Mô hình kinh tế Khi Nông Dân… Chê Tiền

Khi Nông Dân… Chê Tiền

Ngày đăng 11/08/2014

Khi Nông Dân… Chê Tiền

Trong 3 năm 2011-2013, Nhà nước đã bỏ ra 11.082 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân bảo vệ đất lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đó quả là một con số rất lớn.

Hỗ trợ để nông dân bảo vệ đất lúa, nghĩa là khi thấy trồng một loại cây khác có lợi hơn trồng lúa, người nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng cây đó, khiến diện tích đất lúa có nguy cơ bị thu hẹp, thì số tiền “hỗ trợ” kia sẽ là phần bù đắp cho họ, để họ giữ lại đất lúa nhưng vẫn có lợi nhuận ngang bằng với việc trồng cây khác.

Với nghĩa đó, thì gói hỗ trợ và số tiền hỗ trợ kia thật có ý nghĩa.

Nhưng đến nay nhìn lại, người nông dân được gì từ gói hỗ trợ?

Cứ theo như Thông tư số 205/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa”, thì đối tượng được hưởng gói hỗ trợ trên là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa.

Mức hưởng là 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất chuyên trồng lúa; 100.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất lúa khác, trừ lúa nương được mở rộng không nằm trong quy hoạch. Cả hai mức hỗ trợ được chia làm 2 lần/năm.

Thông tư thì quy định chặt chẽ, rành mạch như vậy. Nhưng do ruộng cấy ít, đặc biệt là với nông dân miền Bắc diện tích cấy lúa của mỗi hộ càng ít, nên số tiền họ được hưởng chẳng đáng bao nhiêu, trong khi muốn nhận được tiền hỗ trợ phải làm đủ các thủ tục rất phiền hà: Nào phô tô sổ hộ khẩu, phô tô chứng minh nhân dân, nào phô tô giấy chứng nhận QSDĐ…Rồi thì đi lại hai ba lần. Mà một năm phải 2 lần làm các thủ tục đó chứ không phải 1.

Thế nên, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều nơi địa phương niêm yết danh sách các hộ được nhận tiền đã 3 năm nay, bản danh sách đã ố vàng mà vẫn không có ai đến nhận.

Có nơi trưởng thôn phải lặn lội đến từng nhà vận động dân làm thủ tục nhận tiền để địa phương “hoàn thành kế hoạch” vẫn không xong.

Nói như một nông dân ở huyện Cần Đước (Long An) thì: “Nhà tôi có 0,2 ha đất lúa, một năm hai lần, mỗi lần nhận được 50.000 đồng, trong khi phải đi xe ôm lên ngân hàng mỗi lần hết 100.000 đồng để xin phô tô sổ đỏ (đã thế chấp vay tiền), mất 100.000 đồng “chi phí” mới lấy được sổ đỏ ra phô tô nữa”.

Thậm chí có hộ, sau khi làm đủ các thủ tục, chỉ nhận được ba, bốn chục ngàn đồng. Hộ ít ruộng đã vậy, còn những hộ có một vài ha trở lên, số tiền mỗi lần được nhận chỉ vài ba trăm, dăm trăm ngàn, cũng không đủ để bù đắp phần thua thiệt cho họ so với việc họ chuyển đất lúa sang trồng cây khác, khi thấy trồng cây khác có lợi hơn.

Đã nhận tiền “hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa” rồi thì không thể chuyển đất lúa sang trồng cây khác được nữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến người nông dân “né” gói hỗ trợ này.

Một điều không thể không nói đến nữa là đối với rất nhiều nơi trên cả nước, hiện người nông dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Với những địa phương đó thì dù muốn, người nông dân cũng hoàn toàn không đủ thủ tục để có thể được nhận tiền.

Hỗ trợ nông dân là phải hỗ trợ bằng chính sách chứ không phải bằng tiền. Nếu có một chính sách khiến người nông dân có lợi hơn khi trồng lúa, thì thử bắt họ bỏ lúa trồng cây khác xem...


Tiêu Hủy Toàn Bộ Thức Ăn Chăn Nuôi Chứa Chất Cấm Tiêu Hủy Toàn Bộ Thức Ăn Chăn Nuôi… Bệnh Chổi Rồng Ở Tiền Giang Đầu Tư Lớn, Hiệu Quả Chưa Cao Bệnh Chổi Rồng Ở Tiền Giang Đầu Tư…