Mô hình kinh tế Khi Bò Cười, Heo Khóc

Khi Bò Cười, Heo Khóc

Ngày đăng 17/06/2014

Khi Bò Cười, Heo Khóc

Ngành chăn nuôi trong hai năm 2012-2013 lỗ hơn 27.000 tỉ đồng, nhưng không phải tất cả những người chăn nuôi đều mếu máo… Thế thắng của thịt bò nhập

Người nuôi bò đang có những ngày tháng thảnh thơi vì giá thịt ngày càng cao, số đàn bò lại đang giảm xuống.

Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhìn thấy một biểu giá đi lên của loại thịt đại gia súc này: “Năm 1980, giá thịt bò chỉ bằng nửa giá thịt heo. Năm 1990, giá thịt bò bằng thịt heo. Năm 2000 giá đã gấp đôi, và đến năm 2010 thì đã gấp 4 lần!”.

Đời sống ngày càng phát triển thì người dân càng dùng thịt bò nhiều hơn. Một nghiên cứu cho thấy trong bữa ăn của người Việt Nam, tính riêng về thịt, thịt heo chiếm nhiều nhất, tới 75%; thịt bò đã tăng từ 5% lên 7% trong những năm gần đây; còn lại là thịt gia cầm và các loại thịt khác. Ngành chăn nuôi đang đặt mục tiêu thịt bò chiếm 10% vào năm 2020, dù mức trung bình của thế giới ở thời điểm hiện tại là 23%.

Nhưng đàn bò đang bị giảm sút về số lượng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn bò cả nước đạt đỉnh 6,7 triệu con vào năm 2007, đến 2013 chỉ còn 5,2 triệu con. Ông Mười nói rằng giống bò trong nước là bò vàng (yellow), thân nhỏ, bụng to, lại hay gặp dịch bệnh nên cung cấp thịt ra thị trường không đáng kể. Chúng được chăn nuôi rải rác, nhỏ lẻ, nếu không được xẻ thịt phân chia tại lò thì cũng chỉ ra được đến các chợ nhỏ. Hơn nữa, một phần được làm thịt từ khi chưa trưởng thành, gọi là bò tơ.

Thị trường Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ khoảng 4.000 con bò, chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Hàng ngày, theo giới kinh doanh, khoảng 3.000 con bò được nhập về từ Lào, Campuchia và Myanmar. Chúng được bơm nước nhiều cấp để tăng trọng lượng trước khi được đưa đến các lò mổ. Một phần nguồn cung khác là từ đàn bò trong nước. Phần còn lại là nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt trong thời gian gần đây là từ Úc.

Năm 2013, Việt Nam nhập khoảng 67.000 con bò sống từ Úc. Thoạt nhìn, con số này quá nhỏ nếu so với khoảng 1 triệu con bò nhập khẩu trong năm qua, nhưng tốc độ tăng thì rất đáng chú ý. Năm 2012, cả nước chỉ nhập có 3.500 con bò Úc, nhưng năm 2014, dự kiến sẽ nhập khoảng 170.000 con.

Con số này có vẻ sẽ chưa dừng lại một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, mà Úc là một thành viên. Mức thuế nhập khẩu bò sống hiện tại là 5%, hấp dẫn hơn so với 14-30% đối với thịt bò đã qua sơ chế. Giá thịt bò Úc hiện tại dường như không hơn là bao so với thịt bò “nội”. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế được cắt về bằng không, bò Úc sẽ còn cạnh tranh hơn nữa. Ưu thế đó khiến cho cuộc cạnh tranh trên thị trường thịt bò khá nóng.

Không chỉ Úc mà New Zealand, một quốc gia khác trong TPP, cũng đang có những cuộc xúc tiến tiếp cận thị trường mạnh mẽ hơn. Ông Tony Martin, Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam, cho biết nhập khẩu thịt của Việt Nam từ New Zealand trong năm 2013 đã tăng 23% so với năm trước. Trong hơn 1 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam, New Zealand chiếm đến 54%.

Mới đây, có thông tin về Hoàng Anh Gia Lai sẽ nhập khẩu và chăn nuôi khoảng 100.000 con bò, trước là bò thịt, sau là bò sữa. Theo các chuyên gia, Hoàng Anh Gia Lai có thể chăn nuôi ở quy mô lớn vì họ có sẵn những nguồn lực đã đầu tư cho các dự án nông nghiệp tại các quốc gia vùng Đông Dương.

Trong khi đó, ngành chăn nuôi bò Việt Nam khó có thể chăn thả quy mô công nghiệp mà lý do thiếu đất, cũng là nguyên cớ làm teo số lượng đàn bò. Ngoại lệ là đàn bò sữa đang có tốc độ tăng khá mạnh từ cuộc chạy đua xây dựng trang trại bò sữa của một số công ty sữa trong nước như Vinamilk và TH Group. Số bò sữa ở thời điểm hiện tại đã xấp xỉ 190.000 con.

Thúc đẩy các trang trại công nghiệp chăn nuôi heo

Cuộc dịch chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ sang quy mô công nghiệp chỉ có thể thực hiện ở các loài vật nuôi khác như heo, gà, vịt… Theo ông Mười, chăn nuôi heo ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại vẫn chủ yếu từ các hộ gia đình, chiếm khoảng 80%, còn lại 20% là ở quy mô công nghiệp.

Con số này trong thời gian tới sẽ tiếp tục dịch chuyển dần về chăn nuôi trang trại công nghiệp. Mục tiêu được nêu ra trong một đề án phát triển ngành nông nghiệp mới đây là đến năm 2020, chăn nuôi trang trại sẽ tăng lên đến 52%.

Nhưng chăn nuôi heo và gia cầm đang phải chịu cảnh thê lương nhất khi trong hai năm qua lỗ đến 27.000 tỉ đồng. Cung vượt cầu, dự báo không theo kịp thực tế, đầu tư tràn lan cùng dịch bệnh là những nguyên nhân khiến cho người chăn nuôi heo phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Dù gì thì heo vẫn là loại thịt được sử dụng nhiều nhất trong bữa ăn của người Việt, nhất là ở các thành phố lớn. Số liệu của giới kinh doanh cho thấy mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 10.000 con, Hà Nội 6.000 con, Đà Nẵng 2.000 con. Đàn heo lớn nhất được cho là thuộc về CP Việt Nam, mà theo một chuyên gia, để có thể xuất chuồng 1.000 con/ngày, tổng đàn của công ty này phải xấp xỉ cả triệu con/năm.

CP Việt Nam chủ yếu liên doanh với nông dân để làm gia công và đang nổi lên như một thế lực trong ngành nông nghiệp khép kín, từ cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi đến chế biến và cả phân phối bán lẻ, có doanh thu năm 2013 hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ. Tổng giám đốc CP Việt Nam Sooksunt Jiumjaiswanglerg cho biết, ông đang tìm cách vực dậy ngành chăn nuôi trong nước, bởi “công ty không thể mạnh khi người nông dân yếu”.

Trong khi CP đang nghĩ cách thì đối thủ như Vissan chẳng hạn, đang tính mua một vài trang trại tại Đồng Nai và Bình Thuận vốn trước đây làm gia công cho CP Việt Nam. Với động thái này, Vissan muốn chủ động hơn trong chăn nuôi, vốn chưa phải là thế mạnh của Vissan, để có thể hình thành một chuỗi khép kín, từ trang trại đến bàn ăn, cũng như chuẩn bị nguyên liệu cho nhà máy trị giá 150 triệu đô la Mỹ mà Vissan đang đầu tư tại Long An.


Chăn Nuôi Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hiệu Quả Ổn Định, Thân Thiện Môi Trường Chăn Nuôi Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hiệu… Thủy Lợi Cho Thủy Sản Chậm Còn Hơn Không Thủy Lợi Cho Thủy Sản Chậm Còn Hơn…