Tin thủy sản Khoa học công nghệ động lực thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững

Khoa học công nghệ động lực thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững

Tác giả TS Vũ Duyên Hải, ngày đăng 13/03/2020

Khoa học công nghệ động lực thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững

Dù phải đối mặt với nhiều chính sách phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2 thập niên qua vẫn tăng trưởng ổn định (13%/năm); ước đạt 9 tỷ USD trong năm 2019; trong đó lĩnh vực NTTS chiếm 60 - 70%. Kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để phát triển các chuỗi sản phẩm theo định hướng thị trường.

Khu nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu - Ảnh: Thanh Cường

Khẳng định vai trò

Trong quá trình phát triển, lĩnh vực NTTS của Việt Nam luôn bám sát mục tiêu phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới thông qua khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Ngành đã tập trung tái cơ cấu trên 4 phương diện chủ đạo: i) Tái cơ cấu ngành gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm các đối tượng chủ lực; ii) Tái cơ cấu ngành dựa trên việc ứng dụng KHCN nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo ATTP; iii) Tái cơ cấu ngành để chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thế hệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và iv) tái cơ cấu ngành theo định hướng và tín hiệu của thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm đổi mới, sáng tạo. Nhờ vậy, hoạt động KHCN ngành thủy sản đã khẳng định vai trò là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy, là chìa khóa thành công trong lĩnh vực NTTS ở nước ta trong thời gian qua.

Thu hút nguồn lực

Hoạt động điều phối các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực thủy sản ở các cấp đã phát huy hiệu quả; tập trung vào các đối tượng chủ lực như: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, tôm hùm, cá rô phi và một số đối tượng đặc sản vùng, miền. Nhờ đó, nguồn lực KHCN của các cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp đã được huy động và sử dụng một cách có hiệu quả.

Sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng thường xuyên và thực chất hơn. Điển hình là các doanh nghiệp đầu tàu như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Nam Việt, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… đã tạo động lực và kết nối mạng lưới nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong thời gian vừa qua.

Các nhiệm vụ KHCN lĩnh vực thủy sản đều có sự tham gia, đóng góp nguồn lực và cam kết ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong thực tế sản xuất. Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH MOANA Ninh Thuận… đã được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KHCN phát triển sản phẩm quốc gia cá da trơn và tôm nước lợ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Tạo chuyển biến trong sản xuất

Hoạt động xây dựng kế hoạch trung hạn các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản đã được đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm phù hợp chiến lược phát triển và định hướng tái cơ cấu ngành. Theo đó, các nhiệm vụ KHCN đưa vào thực hiện phải đảm bảo tính kế thừa, liên kết hữu cơ tạo ra các sản phẩm đồng bộ, trình độ tiên tiến ngang tầm thế giới và phù hợp mục tiêu dài hạn của ngành. Các kết quả nghiên cứu mới, có tính ứng dụng cao sẽ được ưu tiên nghiên cứu hoàn thiện công nghệ ở quy mô sản xuất lớn hơn. Nhiều kết quả nghiên cứu mới đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng, chuyển giao cho các cơ sở sản xuất.

Các tiến bộ kỹ thuật như: Nuôi tôm thẻ hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc, nuôi tôm thẻ bằng nước biển ven bờ, sản xuất giống và nuôi thương phẩm ngao, nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc, nuôi cá chim vây vàng bằng lồng tròn trên biển, phòng trị bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng... đã được chuyển giao và ứng dụng ở hơn 2.000 cơ sở NTTS trên gần 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các chuỗi sản phẩm từ NTTS Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.

Công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản đã được cải thiện, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của sản xuất; tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước đã tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; với giống tôm sú bước đầu đã được xuất khẩu sang các nước như Indonesia, Thái Lan, Bangladesh… Công nghệ nuôi dịch chuyển theo hướng thâm canh, khép kín, kiểm soát được các rủi ro. Các công nghệ nuôi tiên tiến thế giới như nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật biofloc… đã được ứng dụng rộng rãi. Năng suất nuôi tăng bình quân 5,6 lần/năm trong giai đoạn 2011 - 2019, đặc biệt từ năm 2016 đến nay.

Công nghệ giám sát, quản lý môi trường vùng nuôi và phòng trị dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã được cải thiện, thiệt hại do sự cố môi trường và dịch bệnh đã giảm đến 70% so giai đoạn 2012 - 2014. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chi phí sản xuất đã giảm đáng kể, đặc biệt là chi phí thức ăn và hóa chất (chi phí thức ăn nuôi tôm từ khoảng 60% giai đoạn 2012 - 2014 còn khoảng 42% năm 2018 - 2019. Chi phí sản xuất TTCT từ khoảng 80.000 đồng/kg giai đoạn 2012 - 2014 còn khoảng 65.000 đồng/kg giai đoạn 2018 - 2019). Hơn nữa, công nghệ nuôi sạch, không sử dụng kháng sinh, chất cấm đã được ứng dụng phổ biến tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng.

Có thể nói, KHCN và tiếp cận thị trường đã trở thành động lực, chìa khóa dẫn đến thành công của ngành NTTS Việt Nam; từ đó, sức cạnh tranh và uy tín chất lượng của các sản phẩm thủy sản Việt Nam ngày càng được nâng cao và tin dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững, lĩnh vực NTTS cần tiếp tục tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng KHCN tiên tiến, thế hệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển các chuỗi sản phẩm thủy sản hiệu quả, uy tín, có sức cạnh tranh cao, phù hợp thị hiếu tiêu dùng của thị trường trong nước và quốc tế.

Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản)


7 mô hình nuôi tôm hiệu quả 7 mô hình nuôi tôm hiệu quả Kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm Kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm