Khi Bồ Câu Pháp Được Chọn
Chỉ mới du nhập vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế một vài năm trở lại nay, nhưng chim bồ câu Pháp đã trở thành đối tượng được nhiều người quan tâm đầu tư nuôi.
Lãi cao...
Tốt nghiệp đại học ngành điện năm 2003, Thân Ngọc Trí ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) không chọn con đường tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn mà trở về quê lập nghiệp. Nơi Trí chọn ở ngay trên chính đất quê hương. Trí cho rằng, ở quê mình vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên làm giàu. Trăn trở đối với Trí là chọn loài vật nuôi nào phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương và có giá trị kinh tế cao để sản xuất. Trong một chuyến vào Nam tham quan, Thân Ngọc Trí thấy nhiều hộ nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nảy sinh ý tưởng mua loài vật mới này về quê nuôi thử. Chuyện bắt đầu từ năm 2010.
Sau khi học tập được những kỹ thuật ở một số tỉnh miền Nam và tìm tòi từ sách báo, Trí đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua 20 cặp giống và xây dựng chuồng nuôi; chưa đầy hai tháng sau số bồ câu sinh sản tăng lên 80 cặp. Số bồ câu trên chủ yếu để cho sinh sản, chưa bán ra thị trường. Trong quá trình nuôi, động thái quan trọng của Trí là xây dựng cho mình một blog trên mạng để quảng bá sản phẩm và tìm hiểu thị trường tiêu thụ.
Sau một năm, số bồ câu tăng lên khoảng 300 cặp, kể cả bồ câu thịt và sinh sản. Sản phẩm lúc này được xuất bán ra thị trường, chủ yếu ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Thịt bồ câu Pháp rất thơm ngon, được nhiều người lựa chọn để chế biến ẩm thực nên số lượng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu. Trí cho biết, chỉ với 300 cặp bồ câu, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi trên 100 triệu đồng.
Một gương mặt trẻ khác cũng chọn nuôi chim bồ câu Pháp để phát triển kinh tế gia đình là Nguyễn Văn Nhân ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc). Thấy nhiều người nuôi bồ câu Pháp lãi cao, năm 2012, Nhân vào tỉnh Quảng Nam mua 30 cặp giống về nuôi thử, mỗi cặp khoảng 350 ngàn đồng. Bất ngờ, loài vật nuôi mới này phát triển và sinh sản rất nhanh, Nhân không ngần ngại tiếp tục đầu tư kinh phí mở rộng thêm 100 lồng, nuôi 100 cặp.
Giá sản phẩm tuy khá cao, khoảng 170 ngàn đồng/cặp bồ câu thịt vẫn có nhiều khách hàng đặt mua. Đối tượng tiêu thụ không chỉ có các nhà hàng, khách sạn mà còn có cả người dân ở địa phương. Số lượng chim nuôi hiện có của Nhân còn quá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Nói về thu nhập, Nhân khiêm tốn: “Mới bước đầu nuôi số lượng ít nên thu nhập chưa cao. Bình quân, mỗi tháng lãi khoảng 7 triệu đồng từ bán chim thương phẩm và giống”.
Dễ nuôi, dễ bán
Những người như Thân Ngọc Trí, Nguyễn Văn Nhân... đều cho rằng, kỹ thuật và quy trình nuôi chim bồ câu Pháp rất dễ. Khác hẳn với các loại gia súc, gia cầm khác là mấy năm qua chim bồ câu Pháp hầu như chưa xảy ra dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tuân thủ các kỹ thuật nuôi, như diện tích chuồng trại, lồng nuôi, máng đựng thức ăn, nước uống, xử lý phân thải, phòng ngừa dịch bệnh. Chuồng trại phải theo quy trình khép kín, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, diện tích mỗi lồng nuôi phải đảm bảo cho số lượng bồ câu theo quy định. Hằng ngày, phải xử lý phân thải trong chuồng trại, lồng nuôi, rửa sạch máng đựng thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh môi trường; tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng phòng ngừa dịch bệnh theo định kỳ.
Nguồn thức ăn chim bồ câu Pháp cũng rất dễ tìm kiếm ngay tại địa phương, chủ yếu là các loại đậu, bắp, lúa, gạo... Mỗi ngày chỉ cho ăn hai lần, tránh dư thừa thức ăn, hạn chế chi phí đầu tư và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Người nuôi có thể cho ăn dặm thêm thức ăn công nghiệp, giàu chất dinh dưỡng để kích thích chim chóng lớn. Nguồn thức ăn này được bán rộng rãi ở hầu hết các đại lý kinh doanh thức chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi, bồ câu Pháp chóng lớn so với bồ câu địa phương và nhiều loại gia cầm khác. Chỉ sau khoảng bốn tháng nuôi, chim đến tuổi sinh sản, trọng lượng bình quân mỗi con từ 1kg đến 1,2kg. Ưu điểm nữa là, chim đẻ liên tục trong năm, vừa ấp nở vừa đẻ trứng.
Không chỉ dễ nuôi mà còn dễ bán là điều kiện thuận lợi lớn đối với những người nuôi chim bồ câu Pháp. Anh Nguyễn Quang Thọ ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) cho biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm rất rộng, không chỉ các nhà hàng, khách sạn, mà còn người dân tại địa phương. Nhiều hộ trên địa bàn tỉnh còn có nhu cầu nuôi chim bồ câu Pháp để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, không chỉ bán chim thương phẩm, các hộ nuôi trên còn sản xuất và bán chim giống. Với số lượng giống của các hộ hiện có trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Các hộ trên đang đẩy mạnh sản xuất giống để cung ứng nhu cầu nuôi chim bồ câu Pháp của bà con.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nuôi chim bồ câu Pháp đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong xu hướng phát triển rộng rãi, các địa phương, ban ngành liên quan cần tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để sản xuất và tư vấn thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân...
Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có khá nhiều hộ ở huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy... nuôi chim bồ câu Pháp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 200 con đến 700 con, thu nhập từ 50 triệu đến 160 triệu đồng/hộ. Ưu điểm của việc nuôi bồ câu là chuồng trại không chiếm diện tích lớn, có thể tận dụng nuôi ngay tại vườn nhà và chi phí đầu tư thấp...
Theo ông Trần Quang Phước, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư, bồ câu Pháp thực chất là loài giống vật nuôi lai tạo có nguồn gốc từ Pháp và được người dân các tỉnh, thành đưa vào sản xuất từ nhiều năm qua, như Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nằm trong danh mục cho phép nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, qua kiểm tra, giống bồ câu Pháp trước khi nhập từ nơi khác vào địa bàn tỉnh đều có thủ tục kiểm dịch của ngành thú y và được theo dõi, quản lý chặt chẽ. Bồ câu Pháp là loài chim có sức đề kháng cao, khỏe mạnh, khó xảy ra dịch bệnh. Mấy năm qua, bồ câu nuôi trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu dịch bệnh gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Ngoài chủ động phòng ngừa của các hộ nuôi, ngành thú y đã và đang tăng cường kiểm soát và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ