Khi những ông trùm xắn ống quần làm ruộng
Phó thủ tướng Lào ghé thăm trang trại nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai
Mỗi ngày thu 1 tỉ đồng từ... phân bò
Một đại gia đội nón vải, mặc chiếc áo thun đầm đìa mồ hôi bên cạnh đàn bò hay bãi mía như người nông dân chính hiệu giờ không còn là chuyện lạ. Trong khi một số lĩnh vực như bất động sản (BĐS), chứng khoán đầy rủi ro thì nhiều đại gia lại nhìn thấy một tiềm năng lớn từ nông nghiệp khi hàng loạt “ông lớn” đua nhau công bố kế hoạch đổ vốn đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai
Mặc dù không phải là người giàu nhất sàn chứng khoán tính tại thời điểm này nhưng một trong tốp 3 đại gia lớn của Việt Nam - ông Đoàn Nguyên Đức (“Bầu” Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai được nhắc tới nhiều trong danh hiệu người “chịu chơi” với nông nghiệp.
Cú chuyển mình ngoạn mục của “ông lớn” này từ BĐS sang nông nghiệp từ năm 2008 đến nay đã mang về những “mùa vàng bội thu”, dù trước đó không ít cổ đông và giới tài chính nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án trồng bắp, nuôi bò và cho rằng quyết định này của ông là “có vấn đề”.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận con số 1.475 tỉ đồng lãi ròng. Trong cơ cấu doanh thu năm 2014 của doanh nghiệp này, tính chung mảng nông nghiệp, bao gồm mía đường, bắp và cao su, tỷ trọng lên tới 48%.
Theo như lời chia sẻ của “Bầu” Đức, có một khoản lợi nhuận không ai ngờ tới đó là mỗi ngày Hoàng Anh Gia Lai thu về 1 tỉ đồng từ… phân bò.
Dự kiến đến cuối năm nay, đại gia này sẽ phát triển đàn bò với 13.000 con bò sữa và 100.000 con bò thịt, lên kế hoạch trồng 13.000ha cọ dầu. Sau “Bầu” Đức, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cũng “xắn quần” trồng rau để… làm giàu.
Một thông tin khá bất ngờ khi Vingroup xưa nay vốn rất mạnh về BĐS. Cách đây không lâu, ông Vượng chia sẻ đã gom được vài chục héc ta đất nông nghiệp để trồng rau củ quả sạch. Kế hoạch ban đầu của tỷ phú này được tiết lộ là sẽ phát triển các dự án trồng rau trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ninh và Vĩnh Phúc.
Dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, hứa hẹn cho ra các sản phẩm năng suất, chất lượng và có giá trị xuất khẩu cao.
Dự án tại Vĩnh Phúc có quy mô 500ha với tổng số vốn đầu tư là 500-700 tỉ đồng.
Không nằm ngoài xu hướng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long cũng “rót” 300 tỉ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, cho ra thị trường lô hàng thức ăn gia súc đầu tiên vào tháng 6 vừa qua. CTCP Him Lam cũng phối hợp cùng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát triển dự án trồng cây mắc ca.
Đầu tháng 8 vừa qua, hai công ty do ông Đỗ Quang Hiển, tức “Bầu” Hiển làm Chủ tịch HĐQT bao gồm CTCP Tập đoàn T&T và Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội đã đăng ký mua 35% và 15% số cổ phần đang lưu hành của Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco). Thông tin này khẳng định rằng tiếp tục có thêm một “ông lớn” của sàn chứng khoán Việt Nam sẽ lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp.
Bài học đắt giá của nữ đại gia thủy sản
Cách đây mấy năm, dư luận xôn xao về tên tuổi của nữ đại gia ở Cần Thơ - bà Phạm Thị Diệu Hiền một thời nổi tiếng giàu có nhất nhì miền Tây Nam Bộ. Năm 2005, bà thành lập CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) chuyên chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu. G
iai đoạn 2008-2010, bà “trùm” thủy sản này mạnh tay vung tiền đầu tư nhà xưởng Bianfishco hiện đại hàng đầu thế giới cùng với Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An được xem là viện nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên ở Việt Nam quy tụ nhiều nhà khoa học và các lãnh đạo về hưu.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Độ chịu chơi của bà chủ Bianfishco khi xây dựng công ty khiến “Bầu” Hiển cũng phải “choáng” vì “vào bên trong nhà máy mà cứ như đi vào resort”. Khu “massage cá” hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng là do bà Hiền đổ tiền tỉ đầu tư.
Thời điểm năm 2012, đang lúc chuẩn bị đám cưới cho con trai thì doanh nghiệp của bà phải đứng trước khoản nợ khổng lồ hàng ngàn tỉ đồng, trong đó nợ nông dân nuôi cá lên tới 200 tỉ đồng. Nông dân vây kín công ty và căn biệt thự của bà Hiền đòi nợ, kiện Bianfishco ra tòa.
Tuy nhiên, bất chấp nợ nần, đại gia ngành thủy sản vẫn tổ chức đám cưới thật hoành tráng để chứng tỏ “đẳng cấp” gia thế. Theo giới kinh doanh, nguyên nhân chính khiến Bianfishco rơi vào tình thế tuột dốc và đứng trước nguy cơ vỡ nợ là bởi nhiều dự án BĐS do bà Diệu Hiền đầu tư còn dang dở hoặc tiền đổ vào các dự án đã “một đi không trở lại”.
Cùng với đó là phương thức quản lý doanh nghiệp kiểu gia đình và cách làm ăn “kiếm thóc vay gạo”, phô trương, ôm đồm không mang lại giá trị thực. Nhờ sự “ra tay” của các ngân hàng là chủ nợ của Bianfishco, bà Hiền thoát được món nợ khó trả.
Công ty thủy sản của nữ đại gia này được chuyển quyền sở hữu sang cho chủ nợ. Câu chuyện đình đám này chính là một bài học cho những “ông lớn” sau này muốn bắt tay vào nông nghiệp tránh được vết xe đổ.
Cơ hội cho nông nghiệp quy mô lớn
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc đại gia đổ xô đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, đây là một lĩnh vực tiềm năng và có khả năng phát triển bền vững ở nước ta, nhất là khi Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng khẳng định rằng bà hoan nghênh chiều hướng đầu tư vào nông nghiệp của một số doanh nghiệp lớn hiện nay. “Phải có những tập đoàn lớn có quy mô, có tiềm lực vốn và kinh nghiệm thương trường dày dạn đầu tư thì nông nghiệp mới mong có được sự bài bản, mới có thể phát triển theo hướng chúng ta đang mong muốn là quy mô lớn, cơ giới hóa, chất lượng cao, được kiểm soát từ đầu đến cuối.
Từ đó, hình thành chuỗi cung ứng, trong đó có sự tham gia của các công đoạn, các doanh nghiệp nhỏ và người nông dân”, bà Lan cho biết.
Bà “trùm” thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền.
Còn GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp đánh giá: “Việc các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cho thấy tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp nước ta, nhất là khi lĩnh vực này được đầu tư, canh tác, khai thác một cách bài bản, khoa học.
Chính vì thấy tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp nên họ mới đầu tư vào.
Các doanh nghiệp này có nguồn vốn lớn, cách quản lý khoa học, kỹ thuật tiên tiến”. Bên cạnh đó, để làm lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân, theo ông Võ Tòng Xuân, cần phải có sự liên kết đặc biệt giữa hai đối tượng này.
Ông Xuân nhận định: “Các đại gia đầu tư vào nông nghiệp có được sự thuận lợi nhiều mặt, nên liên kết với nông dân để mang đến những lợi ích mà các nông dân sản xuất manh mún không làm được”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ