Khánh Hòa Nuôi Tôm Trên Ruộng Muối
Những năm qua, diêm dân ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ độc canh làm muối mà còn luân canh nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên ruộng muối khi vụ muối kết thúc…
Phường Ninh Hải là địa phương có điều kiện phù hợp với nghề làm muối. Thế nhưng, mấy năm nay, giá muối bấp bênh, năm được năm mất khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn.
Không những vậy, nghề muối chỉ làm được vào mùa nắng; các tháng còn lại, diêm dân phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để lo cho cuộc sống. Trước thực trạng đó, tận dụng những ruộng muối để hoang vào mùa mưa, nhiều diêm dân ở phường Ninh Hải đã mạnh dạn nuôi tôm trên ruộng muối.
Gặp chúng tôi khi đang cho tôm sú mới thả nuôi ăn, ông Trần Minh Hoàng (tổ dân phố Đông Hà) - một trong những hộ nuôi tôm trên ruộng muối cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông chỉ có nghề làm muối. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, từ năm 1995, nghe một số nơi đầu tư luân canh con tôm trên ruộng muối mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông tận dụng 0,7ha ruộng muối của gia đình để hoang vào mùa mưa để nuôi tôm.
Vụ nuôi năm trước, ông lãi ròng gần 50 triệu đồng. Năm nay, ông đang thả nuôi gần 5 vạn con tôm. “Nuôi tôm trên ruộng muối ít tốn kém hơn, ao đìa có sẵn, chỉ cần lấy nước vào và thả tôm. Chúng tôi nuôi tôm theo hình thức luân canh nên chi phí đầu tư ít, rủi ro cũng thấp hơn” - ông Hoàng cho hay.
Được biết, khi phong trào nuôi tôm trên ruộng muối mới hình thành, cả phường Ninh Hải chỉ có vài hộ áp dụng. Thế nhưng, đến nay, đã có khoảng 2/3 diện tích làm muối được khai thác nuôi tôm vào mùa mưa (tổng diện tích hơn 15ha) với năng suất đạt khoảng 1 - 1,2 tấn/ha đối với tôm sú, 4 - 5 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng.
Với giá tôm sú hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng khoảng 80.000 đồng/kg, người nuôi tôm có thể có thu nhập khá từ việc đầu tư này. Hộ nuôi tôm thành công có thể thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Tấn Sâm - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết: Việc nuôi tôm trên ruộng muối được diêm dân trên địa bàn tỉnh phát triển tự phát từ lâu. Do nuôi tôm trái vụ thường xảy ra nhiều rủi ro nên người nuôi phải cẩn trọng; chính quyền địa phương không khuyến khích người dân nuôi tôm trái vụ. Tuy cán bộ phụ trách khuyến nông - khuyến ngư đã tập huấn, hướng dẫn cho người dân quy trình nuôi, nhưng do tôm thả nuôi trái vụ rơi vào mùa mưa bão nên rất dễ bị thiệt hại.
Ông Trần Tấn Thịnh - cán bộ phụ trách Khuyến nông - Khuyến ngư phường Ninh Hải, cũng nuôi tôm thẻ chân trắng trên ruộng muối chia sẻ: “Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm trên ruộng muối, người dân chỉ nên đầu tư 1 vụ tôm/năm; chỉ nên thả nuôi vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm.
Sau 3 - 4 tháng nuôi, nếu tôm đã đến kích cỡ thu hoạch thì phải thu sớm để tránh thiệt hại do mưa bão. Người dân cũng nên thả tôm với mật độ vừa phải, chỉ nên thả nuôi mật độ 40 - 50% so với vụ nuôi tôm chính.
Nếu việc nuôi tôm suôn sẻ, lợi nhuận sẽ cao gấp nhiều lần so với làm muối”. Theo tính toán của ông Thịnh, nếu thành công ở vụ nuôi này, với 30 vạn con tôm thẻ chân trắng được thả nuôi trên 0,5ha ruộng muối sẽ thu khoảng 3 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí đầu tư 60 triệu đồng, ông sẽ lãi ròng hàng trăm triệu đồng.
Cũng như Ninh Hải, các địa phương khác như: Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Thọ... cũng có nhiều hộ nuôi tôm trái vụ trên ruộng muối. Tuy nhiên, điều khiến nhiều diêm dân lo lắng là việc thả nuôi trái vụ thường xảy ra nhiều rủi ro. Bởi vào mùa mưa, độ mặn, độ pH... không ổn định.
Môi trường không thuận lợi khiến tôm dễ bị sốc và chết. Theo kinh nghiệm của ông Thịnh, ông Hoàng..., tôm nuôi trong mùa mưa thường có tỷ lệ hao hụt khá cao, trung bình lên đến 40 - 50%, có nhiều vụ nuôi diêm dân bị thua lỗ do tôm chết vì sốc thời tiết. Để nuôi tôm trái vụ đạt hiệu quả, người nuôi nên thả giống mật độ thưa và phải thường xuyên theo dõi môi trường nước, các chỉ tiêu lý hóa, nhiệt độ nước... thật nghiêm ngặt để có biện pháp xử lý thích hợp.
Thiết nghĩ, trong việc nuôi tôm luân canh trên ruộng muối, ngoài kinh nghiệm được tích lũy, người nuôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, nhất là vấn đề kỹ thuật. Qua đó, giúp diêm dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống khi nghề muối gặp nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ