Mô hình kinh tế Khai thác thêm thế mạnh kinh tế thủy sản

Khai thác thêm thế mạnh kinh tế thủy sản

Ngày đăng 07/10/2015

Khai thác thêm thế mạnh kinh tế thủy sản

Thu mua cá tại Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).

Quyết định số 09/2012/QĐ - UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 ra đời đã thực sự tháo gỡ khó khăn cho nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngân sách hỗ trợ 50% tổng kinh phí để xây dựng mô hình chuyển đổi nghề nghiệp khai thác từ lộng ra khơi.

Hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo thuyền máy trưởng, hỗ trợ lãi suất đầu tư đóng mới tàu trên 90CV.

Đồng thời để đảm bảo thông tin liên lạc, đặc biệt là công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ mua thiết bị bộ đàm tầm xa cho các tổ hợp tác nghề cá trọng điểm, ngư dân nghèo được hỗ trợ phao cứu sinh; cứ thành lập một tổ hợp tác khai thác sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng...

Các chính sách hỗ trợ trên tạo động lực và khí thế mới cho ngư dân tự tin vươn khơi khai thác ở các ngư trường, nâng cao năng suất, sản lượng, cùng đó, góp phần bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Nhờ tàu thuyền có đầy đủ trang thiết bị an toàn, ngư cụ được cải tiến, nên gần 80% tàu thuyền nghề chụp mực tạo thu nhập bình quân 80 - 100 triệu đồng/lao động/năm; nghề lưới vây kết hợp ánh sáng có thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng/lao động/năm; nghề lưới kéo ở huyện Diễn Châu đạt bình quân 50 - 60 triệu đồng/lao động/năm.

Khát vọng vươn khơi cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước góp phần tăng nhanh số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.299 tàu thuyền công suất từ 90CV - 1.577CV, trong đó, riêng huyện Quỳnh Lưu có 686 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản của huyện hàng năm luôn chiếm 50% sản lượng khai thác toàn tỉnh.

Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hàng năm, huyện đầu tư một số mô hình giúp ngư dân chuyển đổi nghề hiệu quả hơn, trang bị máy bộ đàm cho tất cả phương tiện đánh bắt xa bờ, đồng thời tích cực chỉ đạo hình thành gần 140 tổ hợp tác liên kết hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển đạt hiệu quả cao.

Thực hiện chủ trương đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, tính đến ngày 30/8/2015, UBND tỉnh đã phê duyệt được 75 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá (trong đó 41 tàu vỏ gỗ, 29 tàu vỏ sắt, 5 tàu vỏ composite).

35 chủ tàu đã có hồ sơ nộp ngân hàng để vay vốn, trong đó 14 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng (2 tàu vỏ sắt, 12 tàu vỏ gỗ); riêng đối với tàu vỏ gỗ đã có 6 tàu hoàn thành đưa vào sản xuất, 8 tàu đang đóng.

Tổng giá trị nguồn vốn vay theo Nghị định 67 đã giải ngân (phần vốn ngân hàng) là 28,832 tỷ đồng/99,75 tỷ đồng.

Về nuôi trồng thủy sản, trong những năm gần đây, ngoài các giống nuôi truyền thống, có nhiều giống mới đang phát huy hiệu quả.

Các cơ sở ương giống cá cấp 2 phát triển ở nhiều địa phương, cung ứng nguồn cá giống đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.

Đặc biệt cá rô phi được lưu giữ qua đông với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thả giống sớm của người nuôi. Trung tâm giống thủy sản đã du nhập một số giống mới như cá vược, cá chim biển, thực hiện các chuyên đề sinh sản cá lóc đen, cá chình...

Nghề nuôi nhuyễn thể ở bãi triều (133 ha), nuôi cá lồng trên biển, cửa sông, nuôi ngao, hàu cũng phát triển đem lại hiệu quả kinh tế; nuôi cá nước ngọt có năng suất từ 4 - 6 tấn/ha, nuôi cá lúa có năng suất 1 tấn/ha.

Cùng đó, công tác kiểm soát chất lượng giống và môi trường vùng nuôi được tăng cường, hạn chế tối đa những nhân tố bất lợi đối với hoạt động nuôi trồng...

Về chế biến thủy sản, hiện đang tồn tại cả hai phương thức chế biến truyền thống và công nghiệp.

Chế biến theo nghề truyền thống với 2 sản phẩm chính là nước mắm và mắm các loại; năm 2014, sản lượng nước mắm đạt 30 triệu lít và mắm các loại đạt 6.200 tấn. Các hoạt động của hệ thống kho đông lạnh phát huy hiệu quả trong bảo quản sản phẩm thủy hải sản, góp phần nâng cao giá trị nuôi trồng, khai thác.

Cùng đó, chế biến hàng khô ngày càng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Mỗi năm, 39 cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh cung cấp khoảng 2.000 tấn thủy, hải sản khô. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến bột cá nhằm tận dụng sản phẩm khai thác kém phẩm cấp hoặc phế liệu trong chế biến thủy sản được nhiều doanh nghiệp đầu tư...

Theo số liệu của Cục Thống kê, giá trị sản xuất ngành Thủy sản Nghệ An năm 2011 tăng 9,04%; tổng sản lượng thủy sản năm 2015 ước đạt 145.000 tấn/KH 100.000 tấn, tăng 45% so với KH.

Dự kiến cả giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt bình quân 8,5% - 8,7%, vượt kế hoạch đề ra.


Canh tác tốt mô hình lúa - tôm Canh tác tốt mô hình lúa - tôm Hoàn tất quy hoạch làng cá bè trên sông Đồng Nai Hoàn tất quy hoạch làng cá bè trên…