BKC,…) sẽ gây lại tảo rất khó khăn. Khi nước bị mất màu trong tháng nuôi đầu tiên sẽ làm tôm giảm bắt mồi, tôm kéo đàn chạy hoặc bám vào rong, tảo ở đáy ao, dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn. Vì vậy, người nuôi cần cân nhắc khi lựa chọn các loại thuốc xử lý trong quá trình cải tạo ao, cũng như sử dụng đúng liều thuốc, để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo trong ao nuôi.

Biện pháp phòng tổng hợp

Để tránh xảy ra hiện tượng trên, việc gây màu nước được thực hiện đúng quy trình ở đầu vụ nuôi, trước khi thả tôm, khi nước bị mất màu và chủ động gây màu trong ao chứa trước, để cấp cho ao nuôi khi cần thiết.

Trước khi gây màu nước, cần kiểm tra và điều chỉnh các thông số như pH (7,5 – 8,5), độ kiềm (80 – 150 ppm), NH3 (<0,1 mg/l), H2S (<0,03 mg/l).

Sau khi lấy nước vào ao, cần phải khử trùng nguồn nước bằng chlorine để tiêu diệt mầm bệnh cho tôm rồi, mới gây màu bằng cách bón phân, cám gạo, bột đậu nành, mật rỉ đường, sử dụng khoáng hỗn hợp, hoặc tốt nhất là nên sử dụng men vi sinh chuyên dùng cho gây màu nước trong ao tôm.

Định kỳ 5 – 7 ngày bổ sung men vi sinh vào ao nuôi, để thúc đẩy vi khuẩn có lợi phát triển, phân hủy chất hữu cơ dư thừa trong ao, hấp thụ và ngăn chặn sự hình thành khí độc trong ao nuôi, tăng sức đề kháng và kích thích đường ruột tôm to khỏe, tiêu hóa tốt.

Đối với các ao nuôi TTCT thâm canh với mật độ cao, nên có máy thổi khí, để đảm bảo ôxy hòa tan trong nước đủ và bổ sung men vi sinh thường xuyên, nhằm tạo môi trường sống tốt cho tôm.

Trong trường hợp ao khó gây màu do sử dụng hóa chất nhiều, đáy ao có nhiều cát, độ mặn cao, nên sử dụng các sản phẩm gây màu và khoáng tạo màu nước cho ao.

Quản lý cho tôm ăn chặt chẽ, tránh cho ăn thừa để hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước.


Phấn khởi vào vụ tôm càng xanh – lúa tại Cà Mau Phấn khởi vào vụ tôm càng xanh –… Nguyên tắc khi nuôi ghép tôm với các đối tượng khác Nguyên tắc khi nuôi ghép tôm với các…