Mô hình kinh tế Kháo nhau nếm thử nhãn lồng Phố Hiến ở Hàm Ếch

Kháo nhau nếm thử nhãn lồng Phố Hiến ở Hàm Ếch

Tác giả Trang Tâm, ngày đăng 19/09/2016

Kháo nhau nếm thử nhãn lồng Phố Hiến ở Hàm Ếch

Mục sở thị vườn nhãn 500 cây

Ông Bùi Văn Dũng là người có nhiều nhãn nhất vùng này, cũng là người đưa giống nhãn lồng Phố Hiến bén duyên với Hàm Ếch. Dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn, ông Bùi Văn Dũng kể lại, từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông từ huyện Thanh Hà (Hải Dương) lên đây. Vốn thích làm vườn, ông đã tìm tòi trồng các loại cây ăn quả, tăng gia sản xuất, làm kinh tế, nhưng vùng đất này cũng kén cây, chỉ có nhãn là hợp hơn cả. Trước đây, gia đình trồng nhãn bản địa, nhưng năm có quả, năm lại mất mùa. Vì thế ông đã về Hưng Yên tìm hiểu cây nhãn...

Năm 2004, ông mang về trồng thử một số loại cây, nhưng duy nhất có cây nhãn Hưng Yên là phù hợp với thổ nhưỡng. Từ đây, ông Dũng mới nghiên cứu đưa giống nhãn lồng Phố Hiến (giống nhãn Phố Hiến chín muộn) được Viện Rau quả Gia Lâm (Hà Nội) lai tạo rồi mang về trồng. Tuy nhiên, so với giống nhãn hiện nay được trồng tại địa phương thì giống nhãn này cũng chín cùng thời điểm. Sau vài năm trồng và nghiên cứu cách chăm sóc, đến 2010 ông mới phát triển đại trà trên đất vườn của gia đình.

Ông Dũng bảo, nhãn năm nay chín muộn hơn khoảng 2 tuần, vì thời điểm ra hoa, rét kéo dài hơn so với mọi năm. Khoảng mươi ngày nữa chín nước hai nhãn ngon hơn rất nhiều. Những cây nhãn của ông Dũng trông chẳng khác nào bon sai, mỗi gốc nhãn có chừng 2 - 3 thân đâm lên từ đất. Thực ra phải gọi là cụm nhãn mới đúng, vì một cụm có 2 - 3 gốc mọc cách nhau 30 - 40 cm, trông như những thân phụ của gốc đa to, chỉ ở phần tán, cành, nhánh của các gốc mới quện lại làm một. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Dũng vừa kéo chùm nhãn màu nâu vàng tươi rói, vừa giải thích: “Theo sự hướng dẫn của các nhà khoa học của Viện Rau quả Gia Lâm, bây giờ đa phần các gia đình đã thay thế nhãn trồng hạt bằng trồng cành, mắt ghép. Chúng tôi thường trồng 3 - 5 cành, sau đó mới bấm, tỉa chọn những cây tốt để tạo tán”.

Để cây sai quả, to và đẹp, cần sự can thiệp của con người rất nhiều. Ông Dũng rút kinh nghiệm: Thời kỳ ngủ đông của cây rất quan trọng, nếu mùa đông ấm, có nồm nam nhiều, có mưa thì lá sẽ phát triển, hoa sẽ ít. Để chống lại thời tiết bất lợi, người làm vườn phải theo dõi rất kỹ và có dự đoán tốt về biến động nhiệt độ, mưa, nắng. Nếu mùa đông ấm, cần hãm thuốc, tiện khoanh vỏ ở cành, chặt rễ, che bạt ở gốc, không cho nước thấm xuống rễ cốt để cho cây nhịn đói, tạm dừng thời kỳ sinh trưởng, như thế thì tới vụ cây mới ra hoa. Áp dụng khoa học trong trồng và chăm sóc nên cây nhãn nào của ông Dũng cũng sai quả, sản lượng cho thu năm sau cao hơn năm trước. Vụ nhãn 2016 này, gia đình ông Dũng đã có 500 cây cho quả trên tổng số hơn 600 cây, sản lượng ước tính trên 10 tấn.

Mở hướng làm giàu

Ở thôn Hàm Ếch, ông Dũng là người có thu nhập từ cây nhãn cao nhất, trên 200 triệu đồng/ha/vụ. Ông Dũng cho rằng, cây nhãn phù hợp với đất và cả điều kiện kinh tế của người dân ở đây. Thực tế cho thấy, đầu tư cho cây nhãn lớn nhất cũng chỉ mất 20% doanh thu. Cây nhãn lồng Phố Hiến ít sâu bệnh hơn hẳn nên hạn chế được dùng thuốc hóa học. Thời gian từ lúc đến khi bắt đầu cho thu hoạch chỉ mất 3 năm, trong khi giống nhãn thường trồng truyền thống phải ít nhất 7 năm mới cho quả. Hiệu quả kinh tế giống nhãn này vượt trội hơn nhãn thường 2,5 lần. Cụ thể 1 ha nhãn Phố Hiến trồng từ 3 - 5 năm cho khoảng 10 tấn quả, trong khi nhãn địa phương trồng 7 - 10 năm mới cho khoảng 4 - 5 tấn quả.



Khi những cây nhãn đầu tiên của ông Dũng cho thu hoạch, chất lượng quả ngon, đẹp, bán được giá, vậy là bà con trong thôn đã đến mua cây giống, học cách chăm sóc của ông Dũng để phát triển cây nhãn. Anh Đào Tiến Xuân, thanh niên trẻ của thôn là một trong những người đầu tiên mua giống nhãn Phố Hiến của ông Dũng về trồng đến nay đã phát triển được 300 cây. Anh Xuân bóc mấy quả nhãn ra, quả thật cùi nhãn rất dầy, hạt nhỏ, không dính tay, ăn có vị ngọt thanh chứ không ngọt đậm như giống nhãn nước bản địa.

Tham quan vườn nhãn, tôi thấy nhiều gốc nhãn rất to nhưng cành lại được chặt ngắn, quả nhãn ở những cây này lại có màu sắc vàng tươi rất đẹp mã. Thấy tôi có vẻ chăm chú nhìn, anh Xuân giải thích: “Đó là những cây nhãn của ông bà trồng từ ngày xưa, chất lượng quả thấp nhưng chặt bỏ đi thì tiếc lắm, vì phải mất vài chục năm cây nhãn mới bằng ấy. Chính vì thế nên anh đã mày mò chặt cành rồi ghép mắt nhãn lồng Phố Hiến, không ngờ hiệu quả lại rất tốt. Những cây này chỉ cần sau 2 năm là cho từ 2 - 3 tạ quả, nhiều gấp 7 lần cây nhãn cành trồng mới 3 năm tuổi”. Cách làm này của anh Xuân vừa tận dụng được những cây nhãn to của gia đình lại vừa rút ngắn được thời gian tạo ra giá trị kinh tế. Nhưng cũng theo anh Xuân cách ghép này khá khó, mày mò hơn 3 năm anh mới ghép được, mà thời gian ghép một cây nhãn cũng mất cả tháng trời, bởi vậy cả xã hiện chỉ có anh ghép thành công.

Câu chuyện của chúng tôi với anh Xuân liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại đặt mua nhãn của khách hàng. Anh Xuân cho biết: Hôm qua bán tỉa vài tạ, giá 28.000 đồng/kg. Hôm nay thợ buôn cứ đòi cắt, nhưng gia đình chưa muốn bán vì nhãn chưa chín đến độ, bán ra vừa nhẹ cân lại mất thương hiệu. Làm kinh tế bây giờ phải giữ thương hiệu, phải hướng đến hai mục tiêu là ngon và sạch. Chính vì vậy mà anh Xuân chủ yếu chăm bón cho cây bằng phân hữu cơ, phun thuốc trừ sâu bằng những sản phẩm sinh học. Anh Xuân ước vụ này, vườn nhà anh có gần 100 cây cho thu hoạch, ước khoảng 4 tấn quả với giá bán buôn khoảng 24.000 đồng như năm 2015 thì cũng thu lãi gần 100 triệu đồng.

Chị Trần Thị Hải, thương lái ở Việt Trì đến đặt mua nhãn cho biết: 2 năm trước tình cờ chị mua được nhãn Phố Hiến của anh Xuân ở bên thị trấn Tân Bình (Yên Sơn) thấy ngon nên đã xin địa chỉ đến tận nhà thu mua mang về bán. Nhãn Phố Hiến ở đây quả nhìn không mọng như nhãn Phố Hiến Hưng Yên nhưng màu sắc đẹp hơn và khách hàng cũng khá chuộng nhãn nơi đây.

Theo Trưởng thôn Hà Đức Ngọc, cây nhãn đang là cây đem lại nguồn thu nhập cao nhất cho người dân trong thôn. Hiện nay 60 hộ dân, nhà nào cũng trồng nhãn Phố Hiến muộn, hộ ít cũng có vài ba sào, tổng diện tích nhãn toàn thôn trên 10 ha. Giống nhãn này hiện đang được các hộ dân tiếp tục trồng mới lên đất vườn đồi thay thế giống nhãn ít năng suất và những cây ăn quả khác hiệu quả kinh tế thấp. Bà con ở đây đang phấn đấu tạo ra vùng chuyên canh nhãn lồng đặc sản.

Nói về hướng phát triển của nhãn lồng Phố Hiến, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm khẳng định: Đảng bộ xã Thượng Ấm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025. Trong đó, sẽ quy hoạch đất trồng nhãn trên 60 ha với 2 giống nhãn chủ yếu là nhãn lồng Phố Hiến và nhãn lồng địa phương; chuyển đổi 40 ha đất soi bãi trồng màu kém hiệu quả sang trồng nhãn. Đồng thời xã xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nhãn lồng cho người dân để đảm bảo quy trình trồng đúng kỹ thuật, tạo ra vùng nhãn có chất lượng sản xuất theo hướng hàng hóa, dần dần xây dựng thương hiệu “nhãn Thượng Ấm” với hai tiêu chí sạch và ngon để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo Trang Tâm (Báo Tuyên Quang)


Tỷ phú 8X giúp dân tiêu thụ nông, lâm sản Tỷ phú 8X giúp dân tiêu thụ nông,… Tỷ phú đa năng vùng biên giới Tỷ phú đa năng vùng biên giới