Mô hình kinh tế Khó Khăn Trong Công Tác Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm
Mô hình kinh tế Khó Khăn Trong Công Tác Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Khó Khăn Trong Công Tác Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Ngày đăng 05/03/2014

Khó Khăn Trong Công Tác Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm trong cả nước. Tại tỉnh Đồng Tháp, mặc dù chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng hiện nay đang vào mùa thu hoạch rộ lúa đông xuân, tình trạng vịt chạy đồng thả tràn lan đang là một trong những nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng.

Lo cúm gia cầm “theo chân” vịt chạy đồng

Ghi nhận của phóng viên tại các huyện phía Nam của tỉnh như Lấp Vò, Lai Vung, Sa Đéc, nơi đang thu hoạch rộ lúa đông xuân năm 2014, dọc theo các đường tỉnh lộ đâu đâu cũng thấy hàng chục đàn vịt chạy đồng đang ăn mót lúa trên đồng.

Anh Phạm Thanh Tùng - hộ nuôi vịt ngụ ở tỉnh Long An đang chăn vịt chạy đồng ở xã Tân Mỹ (Lấp Vò) cho hay: “Mùa nào cũng vậy, canh đến thu hoạch lúa là mình cho vịt chạy đồng. Thường những hộ có vốn lớn thì thả khoảng 3.000-4.000 con, ít nhất là 400-500 con, bình quân trên dưới 1.000 con mỗi chủ.

Hiện có chừng 20 chủ vịt thả đều khắp chân ruộng xã Tân Mỹ...”. Khi được hỏi: “Có chích ngừa bệnh cúm cho vịt chưa?”, anh Tùng trả lời: “Chưa, vì hôm trước sắp tới đợt chích ở xã thì mình cho vịt chạy đồng sang Tháp Mười, nay mới sang đây nên chưa chích...”.

Cách trại vịt của anh Tùng không xa, chú Trương Văn Lễ (hộ nuôi vịt ở xã Mỹ An Hưng A) cho vịt chạy đồng gần đó cho hay: “Bầy vịt 1.800 con của tôi mới lùa lên đây mấy hôm nay, hơi trễ vì phải đợi thú y ở dưới chích ngừa rồi mới được đi, mùa này dịch cúm nguy hiểm quá nên việc kiểm tra, tiêm phòng căng lắm”. Trong khi đó, các chủ vịt khác thì nói chưa chích, nhưng cũng có người nói sẵn đồng qua đây luôn nên 2-3 bữa nữa mới lên kêu thú y chích.

Việc tiêm phòng “con có, con không” như vậy cũng đã làm không ít những hộ nuôi vịt chạy đồng ở địa phương và người dân sống gần khu vực có vịt chạy đồng lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hai ở xã Tân Mỹ nói: “Mấy ngày nay nghe tin dịch cúm có khả năng trở lại bà con cũng thấy lo. Nhưng vịt chạy đồng thì vẫn đầy đồng, làm kênh rạch đục ngầu, nhà mình trong kênh nên cũng phải lấy nước đó xài vì không có nước nào khác”.

Quản lý vịt chạy đồng rất khó

Ông Võ Bé Hiền – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp thừa nhận: Việc các hộ nuôi vịt chạy đồng không tuân thủ tiêm ngừa dịch đang là một khó khăn lớn trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc quản lý vịt chạy đồng vô cùng khó khăn bởi đặc thù của người nuôi vịt chạy đồng phần lớn đời sống khó khăn, họ chăn vịt theo mùa, nay đây mai đó. Nhiều khi phát hiện đàn vịt chạy đồng không qua tiêm phòng mình kiên quyết đuổi ra địa bàn nhưng họ vẫn lén lút trở lại đồng ruộng rất khó kiểm soát.

Mặc dù hiện nay tỉnh chưa phát hiện ổ dịch, nhưng tình trạng nuôi vịt chạy đồng như thế này làm cho nguy cơ lây lan nhiễm cúm gia cầm từ vùng này qua vùng khác là rất cao.

Cũng theo ông Hiền, khó khăn khác của việc quản lý gia cầm hiện nay là công tác chốt chặn phòng, chống dịch của Trạm Kiểm dịch động vật tại một số huyện giáp biên giới và tỉnh giáp ranh do vịt chạy đồng có số lượng lớn thường vận chuyển bằng ghe, tàu, trong khi đó các trạm kiểm dịch không có cơ sở pháp lý để bắt buộc chủ các phương tiện thủy phải dừng tàu.

Trước đây trên địa bàn tỉnh có 2 trạm kiểm dịch đường thủy là Trạm Phước Xuyên (Trường Xuân) và Trạm Tân Phước (Hồng Ngự) nhưng hiện nay không còn hoạt động do thiếu các lực lượng chuyên ngành. Do đó, tại các trạm kiểm dịch dù có phát hiện nghi vấn nhưng cũng không được quyền kiểm tra, xử lý.

Ông Trương Công Trường Sơn - Trưởng trạm kiểm dịch xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho rằng: “Quản lý việc vận chuyển gia cầm bằng đường thủy rất khó, khu vực xã Đốc Binh Kiều thuộc địa bàn huyện Tháp Mười, nhưng giáp ranh với tỉnh Tiền Giang và Long An.

Những người chăn nuôi vịt chạy đồng với số lượng lớn thường vận chuyển bằng đường sông, tuy nhiên do là địa bàn có nhiều kênh rạch nên thường các hộ vận chuyển vịt chạy đồng hay gia cầm từ tỉnh này qua tỉnh khác đều “né” đi đường khác, nên cũng không kiểm tra được.

Do vậy, đối với vịt chạy đồng, hiện chúng tôi chỉ giám sát trên bờ và vận động tuyên truyền để người dân đăng ký tiêm ngừa, ngoài ra không có biện pháp gì khác...


Ngành Nông Nghiệp Cảnh Báo Không Nên Tái Đàn Gia Cầm Vào Thời Điểm Hiện Nay Ngành Nông Nghiệp Cảnh Báo Không Nên Tái… Biện Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương Biện Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Khai Thác…