Mô hình kinh tế Khoai lang tím ở Trường Long Hòa giá đầu ra chưa ổn định

Khoai lang tím ở Trường Long Hòa giá đầu ra chưa ổn định

Ngày đăng 27/06/2015

Khoai lang tím ở Trường Long Hòa giá đầu ra chưa ổn định

Mặc dù giá không ổn định do thị trường chưa mở rộng, mặt khác việc mua bán giữa nông dân và thương lái không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên tình trạng bị thương lái ép giá là không tránh khỏi, nhưng khoai lang vẫn là cây trồng hấp dẫn nông dân ở đây. Thực tế cho thấy, nhờ trồng khoai lang nông dân có nguồn thu nhập khá trong những tháng nông nhàn. Tuy khoai lang không phải là cây màu chủ lực và cũng không có loại cây trồng nào thay thế cho khoai lang vào mùa này, nhưng khoai lang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Đặc biệt, lợi thế trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa khắc phục được khó khăn do địa hình canh tác phức tạp, vừa cho thu nhập ổn định.

Ông Dương Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết: Phát triển diện tích trồng khoai lang ở xã Trường Long Hòa thời gian qua được xem là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng để tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. Bình quân hàng năm sau khi kết thúc 02 vụ dưa hấu tết và dưa tháng 3, nông dân tập trung xuống giống khoai lang. Theo kế hoạch, kể từ tháng 5 nông dân bắt đầu xuống giống cho đến tháng 7 dứt điểm tùy theo điều kiện đất đai.

Mỗi năm nông dân trong xã trồng khoảng 220ha khoai lang, thế nhưng hiện nay toàn xã chỉ xuống giống được khoảng 15ha. Trong khi đó, nếu nông dân áp dụng tốt quy trình kỹ thuật sẽ hạn chế được sâu hại, lợi nhuận tăng từ 10 - 15%. Để hạn chế rủi ro, ngoài việc khuyến cáo người dân trồng rải vụ, đa dạng các loại giống, nông dân cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá. Đồng thời chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cần tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách phòng trừ sâu đục củ, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Nông dân Lưu Thanh Điền, ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa cho biết: Tuy giá bấp bênh nhưng nhờ trồng khoai lang nông dân có nguồn thu ổn định, còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, từ khâu cuốc đất lên liếp làm bờ trồng khoai cho đến thu hoạch, bình quân người lao động thu nhập từ 120.000 - 200.000 đồng/ngày. Ông Trần Trường Vũ, ngụ cùng ấp cho biết thêm: Cây khoai lang đã được nông dân đưa vào trồng từ nhiều năm qua, quy trình trồng, chăm sóc rất đơn giản nên phù hợp với trình độ của nông dân.

Tuy nhiên vùng đất canh tác ở đây khá phức tạp, không chủ động được nước tưới tiêu, nông dân chờ mưa xuống mới trồng nhiều. Theo ông Vũ, khoai lang rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chủ yếu lấy công làm lời, vào giai đoạn khoai lang xuống củ thì người trồng cần phun thuốc phòng trừ sâu đục củ. Khi khoai lang phát triển được 2,5 tháng thương lái đến đặt cọc thu mua theo giá thị trường. Nếu thời tiết thuận lợi, khoai lang trúng mùa thì năng suất bình quân đạt 16 tấn/ha, giá bán hàng năm dao động từ 160.000 - 220.000 đồng/tạ (60kg/tạ). Sau khi trừ chi phí dây giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha.

Những năm qua, ngoài cây dưa hấu, hành tím, khoai lang là loại cây trồng đã giúp cho nông dân trong xã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Mô hình trồng khoai lang trên địa bàn đã mang lại lợi nhuận kinh tế trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của xã thời gian qua, đồng thời góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển. Để giúp nông dân an tâm sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, thời gian tới, xã phối hợp với các ngành chuyên môn trồng thử nghiệm cây gừng, khoai mỡ trên diện tích hơn 0,1ha để thay thế cây khoai lang. Đặc biệt là thử nghiệm cây khoai mỡ thay thế khoai lang, mặc dù giá đầu ra loại nông sản này chưa mở rộng nhưng khoai mỡ có thể tạm trữ để tiêu thụ chậm hơn cây khoai lang.


Xác định 12 cơ sở sản xuất cây giống cà phê sạch bệnh ở Lâm Đồng Xác định 12 cơ sở sản xuất cây… Đồng Tháp thử nghiệm thành công 5 giống lúa tại huyện biên giới Đồng Tháp thử nghiệm thành công 5 giống…