Mô hình kinh tế Khắc Phục Việc Trồng Thanh Long Trên Đất Lúa

Khắc Phục Việc Trồng Thanh Long Trên Đất Lúa

Ngày đăng 29/11/2013

Khắc Phục Việc Trồng Thanh Long Trên Đất Lúa

Qua tổng hợp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến cuối năm 2012 diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận đạt 19.419 ha; trong 6 tháng đầu năm 2013 nông dân các huyện, thị xã đã trồng mới 717 ha, nâng diện tích thanh long lên 20.136 ha, vượt so với quy hoạch đến năm 2015 là 5.136 ha thanh long.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều năm trước các địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên có nhiều hộ đã phát triển trồng thanh long trên đất lúa. Những năm gần đây khi có chủ trương bảo vệ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực, nhưng do sản xuất thanh long có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa nên người dân tiếp tục trồng thanh long trên đất lúa. Qua kiểm tra tại các huyện, thị cho thấy trong tổng số diện tích thanh long hiện có (20.136 ha) thì có 6.151 ha diện tích đất lúa.

Trong đó thanh long trên đất lúa 2,3 vụ là 3.805 ha; trên đất lúa 1 vụ 2.546 ha. Địa phương có thanh long trồng trên đất lúa nhiều nhất là Hàm Thuận Bắc 3.053 ha; Hàm Thuận Nam 400 ha; Bắc Bình 55,4 ha; Tuy Phong 82,1 ha; Hàm Tân 10,1 ha; Tánh Linh 3,8 ha… Việc phát triển thanh long với tốc độ nhanh, trồng tự phát của nông dân trên đất lúa, không theo quy hoạch đã phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý, điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất lúa.

Trước thực trạng nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp để quản lý chặt chẽ diện tích vùng trồng lúa đã quy hoạch. Thực hiện chỉ đạo trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu điều chỉnh quy hoạch vùng trồng thanh long tập trung đến năm 2015 và đến năm 2020 trên địa bàn Bình Thuận.

Mặt khác, thực hiện bản đồ số hóa đất lúa cấp xã tỷ lệ 1/2.000 đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, dự kiến sẽ thông qua UBND tỉnh trong tháng 12/2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý chặt chẽ đất lúa. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường kiểm soát việc trồng thanh long tự phát trên đất lúa.

Do vậy, từ tháng 7/2013 đến nay ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương bảo vệ đất trồng lúa theo Nghị định 42/2012/ NĐ-CP của Chính phủ. Mặt khác, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân không trồng thanh long trên đất lúa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; tập trung triển khai chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa.

Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động bảo vệ, phát triển đất lúa và quy hoạch của tỉnh về phát triển thanh long ổn định, hiệu quả, bền vững. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ dân sử dụng đất lúa trồng thanh long trái phép, nhất là đất chuyên trồng lúa nước 2 - 3 vụ.

Nhờ vậy, từ tháng 7/2013 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào trồng thanh long trên đất lúa. Bên cạnh đó UBND tỉnh cũng đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Trong đó, đề nghị Chính phủ cho phép người dân tiếp tục sản xuất thanh long trên diện tích đã trồng trên đất lúa trước đây (6.951 ha) nhưng vẫn xem đây là diện tích đất trồng lúa, khi cần thiết có thể bố trí sản xuất lúa đạt hiệu quả.


13 Cơ Sở, Vùng Sản Xuất Nông Sản Đạt Tiêu Chuẩn GlobalGAP 13 Cơ Sở, Vùng Sản Xuất Nông Sản… Nông Dân Bức Xúc Vì Phân Bón Kém Chất Lượng Nông Dân Bức Xúc Vì Phân Bón Kém…