Mô hình kinh tế Khó Khăn Trong Phát Triển Sản Xuất, Nâng Cao Thu Nhập

Khó Khăn Trong Phát Triển Sản Xuất, Nâng Cao Thu Nhập

Ngày đăng 13/11/2014

Khó Khăn Trong Phát Triển Sản Xuất, Nâng Cao Thu Nhập

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được xem là giải pháp cơ bản trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xác định rõ điều đó, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập nhưng vì nhiều lí do, việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến thu nhập, phát triển sản xuất tại các địa phương vẫn còn gặp khó khăn. Sau gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh vẫn còn 15 xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí.

Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản

Những ngày qua, xã Mò Ó (Đakrông) đang vào vụ thu hoạch sắn. Ông Hồ Văn Hia, một hộ trồng sắn tại thôn Phú Thiềng cho biết: “Nhờ vào 2 ha sắn mà 4 năm qua đã góp phần cải thiện thu nhập đáng kể cho gia đình tôi. Với thu nhập bình quân khoảng 40 triệu đồng/năm, tôi có thể trang trải mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình và nuôi các con ăn học”.

Tuy nhiên, điều mà ông Hia và nhiều người trồng sắn khác trăn trở đó chính là việc giá cả sắn phụ thuộc vào thương lái. Cùng với cây sắn, dưa hấu cũng được xác định là một trong số những cây trồng chủ lực của xã Mò Ó. Tuy chỉ có 20 ha song những năm qua dưa Mò Ó đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Vào vụ, các thương lái đến đặt mua tại ruộng dưa. Song điều mà người trồng dưa cũng như chính quyền xã Mò Ó quan tâm đó là tình trạng được mùa rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra. Đây chính là hạn chế lớn nhất ảnh hưởng đến thu nhập cũng như tâm lý của nông dân.

Là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, địa phương đã chủ động phát huy nội lực để xây dựng NTM. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 300 ha, xã Mò Ó đã chú trọng phát triển mạnh cây lúa nước nhằm ổn định lương thực tại chỗ, chọn dưa hấu, ngô, lạc, sắn làm cây trồng chủ lực để tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, chỉ có 2/5 trạm bơm cho nguồn nước tưới ổn định còn chủ yếu dựa vào nguồn nước tự chảy ở các khe suối, bên cạnh đó, do nguồn lực lao động còn hạn chế nên nhiều hộ gia đình không tập trung sản xuất một sản phẩm nhất định, sản xuất còn mang tính tự phát cao, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên thu nhập của người dân thấp. Bởi vậy nên tính đến cuối năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở Mò Ó chỉ đạt 7,2 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến cuối năm 2014 đạt 9 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến thời điểm này còn chiếm trên 20%.

Với trên 95% đồng bào dân tộc Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%, xã Đakrông là một trong những xã khó khăn của huyện Đakrông. Ông Hồ Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, muốn xây dựng NTM, trước hết phải thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, với điều kiện địa phương hiện nay thì việc thực hiện vấn đề này rất khó. Thứ nhất, do đặc điểm địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, đèo, núi với độ dốc lớn, diện tích đất bằng phẳng rất ít nên việc phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, trình độ sản xuất của người dân thấp chủ yếu mang tính tự phát. Thứ ba, đầu ra cho nông sản chưa có, đa số người dân phải tự tìm đầu ra nên giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Hiện tại, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng rừng, sắn, ngô, măng Bát Độ, hái đót, chăn nuôi bò… nhưng do chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung nên hiệu quả kinh tế không cao, tình trạng thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra. Khi thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì việc thực hiện các tiêu chí khác gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Đakrông mới đạt được 4/19 tiêu chí.

Đâu là giải pháp khả thi?

Với mục đích hướng tới là từng bước ổn định đầu ra cho sản phẩm của địa phương, xã Mò Ó đã có định hướng thành lập tổ hợp tác sản xuất dưa hấu, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây dưa Mò Ó, qua đó nhằm tạo sự liên kết trong sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc thành lập tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận cao, nguồn lực lao động còn hạn chế nên người dân không thể tập trung sản xuất một sản phẩm nhất định.

Còn với cây sắn, tuy đến thời điểm này đã có một số doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm sắn nguyên liệu song còn hạn chế, chủ yếu người trồng sắn tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền địa phương cũng đang tìm cách liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy để bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho cây sắn.

Ông Dương Vinh, Chủ tịch UBND xã Mò Ó khẳng định: “Điểm nút thắt trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi chính là tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Khi bài toán này được giải quyết thì mới cải thiện được thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, từng bước xây dựng NTM.

Do vậy, để tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi địa phương, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc chọn cây trồng, con nuôi chủ lực để phát triển, đặc biệt tập trung vào một số loại cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao”.

Hiện tại, được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhiều địa phương khó khăn, các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, huyện hàng năm đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ để giúp người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với nguồn vốn còn hạn chế, chỉ phù hợp cho việc đầu tư các mô hình nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để người dân tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập, nên thành lập chuỗi giá trị cho các loại cây trồng, vật nuôi một cách bền vững. Muốn vậy, rất cần doanh nghiệp hoặc tổ chức đứng ra hỗ trợ cho người dân từ khâu nguyên liệu, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các địa phương có mặt hàng nông sản tiêu biểu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, có như vậy người dân mới ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, các xã đạt dưới 5 tiêu chí chủ yếu tập trung ở các xã miền núi và ven biển bãi ngang. Do vậy, để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo cần căn cứ vào tình hình của từng địa phương để lựa chọn cây trồng, con nuôi phù hợp. Tìm giải pháp hiệu quả để hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Đối với các xã khó khăn, nên tổ chức rà soát lại những mô hình đem lại hiệu quả cao trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi để làm mô hình điểm, sau đó khuyến khích nhân rộng. Song song với đó, các cấp, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phát triển kinh tế, từ đó làm cơ sở để xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thực hiện đổi thửa dồn điền, đưa cơ giới vào các khâu sản xuất...

Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với địa phương trong việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thông tin thêm về tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất. Trong việc thực hiện các tiêu chí, các địa phương nên căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình để chọn tiêu chí đồng thuận cao, tiêu chí dễ để thực hiện trước, chuẩn bị để từng bước hoàn thành các tiêu chí khó hơn theo đúng lộ trình.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88222


Xã Tân Cương Tụt Giảm Gần 100 Tấnchè Xã Tân Cương Tụt Giảm Gần 100 Tấnchè Đổi Đời Nhờ… Mạng Đổi Đời Nhờ… Mạng