Khó Duy Trì Cánh Đồng Mẫu Lớn
Cách đây gần 2 năm, Đồng Nai đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một vài địa phương, kết quả mang lại khá tốt. Thế nhưng, khi chính sách hỗ trợ rút đi thì người dân lại khó duy trì cánh đồng mẫu lớn.
Đồng Nai hiện có 4 huyện thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn là: Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc và Tân Phú với tổng diện tích khoảng 200 hécta/vụ. Các hộ tham gia cánh đồng mẫu lớn đa số có năng suất lúa cao hơn các hộ bên ngoài từ 1 - 1,5 tấn/hécta/vụ.
Lợi nhuận tăng
Vĩnh Cửu là huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai cánh đồng mẫu lớn tại xã Tân An từ vụ đông - xuân 2011 - 2012 và hiệu quả mang lại khá cao. Ông Trương Thành Công, ấp Cây Xoài (xã Tân An), nói: “Trước đây, năng suất lúa của tôi chỉ đạt khoảng 5 tấn/hécta/vụ. Nhưng từ khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, năng suất tăng lên 6,5 tấn/hécta/vụ, trong khi chi phí đầu vào lại thấp hơn các hộ sản xuất theo phương pháp truyền thống”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuệ, ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) kể: “Vụ này tôi tham gia cánh đồng mẫu lớn, chi phí giảm hơn các hộ bên ngoài khoảng 2 triệu đồng/hécta, năng suất tăng khoảng 1 tấn/hécta. Vì thế, trừ chi phí tôi còn lời khoảng 12 triệu đồng/hécta, cao hơn các hộ bên ngoài gần 5 triệu đồng/hécta”.
Ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú, khẳng định: “Tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân xuống giống cùng thời điểm và làm theo cùng một quy trình nên khâu phòng trừ sâu bệnh rất thuận lợi. Tỷ lệ lúa bị sâu bệnh giảm hẳn, đỡ được nhiều tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt”. Ngoài ra, khi nông dân gắn kết tham gia cánh đồng mẫu lớn, cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật dễ chuyển giao khoa học - công nghệ mới, đồng thời có thể đưa giống lúa có năng suất chất lượng cao vào canh tác để nâng cao năng suất.
Khó duy trì?
Hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn đã được khẳng định và hầu hết các huyện có diện tích lúa nhiều trong tỉnh đều thống nhất sẽ triển khai và nhân rộng ra nhiều xã. Thế nhưng sau gần 2 năm triển khai, hiện mới có 4 huyện tham gia với diện tích chỉ khoảng 200 hécta, chiếm gần 1% diện tích lúa toàn tỉnh. Và nhiều cán bộ khuyến nông huyện lo lắng, sau khi khuyến nông hoặc cán bộ nông nghiệp “rút” đi, mô hình cánh đồng mẫu lớn rất khó duy trì, chưa nói đến nhân rộng.
“Xuân Lộc chọn Xuân Phú làm điểm cánh đồng mẫu lớn với hơn 60 hécta của 62 hộ tại cánh đồng ấp Bình Xuân 1. Đa số các hộ tham gia đều có năng suất lúa cao hơn các hộ bên ngoài. Dự tính vụ tới sẽ nhân rộng ra toàn cánh đồng ấp Bình Xuân 1 với hơn 100 hécta. Nhưng nếu cán bộ khuyến nông rút, rất khó duy trì tiếp mô hình này” - ông Nguyễn Lam Điền, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Xuân Lộc bày tỏ. Theo ông Điền, khi còn được chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật và đứng ra tập hợp chỉ đạo thì các hộ mới đồng loạt làm theo. Còn khi “rút” hết, nhiều khả năng nông dân lại quay về cảnh “mạnh ai nấy làm”. Vì theo thói quen, họ khó chấp nhận một hộ nào trong cánh đồng mẫu lớn đứng ra chỉ đạo toàn bộ các hộ khác.
Theo ông Trần Viết Huy, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Vĩnh Cửu, các trạm khuyến nông chỉ có 3 - 4 kỹ sư mà lĩnh vực nông nghiệp rất rộng, ngoài cây lúa còn nhiều cây trồng khác và chăn nuôi. Do đó, khuyến nông chỉ có thể làm điểm các mô hình cho thật hiệu quả rồi chuyển giao lại cho địa phương. Nếu nơi nào chính quyền xã quan tâm đầu tư cho nông nghiệp nhiều thì nơi đó có thể nhân rộng mô hình.
Thực tế lâu nay không chỉ với cây lúa mà với nhiều cây trồng khác có những mô hình thí điểm rất hiệu quả, nhưng rất khó khăn khi đem ra nhân rộng.
Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: “Trung tâm Khuyến nông chỉ xây dựng thành công mô hình điểm, tổ chức hội thảo và chuyển giao kỹ thuật lại cho địa phương. Còn nhân rộng được hay không thì do huyện, xã phải cùng vào cuộc tìm giải pháp để triển khai”
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ