Khi nông sản không là tài sản
Không riêng gì khách hàng là nông dân nhỏ lẻ, ngay các hợp tác xã (HTX) cũng “mắc kẹt” với việc vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh khi không có tài sản đảm bảo.
Vàng khối “chôn” trong vườn
Ở thôn Đồng Tiến (xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), ông Dương Mã Dưỡng được nhiều người gọi với tên “tỷ phú trồng bơ”.
Từ chỗ chỉ có 1 cây bơ mọc ở góc vườn, sau hơn 20 năm, ông đã phát triển, gây dựng thành một vườn bơ trĩu trịt quả với hơn 300 gốc bơ trưởng thành, mỗi cây cho thu hoạch 500 – 600kg trái, doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, mỗi năm ông còn bán trung bình 10.000 cây bơ giống, với giá 50.000 – 60.000 đồng/cây, thu về hơn 500 triệu đồng.
Ông Dưỡng kể, năm 2010, khi vườn cà phê và tiêu rộng 7ha ở Bình Phước liên tục mất giá, ông quyết định phá bỏ, cải tạo và đầu tư chuyên canh trồng bơ.
Với mong muốn đem trái bơ Việt Nam đi chinh phục thị trường thế giới, mới đây, ông đã ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp Nhật, cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật.
Ngoài ra, ông Dưỡng cũng đặt tham vọng xây dựng nhà máy chế biến sâu quả bơ, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ trái bơ như tinh dầu bơ, nước ép bơ, bột bơ…, đồng thời mở rộng hợp tác với nông dân trồng bơ, xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu và chế biến.
Ông cũng đã tìm được một số địa điểm ưng ý để xây dựng nhà máy.
Ấy thế nhưng, khi đem hồ sơ đến ngân hàng vay vốn, ông Mã Dưỡng đã trải qua hết thất vọng này đến thất vọng khác, bởi bị ngân hàng từ chối.
“Tôi chỉ có vườn bơ là tài sản quý giá nhất, là tâm huyết cả đời.
Tôi đem thế chấp vay vốn nhưng ngân hàng không chấp nhận.
Ngân hàng bảo phải làm đề án, phải có tài sản thế chấp… Tôi không hiểu nên sau nhiều lần đi qua đi về, tôi bỏ cuộc” - ông Mã Dưỡng buồn bã chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có tổng đàn heo thịt hơn 3.500 con, sau những năm khó khăn cùng cực thời điểm 2014, chị Thu gần như đứt vốn.
Xoay xở mãi mới gây dựng lại được heo nhưng vẫn không “nhằm nhò” gì với ước vọng chăn nuôi lớn của gia đình.
Năm 2015, những thông tin về gia nhập TPP, thịt ngoại có nguy cơ tràn vào Việt Nam… khiến chị Thu lo lắng, chị bèn bàn với gia đình đầu tư thay đổi mô hình chuồng trại, thay giống mới với năng suất cao hơn.
Chị nghĩ, phải “hành động” trước khi quá muộn thì mới mong sống sót với nghề và quyết định gõ cửa ngân hàng.
Tuy nhiên, khi ra ngân hàng làm hồ sơ vay vốn, toàn bộ trang trại hơn 3.500 heo thịt và gần 200 heo nái của gia đình không được xem là tài sản đảm bảo nên không thể thế chấp để vay vốn được.
“Nếu đồng ý vay tín chấp thì số tiền 20 – 30 triệu đồng không thấm vào đâu cho dự án cải tạo trang trại.
Gia đình lại phải xoay sở đủ bề mới mong đủ kinh phí đầu tư, có khi còn phải vay nóng bên ngoài” - chị Thu ngậm ngùi.
Nguồn vốn còn… xa
Không chỉ ông Dưỡng, chị Thu mà rất nhiều hộ nông dân khác đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, bởi thế ba con đã đặt rất nhiều kỳ vọng khi Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về việc nới hạn mức cho vay tín chấp trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Nghị định 55 mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn hơn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà không cần tài sản thế chấp.
Theo Nghị định, ngân hàng chỉ giữ sổ đỏ của người vay để “làm tin”, vì ngân hàng sẽ không tiến hành các thủ tục thế chấp tài sản.
Vì thế, khi bên vay không trả được nợ, ngân hàng không dùng sổ đỏ để xử lý theo hướng phát mãi tài sản mà sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên, những khó khăn khi tiếp cận vốn trong nông nghiệp vẫn còn là chuyện dài kỳ.
Ông Nguyễn Thành Phúc, đại diện Ngân hàng NNPTNT Đồng Nai cho biết, tính tới cuối tháng 6, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 55 đạt hơn 9.372 tỷ đồng nhưng chỉ có khoảng 30% tổng dư nợ là các khoản vay không có tài sản thế chấp.
Cũng theo ông Phúc, hạn mức tín dụng trung bình của các hồ sơ vay vốn này đạt khoảng 100 triệu đồng/hồ sơ, chủ yếu là những hộ, cá nhân vay đầu tư nông nghiệp, trong khi đối tượng HTX, tổ hợp tác… chỉ đạt tổng dư nợ 60,3 tỷ đồng.
“HTX, tổ hợp tác...
là những tổ chức được ưu tiên cho vay tín chấp lên đến 3 tỷ đồng, nhưng do không có nhiều đơn vị làm ăn hiệu quả nên lượng hồ sơ vay vốn cũng rất khiêm tốn.
Dù là vay tín chấp nhưng các HTX vẫn phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm, chứng minh được uy tín trên thị trường” - ông Phúc khẳng định.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã có thời gian các HTX chăn nuôi trong khu vực vật vã tìm vốn đầu tư.
“Đàn heo thì không được xem là tài sản, HTX phải đi mượn nhà xã viên làm văn phòng thì lấy đâu ra sổ đỏ để cắm ngân hàng?” - ông Đoán đặt câu hỏi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ