Khẩu phần ăn của nhím
Tìm hiểu khẩu phần ăn của nhím con, nhóm lớn để bạn đọc bố trí cho phù hợp
Khẩu phần ăn của nhím
Nhím con sau một tháng tuổi mới bắt đầu biết tìm đến máng để ăn chung với nhím mẹ; còn thời gian trước đó nó chỉ bú mẹ mà sống. Cũng như cách cho thỏ ăn, ta cũng nên cho nhím ăn theo bữa: sáng, trưa, chiều, tối.
Nhím hoang dã chỉ đi ăn về đêm, còn nhím nuôi chuồng ban ngày tới bữa cũng chịu khó rời khỏi hang giả (hang nhân tạo) để tìm đến máng ăn, uống. Trong bốn bữa ăn trong ngày ta cung cấp cho nhím, thì hai bữa sáng và trưa được coi là hai bữa phụ vì nhím chỉ ăn qua loa. Chỉ riêng hai bữa chiều và tối nhím mới ăn nhiều, nên ta coi đó là hai bữa chính của chúng.
Về khẩu phần ăn của nhím, thường mỗi chủ nuôi có kinh nghiệm riêng trong việc xây dựng một khẩu phần ăn mà mình cho là hợp lý cho nhím từng lứa tuổi. Điều này không có gì sai trái vì mỗi địa phương có nguồn thức ăn sẵn có riêng để nuôi nhím, vì đâu phải nơi nào cũng có nhà máy rượu bia, nơi nào cũng là vựa bắp, đậu?…
Ở đây, chỉ nêu ra một khẩu phần ăn với thành phần dinh dưỡng hợp với từng giai đọan sinh trưởng của nhím để độc giả tham khảo:
- Nhím con dưới 3 tháng tuổi: 300g các loại rau củ quả và 20g cám viên.
- Nhím lứa từ 4 đến 6 tháng tuổi: 600g rau củ quả các loại và 30g cám viên.
- Nhím trưởng thành từ 7 đến 9 tháng tuổi: 1,5 kg rau củ quả các loại và 60g cám viên.
- Nhím bố mẹ: từ 2 kg đến 2,5 kg rau củ quả các loại và 120g cám viên.
Trong mùa sinh sản, ngoài việc cho ăn uống no đủ, nhím bố mẹ còn được bồi bổ thức ăn bổ dưỡng hơn để nhím đực phối giống tốt hơn, nhím mẹ có nhiều sữa để nuôi bầy con bụ bẫm hơn. Muốn vậy, nên cho nhím đực ăn thêm rễ cây (rẽ cau, rễ dừa), mầm cây, lúa mộng, giá đậu… và nên cho nhím đang mang thai, đang cho con bú nhiều thức ăn tinh, giàu chất đạm, béo, bột, dường, và khoáng chất, sinh tố,..
Chúng tôi xin khuyên quí vị là nên tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để nuôi nhím, như vậy vừa được mua với giá rẻ, vừa giảm phí chuyên chở lại tránh được sự khan hiếm.
Nên chủ động nguồn thức ăn nuôi nhím
Thức ăn của nhím như chúng ta đã biết gồm những thứ rau, củ, quả là những mặt hàng nông sản gần như có nhiều và có quanh năm tại nước ta. Lượng thức ăn mà mỗi con nhím tiêu thụ hàng ngày cũng không nhiều so với trọng lượng cơ thể khá lớn của nó: Chỉ vài ba kí rau củ là đủ.
Ngoài thức ăn vừa nói ra, nhím nuôi còn cần thêm một lượng thức ăn tinh có nhiều chất đạm, chất béo, chất bột đường, trung bình 300-400g mỗi ngày.
Nói chung, thức ăn của nhím tuy không nhiều, nhưng phải công nhận là giá không rẻ chút nào so với tiền mua cỏ nuôi trâu bò, dê cừu… Mặc dầu ta vẫn biết các loại củ quả dành nuôi nhím không cần phải kén chọn hàng thương phẩm dành làm thức ăn cho người dắt tiền, mà là loại thứ phẩm rẻ tiền, miễn là không bị hư thúi héo ứa là được. Đọc thêm Kiểu lồng, chuồng nuôi nhím
Nuôi nhím với số lượng ít chỉ đôi ba cặp giống thì việc chạy ăn hàng ngày cho chúng không có gì gọi là vất vả và đáng lo. Nhưng, nuôi với số lượng nhiều từ vài ba mươi cặp nhím giống trở lên, tốt nhất là ta nên lo đến việc chủ động nguồn thức ăn đầy đủ để nuôi chúng cho đỡ phần tốn kém.
Nhưng quí vị đã biết, nuôi giống vật gì cũng vậy, giá mua con giống có cao người nuôi không ngại; làm chuồng trại có tốn kém nhiều cũng không ai lo, mà chỉ lo ở khâu chạy thức ăn hàng ngày cho vật nuôi mà thôi. Vì rằng, giá con giống đắt về sau các lứa con chúng sinh ra sẽ giúp mình thu đồng vốn lại mấy hồi. Chuồng trại tuy tốn nhiều tiền, nhưng có điều lợi là làm một lần nhưng sử dụng được nhiều năm. Chỉ có vấn đề chạy ăn hàng ngày cho vật nuôi, nếu không tính toán kỹ nhiều khi không những phải lỗ công mà còn phải… vỡ nợ.
Chăn nuôi là tính đến chuyện “lấy công làm lời” là đã không được mấy người ham, bây giờ còn phải lỗ lã thâm hụt vào vốn liếng nữa thì thật không gì chán bằng.
Chủ động nguồn thức ăn nuôi nhím, theo thiển ý của chúng tôi, không nhất thiết phải có đất đai canh tác các thứ củ quả nuôi nhím, mà còn có những cách thức khác. Tất nhiên, nếu có sẵn vườn tược để trồng thì không gì tốt bằng. Hơn nữa, diện tích để dùng vào việc này cũng không đòi hỏi quá rộng, chỉ cần vài ba trăm mét vuông để trồng các thứ rau đậu, khoai sắn, bí bắp v.v… cũng đủ thức ăn để nuôi được cả bầy nhím đông đảo năm bảy chục con rồi.
Tận thu nguồn thức ăn nuôi nhím tù các ngôi chợ
Trong thành phố đất hẹp người đông, thế mà nhiều người vẫn nuôi nhím được. Quanh năm họ vẫn tìm nguồn thức ăn nuôi nhím bằng cách tìm đến các ngôi chợ gần nhà để thu gom các thứ rau củ quả hư giập mà người bán loại ra.
Ngôi chợ lớn nhỏ nào mà lại không có khu riêng biệt để bày bán trái cây, bán các thứ rau củ đủ loại với số lượng lớn?
Các mặt hàng rau quả đa dạng này đa số được chở từ các vườn tược, nương rẫy ở vùng ngoại thành, có thứ chở từ các tỉnh xa, vùng xa cách đó từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số đổ về các vựa, rồi các chợ.
Do chuyên chở đường xa, có khi đôi ba ngày, năm bảy ngày mới đến nơi nên số “hàng bông* này mới bị hư hao, úng giập phải bỏ đi, không thể bày ra bán buôn được. Nếu thứ hàng phế phẩm này sau khi lựa ra nếu có bán cho giới chăn nuôi thì cũng thu về với giá rẻ mạt, gần như cho không.
Nếu ai ở gần các chợ đầu mối nông sản thì nguồn thức ăn dành nuôi nhím này lại càng thừa mứa hơn nữa. Vì lượng hàng rau quả không những gần như cả ba miền tập trung về đây hàng ngày mà còn có hàng ngoại nhập nữa. Nhiều người còn tận dụng đem về làm thức ăn nuôi thỏ, nuôi heo, nuôi cá… Những tấm lá già bọc bên ngoài bông cải, các lá bìa của bắp cải, rồi khoai lang, cà rốt bị hư giập… là thứ phải bỏ đi, nhưng lại là thức ăn khoái khẩu của nhiều vật nuôi, trong đó có nhím.
Hàng ngày, người chăn nuôi nhím chỉ chịu khó đến các chợ thu gom (hay mua rẻ) về rửa thật sạch, trải mỏng ra hong gió độ một buổi cho ráo nước rồi đổ vào máng cho nhím ăn.
Vùng thôn quê có lắm thứ củ quả
Nuôi nhím ở vùng nông thôn, chi phí về thức ăn lại càng nhẹ hơn nữa, và gần như lúc nào cũng có sẵn, vì mọi thứ củ đều là “cây nhà lá vườn”. Các thứ rau củ quả thông thường như khoai lang, khoai mì, bí đỏ… loại èo uột bị giạt ra chỉ dùng làm thức ăn cho gia cầm gia súc mà thôi. Còn những mặt hàng nông sản thu hái theo mùa như bắp, lúa, đậu… thì cứ chờ đến vụ mùa ta mua trữ cho nhím ăn suốt năm có giá rẻ hơn là mua vào những tháng trái vụ.
Tận dụng hết nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương
Nhím cũng như nhiều động vật hoang dã khác đều ăn tạp, và nhờ có tính dễ ăn này chúng mới sinh tồn được. Thức ăn ngoài rừng hay đồng nội không thiếu, nhưng số lượng chim thú hoang dã lại rất đông, mà thời tiết đâu phải quanh năm ngày nào cũng tốt đẹp cho nên chim muông ngoài trời nhiều khi cũng phải chết đói chết khát. Cho nên dù là con chim sâu nhưng khi thiếu mồi gặp trái cây chín nó cũng không từ. Con cọp khi không có hươu nai để vồ, đói quá cũng đành xuống suối mò cua bắt cá…
Ta cần biết rõ điều đó để khỏi phải lo nghĩ nhiều đến việc chạy ăn hàng ngày cho nhím, và các vật nuôi khác.
Hơn nữa, nhím vốn là con vật ăn tạp, ngay cả rễ cây cau, cây dừa đắng chát là thế mà chúng cũng cố đào lên mà ăn khi nguồn củ quả khan hiếm.
Vì vậy, ta nên tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương mình để nuôi nhím. Cần gì phải kén chọn cho được củ lang, củ mì là thứ củ nhím thích ăn, ta thế vào đó củ đậu, củ mài cũng được, nếu tại địa phương sẵn có. Nói cách khác, nếu địa phương có sẵn và nhiều thức ăn gì ta cứ nuôi nhím với thức ăn đó, để nếu phải bỏ tiền ra mua cũng có giá rẻ hơn. Cứ mùa nào thức ấy, tới bữa ta cung cấp thức ăn cho nhím no đủ là được.
Điều cần là nên theo dõi sức khỏe của nhím, nhất là sự tăng trọng của chúng, để xem có cần thiết phải bổ sung thêm chất gì không khi nguồn thức ăn ta cung cấp hàng ngày cho chúng không được bổ dưỡng lắm.
Nước uống
Nhím không uống nhiều nước, có lẽ do chúng ăn nhiều thức ăn xanh như rau, lá cây, củ quả. Trung bình một con nhím trưởng thành chỉ uống từ 200ml đến 250ml nước trong ngày mà thôi. Chúng thích uống nước vào buổi sáng và buổi trưa, nhưng tốt nhất ta nên đổ nước đầy máng cho nhím uống tự do.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ