Mô hình kinh tế Khoai lang Tuy Đức mùa này kém vui

Khoai lang Tuy Đức mùa này kém vui

Ngày đăng 14/10/2015

Khoai lang Tuy Đức mùa này kém vui

Nhiều đại lý thu mua gặp khó khi năm nay khoai lang Tuy Đức không đạt năng suất, chất lượng như mọi năm

Gia đình anh Trần Văn Hội, ở xã Đắk R’tíh, vừa mới thu hoạch xong 7 sào khoai lang.

Cũng từng này diện tích, vụ năm ngoái gia đình anh thu được khoảng 10 tấn, nhưng năm nay giảm mất gần một nửa.

Năm nay, khoai lại nhỏ và xấu hơn, bị thương lái chê, nên khó bán.

Anh Hội cho biết: “Mặc dù giá cả có cao hơn mọi năm, nhưng năng suất thấp quá nên tính chung, gia đình vẫn bị thiệt hại, thu nhập kém.

Trong vụ còn xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại, như: bệnh thối dây, tím lá, thân bị sâu…”.

Anh Nguyễn Đức Mẫn, một thương lái ở xã Đắk Búk So cũng cho rằng, từ đầu vụ thu hoạch khoai lang, anh cũng như nhiều thương lái khác gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu mua sản phẩm.

Hiện nay, giá khoai lang thu mua tại chỗ dao động từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, cao hơn năm trước khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, do củ khoai không được đẹp, lại nhỏ nên thường mất công phân loại, tốn kém thêm chi phí.

Mặt khác, việc thu gom khoai lang với số lượng lớn để giao cho khách hàng cũng mất nhiều thời gian hơn, do phải đi thu mua từ nhiều hộ dân và địa phương khác nhau.

Theo ông Đặng Văn Cương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức thì vụ hè thu năm nay, diện tích khoai lang Nhật Bản trên toàn huyện vào khoảng 2.300 ha.

Bắt đầu vào vụ thu hoạch, qua theo dõi và đánh giá năng suất, chất lượng cho thấy có giảm hơn so với năm trước.

Nguyên nhân một phần là do lượng mưa ít hơn, mưa không đều, nắng kéo dài.

Bên cạnh đó, một số diện tích khoai lang trồng trên đất cũ, thường 3-4 năm liên tục nên đất đai giảm độ màu mỡ.

Hiện nay một số hộ nông dân tự sản xuất giống, trong khi giống cũ đã thoái hóa, dẫn đến năng suất, chất lượng, sản lượng khoai đều giảm, tình hình sâu bệnh cũng tăng lên tại nhiều khu vực.

Cũng theo ông Cương thì hiện nay huyện đã chỉ đạo các địa phương, khuyến cáo nông dân không nên trồng khoai lang từ 3-4 vụ trên một diện tích mà phải trồng luân canh, xen canh với cây đậu đỗ để cải tạo đất.

Mặt khác, nông dân cần sử dụng các giống F2, F3 là những giống mới, năng suất, chất lượng sẽ cao hơn.

Về quy trình chăm sóc, bà con phải bón lót đầy đủ phân chuồng, phân hữu cơ để tăng hàm lượng trung lượng, vi lượng trong đất cũng như tăng cường vun xới, tạo đất tơi xốp, đạt năng suất cao hơn.

 

Sau những năm sản xuất “thuận buồm xuôi gió” hiện nay, nhiều hộ nông dân trồng khoai lang ở Tuy Đức đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Không ít hộ nông dân chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ khâu giống cho đến chăm sóc, nên năng suất, chất lượng khoai lang có phần giảm sút là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, cùng với việc hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, nông dân cần chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách bài bản thì mới có thể gắn bó lâu dài, phát triển khoai lang một cách bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.


Khánh Hòa tìm giải pháp phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững Khánh Hòa tìm giải pháp phát triển nghề… Giải pháp nào để nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu Giải pháp nào để nâng cao chất lượng…