Mô hình kinh tế Khi dân quyết tâm thoát nghèo

Khi dân quyết tâm thoát nghèo

Ngày đăng 20/08/2015

Khi dân quyết tâm thoát nghèo

Ông Phạm Việt Hùng, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phú Lợi A, cho biết: “Việc xây dựng đạt tiêu chí hộ nghèo của địa phương dễ dàng hơn nhiều so với trước kia. Bởi bản thân bà con đã nâng cao ý thức, tự lực phấn đấu vươn lên. Nhiều hộ đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Hùng dẫn tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Te (73 tuổi) đã tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2015. Theo ông Te, lý do ông bà xin rút khỏi hộ nghèo vì không muốn mình là gánh nặng cho địa phương. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông bà vẫn không đầu hàng số phận. Hàng ngày, ông Te vẫn giăng câu, thả lưới tìm thức ăn tự nuôi sống hai vợ chồng. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, vợ ông Te, tâm sự: “Vợ chồng tôi còn sức ngày nào thì làm ngày đó. Mỗi ngày, ông Te giăng lưới bắt cá cũng đủ ăn, thậm chí còn dư để bán, kiếm được hơn 50.000 đồng.

Còn bệnh tật thì khỏi lo vì có bảo hiểm rồi”. Sức già vẫn rắn rỏi tìm kế mưu sinh, ngoài vườn, ông bà còn thả chục con gà, năm ba con vịt để có đồng ra đồng vào hàng ngày. Bao nhiêu tiền của đứa cháu ngoại gửi về, ông bà đều dành dụm phòng khi ốm đau. Vừa lụm cụm cho gà ăn, ông Te tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước 5 năm rồi nên thấy cũng ngại quá. Mình phải thay đổi cuộc sống, chứ “mang danh” nghèo hoài sao khá được cháu. Năm nay, tôi phải vươn lên để cho mấy anh bạn cựu chiến binh tôi nể mới được”. Dù biết rằng gia đình mình còn nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ nhiều thứ. Thế nhưng, với tinh thần kiên cường, không ngại khó của bộ đội Cụ Hồ, ông Te quyết định nhường lại phần hỗ trợ cho hộ khó hơn.

Cũng nằm trong danh sách tự nguyện thoát nghèo năm nay, ông  Thành, ở ấp Phú Lợi A, vui vẻ khoe: “Năm nay thấy khả quan lắm, 3 con heo nái của tôi nó sắp đẻ ra tiền rồi đó. Vậy là năm tới, tôi hết nghèo rồi”.

Nhờ được xã xem xét hỗ trợ 2 con heo, ông Thành để heo nái. Sau lứa nuôi đầu, ông bán heo được hơn chục triệu đồng mà còn lời 3 con heo để nái tiếp lứa sau. Bây giờ, ông đang gầy giống tiếp để tăng gia sản xuất cho mô hình vườn - ao - chuồng của nhà mình. Vẻ mặt hớn hở, ông Thành giới thiệu mô hình thoát nghèo bền vững của mình: “Tôi nuôi heo bằng cặn cơm thừa xin được ngoài chợ, tận dụng phân heo nuôi cá, lấy nước phân tưới vườn cây nhà mình. Vây là 1 lợi 3 lận đó”. Với mô hình khép kín này, ông Thành không xuất vốn mà thu về lãi nhiều hơn vì lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, vườn cây ăn trái của ông đã cho trái lai rai, mang về thu nhập đều đều hàng tháng nên không lo thiếu thốn tiền bạc nữa.

Ngay từ ban đầu, xã Phú Hữu đã xác định trọng tâm xây dựng nông thôn mới là giúp dân khấm khá hơn. Vì vậy, mấy năm qua, địa phương dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho hộ nghèo như hỗ trợ nhà, con giống, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học mới vào mô hình. Nhờ cách làm bài bản, căn cơ này mà nhiều hộ nghèo đã tìm được “lối thoát”, từng bước tự tạo lập cơ sở để thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu, xã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ con giống cho 5 hộ dân được chọn làm mô hình thoát nghèo. Qua gần nửa năm thực hiện, tất cả các hộ đều thành công và đăng ký thoát nghèo trong năm 2015. Không chỉ vậy, hộ nghèo khá lên còn “rủ nhau” thoát nghèo. Đó là ông Thành, sau khi nuôi heo thành công, ông đã cho người em thuộc diện hộ nghèo cùng xóm mượn 2 con heo cái về nuôi, khi nào bán có tiền thì trả vốn.

Theo thống kê của UBND xã, Phú Hữu còn 226 hộ nghèo, chiếm 9,27%. Theo kế hoạch, năm nay, xã sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng gần 3% mới đạt tiêu chí số 11, tương đương khoảng hơn 70 hộ. Điều đáng mừng là 100% hộ đều đăng ký thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã xem xét, tập trung hỗ trợ cho 84 hộ vì có mô hình hiệu quả, thoát nghèo bền vững trong năm nay.

Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Trần Thanh Toán cho biết: “Hướng tới, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ vốn vay, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ nghèo để bà con có cơ sở vững chắc, tự tin vươn lên trở thành hộ khá. Có như thế, người dân sẽ tiếp tục chung sức cùng địa phương hoàn thành những tiêu chí còn lại của xã nông thôn mới”.


Gần 2 tấn nhãn Hưng Yên đầu tiên xuất đi Mỹ Gần 2 tấn nhãn Hưng Yên đầu tiên… Bản Vẽ thoát nghèo nhờ làng nghề chế biến chè đặc sản Bản Vẽ thoát nghèo nhờ làng nghề chế…