Khấm khá nhờ nuôi bò tập trung
Vài năm trở lại đây, người dân các xã Điện Thọ, Điện Hòa, Điện Quang (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã cải tạo nhiều bãi bồi ven sông thành vùng chăn nuôi bò tập trung với số lượng lên đến hàng ngàn con; qua đó, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn giúp nhiều hộ dân trở nên khá giả.
Nuôi bò tập trung đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều nông dân ở thị xã Điện Bàn
Được mệnh danh là “đại gia bò” với thâm niên gần 30 năm, ông Nguyễn Đức Sơn ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ, cho biết từ khoảng 5 năm qua, ông đã tập trung xây dựng chuồng trại, nuôi hàng trăm con bò thịt trên bãi bồi sông Kỳ Long, xã Điện Thọ. Đến nay, bình quân mỗi năm trang trại ông cung cấp ra thị trường gần 100 con bò giống và hơn 200 con bò thịt, mang lại thu nhập hơn 3 tỷ đồng.
“Thuận lợi ở đây là có những bãi đất trống rộng rãi tận dụng để trồng cỏ hoặc rào chắn nuôi bò nên hiệu quả mang lại khá tốt”, ông Sơn nói. Với kinh nghiệm của mình, ông Sơn đã chia sẻ bí quyết nuôi bò khỏe đến nhiều hộ dân trong vùng và các xã lân cận như Điện Quang, Điện Trung, Điện Hòa… khi họ đến học hỏi kinh nghiệm.
Ngoài “đại gia bò” như ông Sơn, hiện nay tại các xã của thị xã Điện Bàn còn có hàng ngàn hộ chăn nuôi bò quy mô tập trung. Chỉ tính riêng xã Điện Quang hiện có khoảng 1.200 hộ dân tổ chức nuôi bò tập trung, ít thì 3 - 5 con, nhiều thì tăng đàn đến 30 con/hộ, số lượng bò thịt toàn xã dao động từ 4.000 - 4.300 con. Theo ông Trần Công Tín, Chủ tịch UBND xã Điện Quang, ý tưởng đưa chuồng trại bò ra bãi chăn nuôi tập trung, ngoài việc tận dụng những bãi bồi ven sông, hoặc vùng canh tác hoa màu kém hiệu quả, còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường do chuồng trại chăn nuôi nằm ngay trong khuôn viên gia đình.
“Trước đây, khi còn nuôi nhốt trong vườn nhà, môi trường các khu dân cư thường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trước thực trạng này, UBND xã Điện Quang đã quy hoạch các khu chăn nuôi bò tập trung ở ngoài đồng, để vừa thuận tiện việc chăm sóc vừa không còn lo ô nhiễm nguồn nước, lại ít dịch bệnh”, ông Trần Công Tín nhìn nhận.
Bà Hoàng Thị Phương (thôn Xuân Đài, xã Điện Quang) kể rằng, ngày trước gia đình bà cũng như các hộ khác thường nuôi bò ngay sát bên nhà. Do chuồng nuôi gần với không gian sinh hoạt của gia đình nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên trong nhà. Giờ đây, khi đưa đàn bò ra khu vực chăn nuôi tập trung, những lo lắng trên đã được khắc phục. Ngoài ra, còn tận dụng nguồn phân bò thải ra hàng ngày để làm phân bón trồng cỏ ngay tại khu chăn nuôi. Nhà bà Phương nuôi 10 con bò, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, nuôi bò tập trung đã thật sự mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều nông dân của Điện Bàn. Chỉ riêng thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa có gần 50 hộ nuôi bò theo mô hình tập trung với gần 400 con. Còn tại 3 xã vùng Gò Nổi (Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang) tính đến đầu tháng 10-2019, tổng đoàn bò ước có khoảng 8.000 con. Trong đó, xã Điện Quang có số lượng nhiều nhất với gần 4.300 con, đa phần là bò lai.
“So với cách đây 1 năm, đàn bò của Điện Quang tăng khoảng 700 con. Trong bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi gây hại dai dẳng, thị trường tiêu thụ các loại thịt heo hạn chế như hiện nay, thì việc gia tăng đàn bò của người dân nơi đây, kết hợp với việc đầu tư mở rộng diện tích đất trồng cỏ nguyên liệu và phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai thâm canh, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự báo, nhiều khả năng tổng đàn bò của xã sẽ tăng lên 10.000 con trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Chơi phấn khởi nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ